Leo núi Thần Đinh lấy “nước thánh”

16/02/2016 13:48
Thủy Phan
(GDVN) - Trong dịp đầu xuân Bính Thân 2016, hàng ngàn người đã đến núi Thần Đinh dâng hương, cầu an và leo lên đỉnh núi lấy “nước thánh”.

Sự tích chùa Non

Khu di tích chùa Non - núi Thần Đinh (ở xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình), là một địa điểm tâm linh thu hút đông đảo khách du lịch đến cầu an, vãn cảnh. Ngọn núi này nằm ở độ cao 405 m so với mực nước biển. 

Theo nhiều tài liệu viết lại, núi Thần Đinh mang nhiều huyền tích về một cõi tâm linh, từng được người xưa gọi là “chốn đa phật”.

Nhìn từ dưới lên, ngọn núi sững sững cao vút, nhưng điều kỳ lạ là đỉnh núi lại tương đối bằng phẳng. Trên đỉnh núi Thần Đinh có di tích của ngôi chùa cổ gọi là chùa Non (hay còn có tên là chùa Kim Phong). 

Nhìn từ dưới lên, núi Thần Đinh sững sững cao vút, nhưng điều kỳ lạ là trên đỉnh lại tương đối bằng phẳng (Ảnh: Thủy Phan)
Nhìn từ dưới lên, núi Thần Đinh sững sững cao vút, nhưng điều kỳ lạ là trên đỉnh lại tương đối bằng phẳng (Ảnh: Thủy Phan)

Tương truyền, có một vị pháp sư thông minh, tài trí, khí chất hiền hòa đã tu ở chùa Kim Phong. 

Trước khi viên tịch, sư thầy đã cắt một đốt ngón tay út ghi chữ “Đinh” rồi đặt vào đáy lư hương của chùa, phần còn lại của ngón tay thầy ghi chữ “Thần”.

Kỳ lạ, đốt ngón tay bị cắt ra đó tươi mãi không hề bị thối rữa dù không được bảo quản gì. Sau này, thầy đầu thai trong hình hài vua Càn Long của Trung Quốc (vua Càn Long sinh ra cũng bị mất một đốt ngón tay út).

Nhiều tăng ni phật tử và người dân đến tham dự Đại lễ cầu Quốc thái Dân an (Ảnh: Thủy Phan)
Nhiều tăng ni phật tử và người dân đến tham dự Đại lễ cầu Quốc thái Dân an (Ảnh: Thủy Phan)

Linh cảm tiền kiếp có duyên nợ với chùa Kim Phong, vua Càn Long bèn cho đúc một quả chuông và sai thủy quân mang sang tặng chùa Kim Phong. Nhưng khi thuyền vào cửa sông Nhật Lệ thì không may trời nổi giống nhấn chìm.

Sau đó, một ngư dân chài lưới quê ở huyện Bố Trạch đã vớt được quả chuông, nhìn thấy dòng chữ “Thần Đinh Tự chung” và “Càn Long phụng cúng” nên đã trao cho các sư ở chùa Kim Phong treo trong chùa.

Leo 1.260 bậc lên chùa Non lấy “nước thánh”

Để lên đến đỉnh núi, du khách phải leo 1.260 bậc đá với cây cối mọc um tùm hai bên đường mới thấy chùa Non. Càng lên cao, không khí càng mát mẻ, thoáng đãng.

Nhiều người leo 1.260 bậc đá lên đỉnh núi không quên mang theo chai để mang “nước thánh” về (Ảnh: Thủy Phan)
Nhiều người leo 1.260 bậc đá lên đỉnh núi không quên mang theo chai để mang “nước thánh” về (Ảnh: Thủy Phan)

Toàn đỉnh núi Thần Đinh là những dãy đá vôi thấp màu xám đen, đá xếp chồng lên nhau thành từng ngọn, từng lớp liên tiếp, trong đó là những hang hốc.

Ngôi chùa cổ trên đỉnh Thần Đinh nay chỉ còn những mảng tường đá rêu phong, chen đầy cây cối giữa một khu đất bằng phẳng đầy cây cổ thụ. 

Trước cửa chùa có một giếng nước đầy ắp, trong vắt và mát ngọt mà người ta gọi là giếng Tiên. Giếng nằm ngay giữa bốn bề đá khô khốc nhưng không bao giờ cạn, kể cả những năm khô hạn nhất.

Dân gian đồn rằng, nước này là “nước thánh”, khi dùng để rửa mặt hay uống thì sẽ mang lại nhiều may mắn. Vì vậy, nhiều người khi leo núi Thần Đinh, họ không quên mang theo chai nước để lấy ít “nước thánh” về dùng.

Đại đức phát lộc đầu năm cho thực khách (Ảnh: Thủy Phan)
Đại đức phát lộc đầu năm cho thực khách (Ảnh: Thủy Phan)

Hàng năm, cứ từ mùng 5 đến mùng 7 tháng Giêng (Âm lịch), tổ đình Vĩnh Nghiêm (thuộc Hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh) và chùa Kim Phong lại tổ chức “Đại lễ cầu Quốc thái Dân an - Thế giới hòa bình, chúng sinh an lạc” ở chùa Kim Phong - núi Thần Đinh.

Trong 3 ngày này, khi thực khách đến cầu an ở chùa sẽ được phục vụ bữa ăn miễn phí.

Theo các sư thầy ở chùa Kim Phong, năm nay chùa đã chuẩn bị gần 7.000 suất ăn để phục vụ cho thực khách đến cầu an, leo núi hoặc vãn cảnh chùa trong 3 ngày diễn ra Đại lễ.

Thủy Phan