Nghịch lý trong chi phụ cấp thu hút, phụ cấp ưu đãi giáo viên vùng khó khăn

05/01/2018 09:04
BÙI NAM
(GDVN) - Giáo viên công tác ở 2 xã gần nhau, điều kiện như nhau nhưng nhận mức lương hoàn toàn khác nhau, ở vùng khó khăn thì nhận gấp đôi lương giáo viên vùng khác.

LTS: Chỉ ra những nghịch lý, lãng phí và bất công trong việc chi phụ cấp hỗ trợ giáo viên công tác ở vùng khó khăn, thầy Bùi Nam đã đưa ra quan điểm về vấn đề này.

Theo thầy, việc chi các khoản phụ cấp không phù hợp không chỉ gây bất công cho các giáo viên cùng công tác mà còn gây lãng phí nguồn ngân sách của nhà nước.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Vấn đề tăng lương giáo viên trong giai đoạn sắp tới là một chủ đề nóng nhận được sự quan tâm của các ban ngành, toàn thể giáo viên và nhân dân cả nước.

Việc Bộ giáo dục cụ thể hóa việc tăng lương cho giáo viên trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục trình Quốc Hội trong năm 2018, trong đó thể hiện giáo viên được xếp thang, bảng lương cao nhất trong khối sự nghiệp công lập.

Đây là tín hiệu đáng mừng trong giai đoạn thu nhập giáo viên còn khó khăn, bấp bênh. Nhưng, vấn đề khó giải và đau đầu nhất là tiền đâu để tăng lương giáo viên như dự thảo trên?

Áp lực chi ngân sách, bộ máy cồng kềnh bên cạnh nợ công tăng cao, tham nhũng, lãng phí lớn là một trong những rào cản cho vấn đề tăng lương giáo viên.

Giáo viên giảng dạy tại vùng miền núi khó khăn (Ảnh minh họa: cand.com.vn).
Giáo viên giảng dạy tại vùng miền núi khó khăn (Ảnh minh họa: cand.com.vn).

Đã có rất nhiều biện pháp được đưa ra như tinh giảm biên chế, tăng thời gian làm việc cho giáo viên, tăng sĩ số học sinh trong lớp để giảm số lớp,…

Nhưng, đa số đều chưa phát huy hiệu quả và không phù hợp như tăng sĩ số học sinh thì giáo viên không thể áp dụng chương trình, phương pháp mới, khi chưa tăng được lương mà tăng thời gian làm việc sẽ dẫn đến quá tải, chán nản…dẫn đến chất lượng làm việc và hiệu quả giảng dạy sẽ xuống cấp.

Nhiều đề xuất của chuyên gia giáo dục hay giáo viên như tăng lương theo vị trí việc làm, hiệu quả làm việc hay giải tán Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề cấp huyện, giải tán Phòng giáo dục cấp huyện hay giảm tối đa lực lượng công chức ở Phòng giáo dục, hay việc sáp nhập các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở gần nhau đang được xem xét, hy vọng các cấp lãnh đạo nghiên cứu và quyết liệt trong các vấn đề trên.

Trong khi nhà nước đang siết chặt các khoản chi, tiết kiệm tối đa thì ngân sách nhà nước đang phải chịu một khoản chi bất hợp lý từ các khoản chi phụ cấp, hỗ trợ giáo viên vùng khó khăn.

Việc chi các khoản phụ cấp không phù hợp không chỉ gây bất công cho các giáo viên cùng công tác mà còn gây lãng phí nguồn ngân sách rất lớn.

Nếu rà soát đối tượng chi, cắt giảm nguồn chi sẽ tiết kiệm nguồn ngân sách đáng kể cho việc tăng thêm thu nhập giáo viên, cũng như tăng nguồn đầu tư cho giáo dục.

Những khoản chi nào bất hợp lý?

Theo nghị định 116/2011/NĐCP và nghị định 19/2013/NĐCP của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ quản lý, nhà giáo công tác ở vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (sau đây gọi chung là vùng khó khăn).

Theo chính sách trên cán bộ quản lý, nhà giáo công tác ở vùng kinh tế đặc biệt khó khăn sẽ được hưởng phụ cấp ưu đãi 70%, phụ cấp thu hút 70%, nếu vùng khó khăn từ 5 năm trở lên thì ngoài các khoản trên còn được hưởng thêm phụ cấp lâu năm của vùng khó khăn từ 0,5 – 1,0 x mức lương cơ sở, các khoản phụ cấp khác…

Nghịch lý trong chi phụ cấp thu hút, phụ cấp ưu đãi giáo viên vùng khó khăn ảnh 2Lương đủ sống, giáo viên mới toàn tâm, toàn ý dạy học được

Chính sách trên là một chính sách nhân văn, nhờ vậy nhiều giáo viên vùng cao, vùng sâu bám trường, bám lớp để dạy cho các em học sinh được cải thiện thu nhập, giúp nhiều giáo viên thoát khỏi hoàn cảnh khó khăn để tiếp tục là những nhà giáo tiêu biểu, có nhiều phấn đấu cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.

Nhưng trong giai đoạn hiện nay việc chi trên có rất nhiều đối tượng nhận không còn thật sự phù hợp, cần thiết tạo nên sự lãng phí quá lớn cho ngân sách nhà nước, còn nhiều nghịch lý, bất công giữa các giáo viên với nhau.

Vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm vùng núi, biên giới, hải đảo (Trường Sa, Hoàng sa) có điều kiện khó khăn theo tôi nghĩ là phù hợp.

Nhưng nhiều xã bãi ngang ven biển hay các xã thuộc huyện nghèo có vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn toàn bộ giáo viên công tác ở các vùng trên cũng hưởng các khoản phụ cấp trên thì có nhiều nơi là không phù hợp vì những lý do sau:

Thứ nhất, xã bãi ngang khó khăn là những vùng ven biển có nhiều hộ gia đình xếp nghèo, cận nghèo thì giáo viên được nhận phụ cấp vùng khó khăn.

Nhưng có nhiều ngôi trường xây dựng khang trang, đầy đủ cơ sở vật chất không thua gì các ngôi trường khác, điều kiện đi lại, giảng dạy thuận lợi, các giáo viên dạy ở những ngôi trường này được hưởng 140% phụ cấp gồm phụ cấp ưu đãi 70%, phụ cấp thu hút 70% (giáo viên khác chỉ hưởng từ 30 – 35% tùy theo bậc dạy) tức hưởng lương và phụ cấp gấp đôi giáo viên khác trong khi điều kiện dạy y như nhau, nhiều giáo viên nói do “hên xui”.

Nhiều huyện nghèo nhưng điều kiện bây giờ khác ngày xưa, đường sá khang trang thuận lợi, trường học đã được xây dựng hoàn thiện, đầy đủ cơ sở vật chất, giáo viên không gặp khó khăn nhưng vẫn chi phụ cấp với số tiền quá lớn như trên là không hợp lý.

Nhiều giáo viên vùng khó khăn chỉ biết nhận chứ thật sự biết hỗ trợ để làm gì vì giáo viên trên công tác làm việc cũng y như giáo viên vùng khác, và cũng thật sự không cần thiết có khoản hỗ trợ trên.

Thứ hai, có nhiều giáo viên công tác tại vùng trên nhưng hoàn cảnh gia đình khá giả hay thu nhập khá cao nhưng khi công tác ở vùng trên vẫn hưởng 140% phụ cấp.

Trong khi đó có nhiều giáo viên trẻ đi công tác rất xa, đời sống gặp rất nhiều khó khăn nhưng nhận mức lương “bèo bọt” nhiều giáo viên không thể bám nghề,….

Nghịch lý trong chi phụ cấp thu hút, phụ cấp ưu đãi giáo viên vùng khó khăn ảnh 3Chính sách tiền lương và phụ cấp đối với giáo viên

Từ đó, tạo sự bất công rất lớn khi giáo viên công tác ở 2 xã gần nhau, điều kiện như nhau nhưng nhận mức lương hoàn toàn khác nhau, ở vùng khó khăn thì nhận gấp đôi lương giáo viên vùng khác.

Có trường hợp giáo viên có hộ khẩu ở vùng khó khăn, hoàn cảnh gia đình khó khăn, đi công tác ở nơi khác xa nhà nhưng không được hưởng các khoản phụ cấp trên.

Thứ ba, các xã đã được phê duyệt vùng khó khăn thì không chịu thoát nghèo, mà chạy chỉ tiêu “bám nghèo”, càng nhiều hộ nghèo càng tốt vì địa phương thuộc xã nghèo, huyện nghèo không những nhận được nhiều khoản hổ trợ mà còn chế độ rất cao, ăn bám ngân sách nhà nước, nhiều đối tượng được “ăn theo”.

Theo quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 25/1/2017 thì có 291 xã trên cả nước được công nhận là xã bãi ngang ven biển có vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

Thử tính một xã có 1 trường trung học cơ sở, 2 trường tiểu học và một trường mầm non thì trong một xã có trên dưới 100 cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác và nhận các khoản phụ cấp trên.

Nhẩm tính chung cả nước có 29.100 người nhận phụ cấp trên tính ra ngân sách mỗi tháng phải “gánh” thêm từ 105 đến 110% lương, ít nhất phải chi thêm khoảng trên dưới 200 tỷ để chi cho các khoản phụ cấp trên.

Đó là chưa kể giáo viên công tác tại các huyện nghèo nhưng trong những ngôi trường khang trang vẫn nhận đầy đủ các khoản trên.

Trong giai đoạn kinh tế còn nhiều khó khăn thắt chặt chi tiêu, tiết kiệm ngân sách thì con số trên là không hề nhỏ.

Chi hỗ trợ giáo viên công tác vùng khó khăn nhưng nghịch lý

Ngoài vấn đề nghịch lý trong việc chi các khoản phụ cấp cho giáo viên công tác tại các ngôi trường thuộc vùng khó khăn tạo nên bất công lớn cho các giáo viên, cùng là giáo viên nhưng nhận mức lương, phụ cấp khác nhau (hơn gấp đôi nhau).

Bên cạnh đó, nghịch lý trong việc chi phụ cấp giáo viên ngay tại vùng khó khăn kiểu “cào bằng” như hiện nay cũng tạo nên sự bất công lớn.

Gọi là hỗ trợ, phụ cấp cho giáo viên công tác tại vùng khó khăn, giáo viên nào cũng công tác nhưng mức hưởng là 140% (hơn 105 -110% so với giáo viên khác) nên giáo viên lớn tuổi có thâm niên công tác thì nhận rất cao.

Nghịch lý trong chi phụ cấp thu hút, phụ cấp ưu đãi giáo viên vùng khó khăn ảnh 4Không trả lương cào bằng

Ví dụ lương là 10 triệu đồng thì nhận phụ cấp thêm 11 triệu đồng thực nhận 22 triệu đồng. Trong khi đó giáo viên mới ra trường với mức lương 2,5 triệu đồng nhận phụ cấp trên chưa đến 3 triệu đồng.

Cùng là chi phụ cấp cho giáo viên công tác nhưng nhận chênh lệch nhau gần 8 triệu đồng là điều bất công, vì ai cũng công tác tại vùng khó khăn như nhau, giáo viên lớn tuổi lương đã cao (không cần hỗ trợ) mà còn nhận phụ cấp vùng khó khăn lại rất cao, còn lực lượng giáo viên trẻ (cần nhiều hỗ trợ) thì lại nhận thấp.

Chi phải công bằng

Đương nhiên chính sách trên nên tiếp tục duy trì nhưng tôi đề nghị chỉ hỗ trợ cho giáo viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, giáo viên trẻ thu nhập thấp, hỗ trợ cho đơn vị trường gặp nhiều khó khăn, điều kiện đi lại, công tác khó khăn thật sự chứ không hỗ trợ kiểu “hên xui”, hay “cào bằng” như hiện nay.

Để tạo công bằng chi phù hợp nên rà soát các ngôi trường trong vùng khó khăn chỉ chi phụ cấp cho giáo viên công tác tại các ngôi trường rất khó khăn, tạm bợ, thiếu thốn toàn diện cơ sở vật chất, đồ dùng, phương tiện dạy học, đi lại khó khăn,…

Khi chi hỗ trợ giáo viên vùng khó khăn chuyển từ hỗ trợ theo kiểu càng lâu năm càng nhiều sang kiểu hỗ trợ “cứng”. Mỗi người hỗ trợ một khoản đều nhau khoảng 2 triệu đồng hoặc 3 triệu đồng một người/tháng sẽ phù hợp hơn hiện nay.

Nếu rà soát lại điều kiện các ngôi trường, đối tượng được hưởng và chỉ chi hỗ trợ “cứng” như trên theo tôi nghĩ mỗi tháng tiết kiệm cho ngân sách không dưới 100 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc làm trên cũng góp phần tạo nên công bằng trong giáo dục.

Rà soát lại các vùng khó khăn trong cả nước, không thể chi mãi ngân sách những địa phương kiên quyết bám nghèo, ăn bám ngân sách.

BÙI NAM