Thời gian qua, có nhiều vụ việc cán bộ, quan chức bị đưa lên mạng xã hội tố. Trong đó, có những cá nhân giữ chức vụ cao và có tầm ảnh hưởng trong xã hội.
Từ những thông tin khởi nguồn từ mạng xã hội, cơ quan chức năng vào cuộc và phát hiện ra các sai phạm của cán bộ, quan chức...
Nhưng cũng không ít vụ việc, nhiều thông tin sai trái không kiểm chứng đã làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của người bị tố cáo.
Thực trạng này đang là vấn đề gây tranh luận đa chiều. Hiện trong dự thảo Luật Tố cáo và Luật Phòng Chống Tham nhũng người ta cũng đang bàn về cơ chế xử lý đối với những thông tin tố cáo kiểu này.
Có nên tạo điều kiện để người dân thể hiện quyền của mình thông qua những tiện lợi của mạng xã hội và xem thông tin tố trên mạng xã hội, trên các phương tiện internet, thư điện tử, tin nhắn … là một hình thức tố cáo đó là điều mà các nhà làm luật đang băn khoăn.
Mới đây, việc Phó Bí thư thường trực tỉnh Thanh Hóa là ông Đỗ Trong Hưng bị đưa thông tin trên mạng cho rằng ông có bồ nhí lan truyền với tốc độ nhanh.
Vụ việc này một lần nữa đặt ra câu hỏi cần thiết phải ứng xử với những thông tin kiểu này như thế nào?
Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (ảnh quochoi.vn). |
Để có góc nhìn sâu sắc hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội đoàn tỉnh Đồng Nai.
Theo ông Dương Trung Quốc, mạng xã hội là một thực thể đang tồn tại quanh ta, nó phát huy cả mặt tích cực và cũng bộc lộ cả về mặt tiêu cực. Các thông tin trên mạng xã hội đều được gọi là tin không chính thống.
Do đó, người khai thác, sử dụng mạng xã hội cần phải có bản lĩnh để phân biệt cái sai cái đúng.
Còn về phía cơ quan chức năng có trách nhiệm, nhất là các cơ quan có liên quan đến nhân vật đang bị tố trên mạng xã hội thì tùy theo trách nhiệm của mình mà phải theo dõi để có phản ứng kịp thời.
Tôi nghĩ có người khác cùng ông Tuấn "nâng đỡ không trong sáng" bà Quỳnh Anh |
“Mạng xã hội có thể đưa ra được những dữ liệu đúng và cũng có thể sai.
Mỗi khi các thông tin có liên quan tới một quan chức nhà nước mà có những dấu hiệu đúng thì cần thiết phải điều tra đến nơi đến chốn.
Còn nếu phát hiện, các thông tin trên chỉ là vu khống, vu vơ ảnh hưởng đến uy tín của cán bộ, quan chức thì cũng phải điều tra để phát hiện ai có tình làm, tổ chức, cá nhân nào cố tình tung tin mà xử lý theo luật thật nghiêm khắc.
Theo tôi mỗi khi có thông tin tố giác trên mạng xã hội liên quan đến quan chức thì cơ quan có trách nhiệm phải vào cuộc để xem thông tin đúng sai như thế nào và trách nhiệm của người đưa tin đó đến mức độ nào.
Câu chuyện “hot girl”- Quỳnh Anh ở Thanh Hóa bị tố trên mạng xã hội và khi cơ quan chức năng đi tới tận cùng sự thật đã phát hiện ra nhiều điều sai trái có thể xem là một bài học về việc ứng xử như thế nào đối với những thông tin tố giác trên mạng xã hội”.
Bàn luận thêm về ứng xử trên mạng xã hội, ông Dương Trung Quốc chia sẻ thêm: “Mạng xã hội như một đường xa lộ rất rộng. Ai tham gia thì phải biết luật còn nếu không sẽ bị “xe cán chết”.
Cần nhanh chóng làm rõ ông Đỗ Trọng Hưng có oan, có bị người ta hãm hại không? |
Mọi người khi đã tham gia vào mạng xã hội cần trang bị cho mình kiến thức, bản lĩnh và phải có ý thức đấu tranh chống cái sai”.
Liên quan đến câu chuyện của ông Đỗ Trọng Hưng, ông Dương Trung Quốc cho rằng đang chờ đợi cơ quan có trách nhiệm vào làm việc theo đúng thẩm quyền.
“Vừa rồi, các dự thảo luật, kể cả Luật Phòng chống tham nhũng đã bắt đầu quan tâm đến vấn đề tố giác trên mạng xã hội.
Nhiều quan điểm phân tích trong cơ chế hiện nay có thể vì nhiều lý do người tố cáo không thể lộ diện hoặc không dám lộ diện nên mới tìm đến mạng xã hội.
Do đó, cần phải nên xem tố cáo trên mạng xã hội như một kiểu thư nặc danh.
Có nghĩa, khi nhận thông tin tố cáo thì cơ quan có trách nhiệm phải chắt lọc cái đúng, cái sai.
Nếu thông tin có cơ sở thì cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.
Việc ứng xử với thông tin tố trên mạng xã hội như vậy sẽ khuyến khích người dân tố giác tội phạm, đấu tranh phòng chống tham nhũng góp phần tích cực vào để phát triển xã hội.
Còn khi đã xác định, thông tin đó là sai, mang tính phá hoại thì cần thiết phải loại bỏ”.