'Trung Quốc đang giả câm, giả điếc, các chính sách càng không thật'

20/05/2014 07:43
Lê Phương
(GDVN) - '‘Cả thế giới đều rõ tâm địa của Trung Quốc. Một tâm địa hết sức ngông cuồng, bất chấp luật lệ’, nhà văn Lê Lựu khẳng định.

‘Nhân cách Trung Quốc không bằng…trẻ con’

Đến thăm nhà văn Lê Lựu tại Trung tâm Văn hóa Doanh nhân Việt Nam vào một ngày nắng nóng nhưng có vẻ thời tiết khắc nghiệt tại Hà Nội vẫn không bằng sự bức xúc của nhà văn khi nói về sự bành trướng, ngông cuồng của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam.

Nhà văn Lê Lựu
Nhà văn Lê Lựu

‘Với sự tham lam của Trung Quốc thì việc xâm chiếm bằng cách mang giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam là việc tất yếu không sớm thì muộn của chính phủ Trung Quốc. Tôi chỉ không ngờ một nước to như thế mà nhân cách như trẻ con. Sống bất cần không quan tâm thiên hạ nói gì, mà ai nói cũng kệ’, nhà văn Lê Lựu chia sẻ với giọng đầy phẫn nộ.

‘Cả thế giới đều rõ tâm địa của Trung Quốc. Một tâm địa hết sức ngông cuồng, bất chấp luật lệ’, nhà văn Lê Lựu tiếp tục khẳng định thêm.

Nói về 16 chữ vàng mà Trung Quốc đã kí kết với Việt Nam gồm: ‘"Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai" nhưng chưa được bao lâu Trung Quốc đã bội tín, hung hãn xâm chiếm biển Việt Nam và ngư dân trên biển, nhà văn Lê Lựu đã đưa ra những nhận định riêng của mình về sự tráo trở này của Trung Quốc:

‘Trung Quốc nói là kí kết, hữu nghị… ngon ngọt như thế nhưng thực chất là đểu cáng… Hiện tại, những từ ngữ nào xấu nhất thì đều xứng đáng dành cho Trung Quốc. Tôi cho rằng càng ngày, các chính sách Trung Quốc càng không thật’.

Và trước cách hành xử hung hãn của Trung Quốc, nhà văn Lê Lựu cũng chia sẻ cách ứng xử của Việt Nam với nước ‘láng giềng’ lắm mưu mẹo này:

‘Chúng ta kiên quyết kìm hãm lại mọi xung đột để giải thích cho Trung Quốc hiểu nhưng Trung Quốc cố tình không hiểu và cứ cố làm láo. Hình như Trung Quốc đang cố gắng để gây xung đột. Vì thế chúng ta cần phải làm tất cả mọi việc ví dụ như kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế để mọi người thấy được âm mưu thâm độc này. Chúng ta phải làm cho Trung Quốc ‘bẽ mặt’’ với chính những gì mà Trung Quốc tự tạo ra’.

Với ứng xử của Việt Nam thời gian qua, tôi thấy mừng dù chưa thỏa mãn lắm nhưng khi Đảng chủ trương cái gì thì người dân nên làm theo. Cố gắng nén chịu nhưng phải phát động một phong trào kiên quyết. Tránh tình trạng đập phá của cải nhưng đừng giảm bớt ý chí chiến đấu, yêu nước. Tôi mong người dân hãy nghe theo lời cán bộ, Đảng cùng đường lối chính sách của Đảng. Bên cạnh đó, các cấp trên cũng nên nghiên cứu kĩ lưỡng và hành động cho quyết liệt vì các cụ ngày xưa cũng đã  nói rằng ‘đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy’’ hay 'Con giun xéo lắm cũng oằn'.

‘Trung Quốc đang giả câm, giả điếc…’

Trước thông tin một số Hội của Việt Nam như Hội nhà văn, Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ…đều lên tiếng phản đối Trung Quốc và gửi thư ngỏ đến các Hội của Trung Quốc với hi vọng, giới tri thức Trung Quốc sẽ nhìn rõ được ‘bộ mặt’ thật của chính phủ mình, nhà văn Lê Lựu cho rằng, những việc làm đó dù không biết có thức tỉnh được một chính phủ đất nước đang ‘giả câm, giả điếc’ như Trung Quốc hay không nhưng vẫn nên làm:

‘Tất cả mọi người cứ lên tiếng thôi còn Trung Quốc thì cứ giả câm giả điếc ấy mà. Cái tôi bất ngờ nhất, đó là Trung Quốc có những nhà văn lớn, nhà tư tưởng lớn như Khổng Tử, Lão Tử, Bạch Cư Di, Lỗ Tấn... lại vẫn có những con người giả ngu, giả câm, giả điếc…phớt lờ tất cả những lời đề nghị của thế giới. Thế nên điều cần làm là thức tỉnh để trở thành một con người. Đó là mong muốn của tôi, muốn Trung Quốc sớm thành một con người. Giờ Trung Quốc như một đứa bé câm và điếc phớt lờ mọi thứ lại còn đi vu cáo trắng trợn. Trung Quốc như ăn cướp vào nhà người ta rồi cố đuổi người ta ra khỏi nhà’.

‘Với tư cách nhà văn, tôi cũng mong muốn làm điều gì đó cho dân tộc nhưng bây giờ tôi ốm đau quá, ý nghĩ giờ cũng cạn rồi không nghĩ được nhiều. Trước mắt tôi kêu gọi bất cứ ai cũng phải đề cao cảnh giác và kiên quyết phản đối hành động xâm chiếm của Trung Quốc tới cùng.

Tôi cũng xin đề nghị cho một số nhà văn ra Trường Sa cùng với các chiến sĩ để ủng hộ tinh thần các chiến sĩ’, nhà văn Lê Lựu chia sẻ thêm.

Lê Phương