Tiên trách kỷ, hậu trách nhân

09/12/2015 08:49
Đông Bình
(GDVN) - Nói người thì trước hết phải ngẫm đến mình, việc Mỹ triển khai máy bay tuần tra P-8 ở Singapore trong 1 tuần bị Trung Quốc gọi là "quân sự hóa khu vực", còn...

Hợp tác quốc phòng Mỹ - Singapore gây chú ý

Từ ngày 6 đến ngày 10/12/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen thăm chính thức Hoa Kỳ nhân kỷ niệm 25 năm hai nước ký kết Bản ghi nhớ hợp tác quốc phòng (1990) và 10 năm Hiệp định khung hợp tác chiến lược (2005).

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng Singapore tại Lầu Năm Góc, Mỹ ngày 7 tháng 12 năm 2015
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng Singapore tại Lầu Năm Góc, Mỹ ngày 7 tháng 12 năm 2015

Đáng chú ý, trong chuyến thăm này, vào ngày 8/12/2015, tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton B. Carter đã ký kết thêm một thỏa thuận tăng cường hợp tác có tên là Hiệp định hợp tác quốc phòng song phương (DCA).

Theo thông cáo chung giữa hai bên, hiệp định DCA này sẽ cung cấp cho hai bên một khuôn khổ hợp tác quốc phòng rộng lớn, đưa hợp tác song phương lên tầm cao mới.

Trên cơ sở này, hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác về quân đội và chính sách, chiến lược, công nghệ quân sự, đồng thời hợp tác đối phó các nguy cơ an ninh phi truyền thống như cướp biển, khủng bố.

Ngoài ra, hai bên sẽ còn tiến hành hợp tác trên các lĩnh vực mới như cứu trợ nhân đạo, cứu trợ thiên tai, an toàn sinh học, an ninh mạng và thông tin truyền thông.

Đặc biệt, điều cần lưu ý và đã thu hút sự chú ý rộng rãi của dư luận, đó là Mỹ và Singapore lần đầu tiên nhất trí về việc để cho Hải quân Mỹ triển khai máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon ở Singapore trong thời gian 1 tuần, từ ngày 7 đến ngày 14/12/2015.

Thông cáo cho biết, việc triển khai này sẽ có lợi cho phối hợp tác chiến tốt hơn với quân đội các nước trong khu vực thông qua các cuộc tập trận chung cả song phương và đa phương, đồng thời có thể hỗ trợ kịp thời cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo và duy trì an ninh hàng hải.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ

Tuy nhiên, hai bên không cho biết Mỹ sẽ triển khai bao nhiều máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon ở Singapore. Một quan chức quốc phòng Mỹ còn cho biết, Mỹ có thể sẽ có thêm những đợt triển khai máy bay trinh sát tiếp theo ở Singapore.

Hiện nay, Mỹ đã triển khai máy bay tuần tra săn ngầm P-8 ở Nhật Bản và Philippines, đồng thời cũng đã tiến hành các hoạt động trinh sát xuất phát từ Malaysia, một nước láng giềng của Singapore.

Mỹ và Singapore đã tiến hành hợp tác quốc phòng mật thiết gần nửa thế kỷ. Mỹ cho phép Không quân Singapore đồn trú và huấn luyện, diễn tập ở Mỹ, còn Singapore cho phép Mỹ triển khai thiết bị quân sự tại căn cứ quân sự của mình và hỗ trợ hậu cần cho Mỹ.

Trong những năm gần đây, Mỹ đã lần lượt triển khai 2 tàu tuần duyên ở Singapore, lần lượt là tàu USS Freedom (tháng 3/2013) và tàu USS Fort Worth (tháng 12/2014). Hai bên cũng đã đồng ý cho phép Mỹ triển khai chiếc tàu tuần duyên thứ ba ở Singapore vào năm 2016 và chiếc thứ tư vào năm 2017.

Trong chuyến thăm lần này, hai bên nhất trí hợp tác đối phó với các thách thức an ninh khu vực và thúc đẩy các sáng kiến tăng cường an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hai bên cũng nhất trí về tầm quan trọng của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) trong việc thúc đẩy hợp tác thực tế giữa quân đội các nước trong khu vực.

Hai bên còn khẳng định tầm quan trọng của sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đóng góp cho bảo đảm hòa bình và ổn định khu vực.

Đáp trả mạnh mẽ thói bành trướng, độc chiếm Biển Đông

Bình luận về việc Mỹ có thêm địa điểm mới để triển khai máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon trên Biển Đông, hãng tin Reuters Anh cho rằng, đây là phản ứng mới nhất của Mỹ đối với những tuyên bố chủ quyền vô lý và bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm vào tháng 2 năm 1995
Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm vào tháng 2 năm 1995

Mỹ coi yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc là không đứng vững về mặt luật pháp quốc tế; đồng thời thường xuyên lên án Trung Quốc xây đảo nhân tạo bất hợp pháp trên Biển Đông, đồng thời mạnh mẽ yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoạt động này.

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn bỏ ngoài tai sự phản đối của Mỹ và các nước ven Biển Đông, ngang ngược đòi chủ quyền vô lý, điều này thấy rõ nhất trong các tuyên bố của nhà lãnh đạo cao nhất Trung Quốc khi thăm Mỹ, thăm Anh, thăm Singapore trong các tháng 9, tháng 10 và tháng 11 vừa qua.

Ngoài ra, Trung Quốc còn đặc biệt ngang ngược tuyên  bố rằng họ “kiềm chế” lắm mới chưa làm cái gọi là “thu hồi” các đảo đá còn lại trên Biển Đông, trong đó có các đảo đá của Việt Nam và đang được Việt Nam kiểm soát thực tế. Theo các nhà quan sát thì đây là một điềm báo không lành cho hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.

Phản ứng lần này của Mỹ rõ ràng là một “tin xấu” và “không vui” đối với giới bành trướng lãnh thổ Trung Quốc. Đây chỉ là một phần trong các phản ứng liên tục và không ngừng, không chỉ của Mỹ, mà còn của các nước ven Biển Đông, trước yêu sách tham lam của Trung Quốc.

Gần đây, Mỹ đã điều tàu khu trục USS Lassen tuần tra vùng biển 12 hải lý của đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Biển Đông. Ngoài ra, 2 chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 sau đó cũng bay gần khu vực này. Vào tháng 5/2015, Trung Quốc cũng ngang nhiên “cảnh cáo 8 lần” đối với máy bay P-8 Mỹ bay gần đảo nhân tạo.

Mỹ tuyên bố sẽ tiếp tục tuần tra vùng biển 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo để khẳng định quyền tự do đi lại ở Biển Đông. Hành động này thực chất cũng đã góp phần bác bỏ yêu sách chủ quyền vô lý của Trung Quốc – họ đòi tới gần 90% diện tích Biển Đông.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và tàu khu trục USS Lassen Hải quân Mỹ trên Biển Đông (ảnh tư liệu)
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt và tàu khu trục USS Lassen Hải quân Mỹ trên Biển Đông (ảnh tư liệu)

Mỹ đã sử dụng hành động thực tế để bác bỏ yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc. Trong khi đó, Philippines phối hợp chặt chẽ, đưa vụ kiện Trung Quốc ra Tòa trọng tài thường trực của Liên hợp quốc ở The Hague, Hà Lan, tập trung bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” về mặt pháp lý.

Nhiều nước ven Biển Đông như Việt Nam, Philippines, Indonesia… đều bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” do Trung Quốc vẽ bậy và áp đặt. Sức ép ngoại giao đối với Trung Quốc trong vấn đề này chắc chắn sẽ ngày càng lớn. Đó là hệ quả do lòng tham của Trung Quốc gây ra.

Không chỉ có vậy, hợp tác quốc phòng Mỹ-Philippines ngày càng vững chắc. Năm 2014, Mỹ-Philippines đã ký một Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường, cho phép các lực lượng quân sự Mỹ triển khai luân phiên ở Philippines.

Ngày 17/11/2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên thăm tàu chỉ huy của Hải quân Philippines và đưa ra cam kết “sắt thép” bảo vệ đồng minh, tuyên bố cung cấp “viện trợ quân sự” cho Philippines và các nước Đông Nam Á khác, trong đó có Việt Nam.

Ngoài ra, một động thái đáng chú ý trong năm 2015 chính là Nhật Bản đẩy mạnh quan hệ quốc phòng và an ninh với Việt Nam và Philippines. Nhật Bản tích cực viện trợ quân sự, xây dựng cơ chế tập trận định kỳ với Philippines ở Biển Đông.

Trong khi đó, Nhật Bản cam kết hỗ trợ cho Cảnh sát biển Việt Nam bảo đảm an ninh biển. Đồng thời, trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Gen Nakatani vào đầu tháng 11 vừa qua, Việt Nam-Nhật Bản đã đạt thỏa thuận cho các tàu chiến Nhật Bản tiếp cận vịnh Cam Ranh để tiếp tế.

Ngày 17 tháng 11 năm 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm tàu chỉ huy BRP Gregorio del Pilar của Hải quân Philippines, biểu tượng cho sự viện trợ của Mỹ đối với Philippines.
Ngày 17 tháng 11 năm 2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama đến thăm tàu chỉ huy BRP Gregorio del Pilar của Hải quân Philippines, biểu tượng cho sự viện trợ của Mỹ đối với Philippines.

Ngày 24/11, Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản, Phó Đô đốc Yasuhiro Shigeoka cho biết: Một khi Mỹ yêu cầu Nhật Bản tham gia hành động, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản có năng lực hưởng ứng, cùng Mỹ hành động ở Biển Đông.

Đó chính là phản ứng mạnh mẽ của Mỹ và đồng minh cùng các nước ven Biển Đông trước tình hình an ninh khu vực ngày càng nghiêm trọng, nhất là các hành động khiêu khích ngày càng gia tăng từ việc áp đặt yêu sách “đường lưỡi bò” tham lam của Bắc Kinh.

Tiên trách kỷ, hậu trách nhân

Trong cuộc họp báo ngày 8/12, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh lên tiếng cho rằng: “Chúng tôi cho rằng, việc Mỹ tăng cường triển khai quân sự và thúc đẩy quân sự hóa khu vực không phù hợp với lợi ích chung lâu dài của các nước trong khu vực”.

Bà nói thêm rằng: “Hầu hết các nước khác trong khu vực muốn chứng kiến một khu vực Đông Nam Á hòa bình, ổn định, phát triển và phồn vinh”. “Hy vọng các nước liên quan làm nhiều việc có lợi cho tăng cường lòng tin giữa các nước trong khu vực, có lợi cho bảo vệ hòa bình và phát triển của khu vực”.

Trung Quốc đưa ra phản ứng như vậy, coi hành động lần này của Mỹ là “quân sự hóa khu vực”. Tổ tiên người Trung Quốc vẫn dạy con cháu họ về cách hành xử "tiên trách kỷ, hậu trách nhân", nhưng xem ra một số nhà lãnh đạo nước này cứ thích làm ngược lại những gì cha ông họ dạy, đặc biệt là trong vấn đề Biển Đông.

Những “con đường hòa bình” để giải quyết tranh chấp Biển Đông thì Trung Quốc không chịu đi bằng cách tránh né hoặc câu giờ. Minh chứng rõ nhất là Trung Quốc không chấp nhận, không tham gia vụ kiện của Philippines về vấn đề Biển Đông, tức là Trung Quốc đã bỏ lỡ một con đường hòa bình để giải quyết tranh chấp.

Hoa Xuân Oánh - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Hoa Xuân Oánh - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Trên thực tế là Trung Quốc không dám tham gia, vì yêu sách “đường lưỡi bò” hay “đường chín đoạn” của Trung Quốc hoàn toàn vô lý, phi pháp. Trung Quốc không có bất cứ bằng chứng và cơ sở pháp lý nào để khẳng định chủ quyền theo yêu sách này.

Hơn nữa, một con đường hòa bình khác đang còn dang dở, đó là đàm phán xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) để đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông. ASEAN rất muốn thúc đẩy nhanh chóng đạt được COC, nhưng Trung Quốc tỏ ra chần chừ, trì hoãn việc ký kết.

Trong khi những “con đường hòa bình” không theo hoặc còn dang dở, Trung Quốc lại tiến hành rất nhiều hành động bất hợp pháp mang tính cưỡng ép bằng sức mạnh ở Biển Đông, nhất là đơn phương làm thay đổi hiện trạng Biển Đông bằng cách bồi lấp, xây đảo nhân tạo một cách bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa, Việt Nam), vi phạm luật pháp quốc tế và Tuyên bố về hành vi ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC).

Trung Quốc nói không “quân sự hóa” Biển Đông, nhưng rõ ràng các quan chức của họ đã khẳng định sẽ sử dụng các cơ sở đang xây dựng đó một phần cho mục đích quân sự. Người ta nhìn thấy rõ những hình ảnh về các đường băng đang được Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Chữ Thập, đá Vành Khăn… Truyền thông Trung Quốc luôn tuyên truyền là ở đó có thể triển khai nhiều loại máy bay quân sự cỡ lớn.

Các nhà phân tích cũng khẳng định, Trung Quốc rõ ràng đang tiến hành quân sự hóa Biển Đông, biến các đảo, đá ngầm của Việt Nam thành các tiền đồn quân sự, trực tiếp đe dọa chủ quyền, an ninh của các nước ven Biển Đông và hòa bình, an ninh, ổn định khu vực.

Trung Quốc không phải ngẫu nhiên mà đầu tư xây dựng phi pháp những công trình khổng lồ như vậy ở Biển Đông, Trung Quốc luôn lấy cớ là “thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm nước lớn, cung cấp dịch vụ an ninh công cho cộng đồng quốc tế”.

Cái cớ đó nghe sao kệch cỡm và lố bịch. Trung Quốc đang muốn thông qua những hoạt động mà họ quảng bá là "trách nhiệm quốc tế" để cố gắng giành sự công nhận trên thực tế yêu sách chủ quyền phi pháp đối với 7 thực thể ở Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam mà họ cất quân xâm lược, chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1988, 1995 đến nay.

Theo các nhà phân tích quốc tế, Trung Quốc đã triển khai máy bay chiến đấu J-11B ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam
Theo các nhà phân tích quốc tế, Trung Quốc đã triển khai máy bay chiến đấu J-11B ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam

Một minh chứng rõ ràng cho hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông, đó là tất cả các dấu hiệu cho thấy Trung Quốc hầu như đã triển khai máy bay chiến đấu thế hệ thứ ba J-11B ở đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng, Việt Nam).

Những hình ảnh máy bay chiến đấu J-11B của Hạm đội Nam Hải, Hải quân Trung Quốc đã được Trung Quốc đăng tải rộng rãi khi nó tham gia vào một cuộc tập trận ở “một sân bay trên Biển Đông”. Cách nói này rõ ràng cho thấy, địa điểm diễn tập không phải là một sân bay ở đảo Hải Nam, mà chính là sân bay ở đảo Phú Lâm. Các nhà quan sát quốc tế cũng khẳng định như vậy.

Trung Quốc cũng đặc biệt chú trọng đến tổ chức các hoạt động tập trận răn đe vũ lực ở Biển Đông. Trong tháng 11, có một cuộc tập trận gây chú ý là diễn tập săn ngầm quy mô lớn do cả 3 hạm đội lớn của Hải quân Trung Quốc (gồm Hạm đội Bắc Hải, Hạm đội Đông Hải, Hạm đội Nam Hải) tiến hành. Ngoài ra, Hạm đội Nam Hải cũng giương oai bằng cách tổ chức tập trận đổ bộ quy mô lớn.

Những cuộc tập trận này được các “chuyên gia, học giả” Trung Quốc ám chỉ là nhằm vào Mỹ và các đối thủ trong khu vực. Đây chính là những hành động “quân sự hóa khu vực” ở Biển Đông.

Đó là còn chưa nói đến việc Trung Quốc tập trung và ưu tiên triển khai vũ khí trang bị mới, tiên tiến cũng như xây dựng các căn cứ quân sự quy mô lớn ở Biển Đông, nhất là ở đảo Hải Nam.

Các nguồn tin cho biết, tại Hội nghị cấp cao Đông Á vừa qua ở Kuala Lumpur, Malaysia, Trung Quốc mãi mới buộc phải đồng ý đưa cụm từ “phi quân sự hóa” vào Tuyên bố chung của hội nghị dưới sức ép của Mỹ và các nước ASEAN.

Bởi vậy, khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh gọi việc triển khai máy bay tuần tra P-8A của Mỹ ở Singapore trong vòng 1 tuần là “quân sự hóa khu vực” thì Trung Quốc cũng nên tự ngẫm lại mình, nhất là khi họ có ý đồ “triển khai vĩnh viễn” các vũ khí trang bị tiên tiến ở các tiền đồn quân sự trên Biển Đông.

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ

Một vài nét về máy bay tuần tra săn ngầm P-8A

Máy bay P-8A Poseidon là máy bay tuần tra trên biển tầm xa thế hệ mới của Hải quân Mỹ, có năng lực săn ngầm, chống hạm, tình báo, trinh sát, được cho là “sát thủ săn ngầm” hiện đại nhất thế giới hiện nay.

Loại máy bay này do hãng Boeing Mỹ thiết kế, chế tạo để đáp ứng nhu cầu của Hải quân Mỹ, bay lần đầu tiên vào tháng 4/2009; được phát triển trên nền tảng máy bay chở khách Boeing 737-800ERX, sử dụng đôi cánh của Boeing 737-900. P-8A lớn hơn máy bay P-3 Orion và có thùng nhiên liệu bổ sung ở phía sau, có thể chứa 34 tấn nhiêu liệu và bay 4 giờ.

Máy bay P-8A dài 39,47 m, sải cánh 35,7 m, cao 12,83 m, trọng lượng cất cánh tối đa 85,3 tấn; sử dụng 2 động cơ CFM56-7B, tốc độ hơn 900 km/giờ, trần bay 12,5 km, bán kính tác chiến 3.700 km.

Phi hành đoàn của máy bay này có 9 người, gồm 2 phi công ngồi trong khoang lái, 5 nhân viên làm nhiệm vụ, 1 phi công sẵn sàng thay thế và 1 kỹ thuật viên.

P-8A sử dụng loại radar có khả năng phát hiện, phân loại và nhận dạng các tàu chiến mặt nước, tàu ngầm, được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ như giám sát duyên hải, tìm kiếm cứu nạn.

Máy bay P-8 còn có thể mang theo ngư lôi săn ngầm hạng nhẹ Mk54, tên lửa, bom rơi tự do, mìn, bom chìm và phao âm. Ngoài ra, các điểm treo dưới cánh máy bay có thể lắp các loại tên lửa như tên lửa chống hạm Harpoon, tên lửa tấn công mặt đất SLAM hoặc AGM-65 Maverick, tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinders hoặc AIM-120 AMRAAM. 

Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ
Máy bay tuần tra săn ngầm P-8A Poseidon Hải quân Mỹ
Đông Bình