Xem lễ hội chém lợn, đập đầu trâu có khiến lòng người thanh thản?

02/03/2015 07:10
Quốc Khánh
(GDVN) - trảy hội mùa xuân để cầu bình an, may mắn cho năm mới. Nhưng đi đến lễ hội là thấy cảnh đánh nhau, chém giết, đổ máu… liệu có khiến lòng ta thanh thản!

Lễ hội Đền Gióng hỗn chiến; lễ hội cướp phết vung dao; lễ hội đúc Bụt đổ máu cướp chiếu, lễ hội Ném Thượng chém lợn, lễ hội đập sọ trâu cho đến chết… là những ấn tượng sâu sắc với du khách trong mùa lễ hội 2015. Những hình ảnh đầy bạo lực ấy đang khiến nhiều người sợ hãi.

Bạo lực đồng hành cùng…lễ hội

Lễ hội chém lợn ở Ném Thượng (Bắc Ninh), đập đầu trâu cho đến chết ở Phú Thọ để cầu tài cầu lộc là những lễ hội gây ra nhiều tranh cãi nhất trong những ngày vừa qua. Cuộc tranh luận giữa văn minh và man rợ của các lễ hội này vẫn chưa ngã ngũ. Nhưng có lẽ, bản chất của vấn đề không phải nằm ở quan niệm đó là hủ tục hay truyền thống. Cái chúng ta cần quan tâm chính là tính nhân văn trong cuộc sống hiện đại.

Chém lợn, đập nát sọ trâu có thể đem lại may mắn
Chém lợn, đập nát sọ trâu có thể đem lại may mắn

Chém ngang người lợn để những người tham gia lễ hội quết máu vào tiền cầu may, phong cho trâu thành “ông trâu” rồi dùng búa đập vào đầu chúng cho đến chết dù liệu có thể đem lại tài lộc, may mắn? Câu trả lời đã nằm trong tim mỗi người.

Hàng ngày, chúng ta luôn giáo dục trẻ em phải yêu động vật, bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, để trẻ em chứng kiến cảnh con trâu bị cột chặt vào cột, bị hàng chục thanh niên cầm búa đập vào đầu đến chết; cảnh con lợn bị chém ngang người, máu me be bét… thì những thứ “lý thuyết” về yêu động vật, bảo vệ môi trường kia có thể đi vào tâm trí các em?

Ngoài những lễ hội lấy bạo lực, giết chóc để cầu may, những hình ảnh không đẹp trong lễ hội xảy ra ở khắp nơi. Cảnh cướp hoa tre cầu may dẫn đến hỗn loạn, đánh nhau ở đền Gióng, cảnh vung dao ở lễ hội cướp phết, lễ hội đúc Bụt đổ máu vì tranh chiếu… khiến nhiều người không khỏi giật mình kinh hãi.

Đánh nhau, chen lấn xô đầy xảy ra thường xuyên trong các lễ hội
Đánh nhau, chen lấn xô đầy xảy ra thường xuyên trong các lễ hội

Cảnh chen lấn, xô đẩy, giành chỗ, vứt tiền lẻ bừa bãi… xuất hiện ở hầu hết các lễ hội trong cả nước. Những hình ảnh không đẹp ấy làm giảm đi rất nhiều ý nghĩa nhân văn của những lễ hội mùa xuân.

Bạo lực có phải văn hóa?

Trong quan niệm của người Việt, trảy hội mùa xuân để cầu bình an, may mắn cho năm mới. Nhưng đi đến lễ hội là thấy cảnh đánh nhau, chém giết, đổ máu… liệu có khiến lòng ta thanh thản!

Sự đồng hành của bạo lực trong các lễ hội ở một số địa phương hiện nay cần phải được xem xét một cách nghiêm túc và trách nhiệm. Không bàn đến chuyện hủ tục hay truyền thống, bất cứ hành động bạo lực (kể cả giết súc vật) cũng cần được xem xét thận trọng trên tinh thần nhân văn!

Những nghi lễ đầy tính bạo lực như chém lợn, đập đầu trâu, cướp chiếu, cướp ấn...tại các lễ hội cần phải được xem xét một cách nghiêm túc và cẩn trọng
Những nghi lễ đầy tính bạo lực như chém lợn, đập đầu trâu, cướp chiếu, cướp ấn...tại các lễ hội cần phải được xem xét một cách nghiêm túc và cẩn trọng

Nếu coi việc chém lợn, đập nát sọ trâu là văn hóa thì những hành động đánh người ở đền Gióng, vung dao ở lễ hội cướp phết, đổ máu ở lễ hội đúc Bụt… cũng có thể chấp nhận được? Bởi họ đánh nhau, đổ máu cũng chỉ vì họ mong muốn có được may mắn, tài lộc… cho một năm mới mà thôi!

Văn hóa không phải là cái bất biến. Nó luôn có sự điều chỉnh cho phù hợp với sự thay đổi của xã hội. Khoác cho những hành động bạo lực một chiếc áo “truyền thống, văn hóa” là việc làm khó có thể được chấp nhận trong một xã hội văn minh.

Quốc Khánh