Lương đủ sống, giáo viên mới toàn tâm, toàn ý dạy học được

11/12/2017 07:16
Thùy Linh
(GDVN) - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, “giáo viên phải sống được bằng lương mới toàn tâm, toàn ý dạy học".

Nội dung “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” vào Luật Giáo dục sửa đổi nhận được sự tán thành của nhiều chuyên gia, đặc biệt là đội ngũ giáo viên bởi lẽ điều này sẽ tạo sự phấn khởi cho đội ngũ nhà giáo. 

Chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, việc tăng lương giáo viên là điều vô cùng cần thiết bởi lẽ, “giáo viên phải sống được bằng lương mới toàn tâm, toàn ý dạy học. Nhà giáo xứng đáng được hưởng bậc lương cao nhất”, ông Nhĩ nhấn mạnh. 

Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, “giáo viên phải sống được bằng lương mới toàn tâm, toàn ý dạy học". (Ảnh: Thùy Linh)
Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, “giáo viên phải sống được bằng lương mới toàn tâm, toàn ý dạy học". (Ảnh: Thùy Linh)

Bà Trương Thị Kim Ngân – Hiệu trưởng trường Tiểu học Trại Cau (Thái Nguyên) trăn trở thực trạng giáo viên tiểu học phải làm việc 10-11 tiếng/ngày, thậm chí không dám nghỉ trưa vì phải kiêm luôn nấu ăn cho trẻ và không có chế độ hỗ trợ thêm, lương lại thấp.

“Năm nay, chúng tôi tuyển 27 người nhưng đã 10 người bỏ. Được biết tỉnh Thái Nguyên chuẩn bị nâng lên mức lương giáo viên lên hệ số 1,85. 

Dẫu có vậy thì lương cũng chỉ trên 2 triệu đồng. Do đó, người ta không đi làm giáo viên mà đi làm công ty lương 5-8 triệu đồng”, bà Ngân chia sẻ.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ thông tin, lương giáo viên với bằng cao đẳng hiện tại khoảng 3,5 triệu đồng/tháng, đại học đạt 4 triệu đồng/tháng, so với tương quan mặt bằng kinh tế là rất thấp.

Lương đủ sống, giáo viên mới toàn tâm, toàn ý dạy học được ảnh 2Mong lương giáo viên bằng lương thiếu úy, đừng đặt mục tiêu anh hùng lao động

Do đó, khi lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp thể hiện sự quan tâm và tạo động lực cho đội ngũ giáo viên, đồng thời thu hút học sinh, sinh viên giỏi vào ngành sư phạm và nâng chuẩn đầu vào, đáp ứng nhu cầu thực hiện nhiệm vụ của nhà giáo”, bà Huyền nhận định.

Trong khi đó, thầy giáo Nguyễn Văn Đôn, Hiệu trưởng Trung học phổ thông Yên Xuân 2 (Bắc Giang) chia sẻ, vấn đề chất lượng đội ngũ ngành sư phạm là vấn đề ông trăn trở trong nhiều năm nay.

"Trường tôi năm nào cũng phải đón nhận sinh viên về thực tập. Qua đó thì thấy chất lượng hiện nay của đội ngũ chúng ta chưa tốt.

Tôi rất trăn trở làm thế nào nhân sửa Luật để làm thế nào thu hút sinh viên học giỏi, có tài vào ngành sư phạm. Và vấn đề tăng lương sẽ là một giải pháp, song quan trọng hơn nên quan tâm nhiều hơn đến học sinh”, ông Đôn nói.

Tuy nhiên, tại hội thảo góp ý cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục do Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam tổ chức, Giáo sư Nguyễn Cương - nguyên Phó hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mặc dù tán thành với nội dung “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” tuy nhiên ông Cương nhìn nhận, đây là việc không hề dễ dàng khi thực hiện. 

“Muốn thực hiện được thì cần có những quy định cụ thể hơn trong các nghị định hướng dẫn. Nếu được, chúng tôi nghĩ nên thêm một số câu từ thể hiện rõ ràng sự đảm bảo và trân trọng sự đóng góp của giáo viên” - ông Cương nói.

Thùy Linh