Vì sao nhiều người dễ dàng tin vào tin đồn “quan chức có bồ nhí”?

23/03/2018 06:09
Trần Phương
(GDVN) - Vì sao thông tin xấu lại lan tỏa nhanh đến thế? Một bộ phận cư dân mạng đang dễ dàng bị "dắt mũi" hay còn những nguyên do nào khác ẩn chứa trong đó?

Không tìm hiểu, không biết sự thật vẫn vô tư.... "ném đá"

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, ngày 22/3, Công an tỉnh Thanh Hóa đã có thông báo số 24/CAT-PA83 về kết quả ban đầu xác minh thông tin có nội dung xấu trên mạng xã hội liên quan đến ông Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa.

Từ kết quả điều tra, xác minh của các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa, Công an tỉnh Thanh Hóa khẳng định đối tượng đã tạo dựng tin nhắn có nội dung bịa đặt, sử dụng facebook Sơn Thai đăng tải, phát tán với động cơ mục đích xấu, xúc phạm danh dự, uy tín cá nhân của ông Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, nhằm gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.

Trước đó, ngày 19/3/2018, trên mạng xã hội xuất hiện một số thông tin vu vạo cho ông Đỗ Trọng Hưng có bồ nhí kèm theo những hình ảnh tin nhắn nhạy cảm khác.

Ngay lập tức, thông tin xấu này có sức lan tỏa khủng khiếp. Lượng share, lượt bình luận tăng lên chóng mặt. Nhiều bình luận ác ý hướng tới ông Đỗ Trọng Hưng đã khiến dư luận xôn xao.

Cuối cùng, theo kết luận của cơ quan chức năng thì việc này không có thật.

Vậy vì sao những ngày qua dư luận bị “dắt mũi” một cách dễ dàng đến vậy? Thông tin mà đối tượng đưa lên mạng đầy sơ hở và cho thấy sự ngụy tạo một cách ngô nghê đã trở thành một chủ đề hot trong những ngày qua? Đặc biệt là thông tin sai lệch vu cho ông Hưng có “bồ nhí” lại khiến nhiều người tin "sái cổ".

Trong thời kỳ mạng xã hội phát triển mạnh như hiện nay, dễ thấy trước những luồng thông tin thật, giả, nếu không cẩn trọng có thể bị những đối tượng xấu lợi dụng.

Những thông tin giả trên mạng xã hội dễ thành thứ văn hóa độc, dễ dàng xâm nhập vào đời sống thực.

Từ vụ việc bôi nhọ ông Đỗ Trọng Hưng, có thể thấy chỉ bằng một loạt những hình ảnh tự tạo, một câu chuyện gán ghép mang tính chất bôi nhọ, đối tượng đã đạt được mục đích của mình khi khiến cho dư luận dậy sóng.

Thông báo của Công an tỉnh Thanh hóa về vụ việc tung tin bịa đặt, bôi nhọ danh dự của ông Đỗ Trọng Hưng - Phó bí thư tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Báo thanh hóa)
Thông báo của Công an tỉnh Thanh hóa về vụ việc tung tin bịa đặt, bôi nhọ danh dự của ông Đỗ Trọng Hưng - Phó bí thư tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Báo thanh hóa)

Điều dễ nhận thấy hiện nay, xu hướng suy nghĩ, phát ngôn tiêu cực đang được phát tán nhanh và rộng hơn so với những cái tốt, mang tính xây dựng.

Những thông tin dạng như bắt cóc trẻ em, hàng độc hại, bạo hành, đánh ghen… vẫn thường xuất hiện trên mạng xã hội và thu thút rất nhiều người tham gia bình luận, ném đá. Thậm chí, dù không biết đầu đuôi câu chuyện, không kiểm chứng được đó có phải sự thật hay bịa đặt nhưng người dùng mạng xã hội vẫn vô tư... ném đá.

Vì sao nhiều người dễ dàng tin vào tin đồn “quan chức có bồ nhí”? ảnh 2Công an tỉnh Thanh Hóa kết luận ban đầu vụ ông Đỗ Trọng Hưng bị vu vạ có bồ nhí

Trao đổi về vấn đề tin đồn xấu lan tỏa trên mạng xã hội với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà nghiên cứu xã hội học - Tiến sĩ Thân Trung Dũng - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Phát triển Tri thức (ITCD), Viện Nghiên cứu Truyền thống và Phát triển cho rằng, với sự phát triển của mạng xã hội như hiện nay thì cơ chế xuất hiện tin đồn rất dễ xảy ra.

"Khi xã hội phát triển, công nghệ thông tin trở thành một trong những nhu cầu cần thiết đối với giới trẻ, đặc biệt là sự phát triển của các trang mạng xã hội.

Một trong những đặc điểm người dùng mạng xã hội ở Việt Nam là thiếu kiểm chứng thông tin. Một bộ bộ phận người dùng mạng xã hội hiếu kỳ với các tin shock, độc, lạ… chính vì vậy sức lan tỏa của những thông tin như ở Thanh Hóa vừa qua rất dễ tạo thành tin đồn có sự lan truyền lớn.

Bên cạnh đó do người dùng có thoải mái chia sẻ quan điểm, tương tác qua các “bình luận”, do đó sức lan tỏa của thông tin xấu kia ngày càng làn rộng", Tiến sĩ Dũng đánh giá.

Dễ tin vì đã từng có tiền lệ

Trước đó, năm 2017, cũng tại Thanh Hóa trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn bà Trần Vũ Quỳnh Anh là “bồ nhí” của Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa. Nhiều tài khoản mạng xã hội đã đăng tải lại thông tin này (dù chưa có kiểm chứng) khiến cho tin đồn lan ra nhanh hơn và nghiễm nhiên tồn tại suốt một thời gian dài về sự trong sạch của vị Bí thư tỉnh ủy.

Tuy nhiên, sau khi kết luận trong sạch cho ông Trịnh Văn Chiến - Bí thư tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá - ông Ngô Văn Tuấn đã bị kỷ luật vì “nâng đỡ không trong sáng” bà Quỳnh Anh. Đồng thời số tài sản từng được đề cập cho là thuộc sở hữu của bà Quỳnh Anh không được làm rõ thêm, vì thế mà dư luận chưa thực sự thoả mãn về vấn đề này.

Ngày 19/11/2017, tại phiên thảo luận về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới của Quốc hội, Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Ban thường trực nhóm Nữ Đại biểu Quốc) bày tỏ lo lắng khi còn một bộ phận không nhỏ cán bộ lãnh đạo, kể cả những người đứng đầu cấp ủy các địa phương, có biểu hiện chỉ quan tâm đến phái nữ vì muốn có thêm vợ bé hay bồ nhí để quản lý khối tài sản khổng lồ do tham nhũng mà có.

Những tin đồn về vị Phó bí thư tỉnh thanh hóa lan truyền chóng mặt vì đã có tiền lệ nhưng chưa được giải quyết kịp thời? (Ảnh chụp lại màn hình)
Những tin đồn về vị Phó bí thư tỉnh thanh hóa lan truyền chóng mặt vì đã có tiền lệ nhưng chưa được giải quyết kịp thời? (Ảnh chụp lại màn hình)

Đồng tình với ý kiến này của bà Khánh, ông Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội phát biểu trên tờ Người đưa tin: “Đúng là trong thời gian qua, một số quan chức ở trung ương, địa phương có mối tình thắm thiết với những cô gái xinh đẹp. Họ sống với nhau như vợ chồng, thậm chí có con riêng. Bên cạnh đó, một số cán bộ nữ muốn thăng tiến nhanh chóng đã chấp nhận thân thiết với các vị lãnh đạo, một số người còn chấp nhận trở thành 'người tình lâu dài' để giữ cho họ khối tài sản lớn như nhà cửa, đất đai, tiền bạc do tham nhũng mà có”.

Những ý kiến này đã khiến dư luận lo ngại và ngấm ngầm quy chụp, cho rằng thông tin một số quan chức có "bồ nhí" là một trong những vấn đề đang nghiễm nhiên tồn tại ở Việt Nam.

Lý giải theo quan điểm xã hội học, Tiến sĩ Thân Trung Dũng cho rằng, việc ở Thanh Hóa đã từng xuất hiện tin đồn có quan chức “ngoại tình” rồi nên dư luận rất dễ tin (bị lừa) ở đó có sự việc quan chức ngoại tình là điểu dễ hiểu.

Do đó, để định hướng dư luận cần tránh những tin đồn dạng như vậy lan tỏa cần nhiều biện pháp khác nhau, trong đó có việc các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, xác minh và phát đi thông tin chính thống, có sự xác tín.

Sau nhiều lần cơ quan chức năng có thông tin xác tín, dư luận sẽ dễ dàng nhận ra những luồng thông tin đồn đại kia là bịa đặt không đáng tin", Tiến sĩ Dũng cho biết.

Trần Phương