Xúc động chuyện tác nghiệp ở nơi 'nói một câu là hết'

17/05/2013 13:50
Theo VTV
BTV Trịnh Quốc Đông - Phòng Xã hội- Ban Khoa giáo- Đài THVN vừa có chuyến tác nghiệp đáng nhớ tại Trường Sa.
Với tôi hình ảnh Trường Sa được khắc họa rõ nét qua câu chuyện của vị tướng già và người lính trẻ trong tác phẩm Đảo Chìm của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Theo sự môt tả của Trần Đăng Khoa thì: Đảo nhỏ bé tới mức, người đời khó mà tưởng tượng được.

Đến nỗi, một nhà thơ đã thốt lên: "Đảo nhỏ quá, nói một câu là hết". Nhỏ là vậy, nhưng như anh lính trẻ nói với vị tướng già: Đó là nơi cho “con tàu” Tổ quốc buông neo. Tôi đã tới nơi "Nói một câu là hết" ấy để được thấy, được nghe những chuyện chỉ có ở Trường Sa.

Chuyện những ngôi chùa Việt ở Trường Sa

Những ngôi chùa ở Trường Sa cuốn hút tôi ngay từ khi đặt chân lên đảo. Đề tài chùa tôi đã làm nhiều, nhưng đây là lần đầu tôi ghi lại hình ảnh những ngôi chùa giữa biển Đông. Huyện đảo Trường Sa có 3 ngôi chùa là Song Tử Tây, Sinh Tồn và Trường Sa Lớn và sảnh chính cả 3 chùa đều hướng về Hà Nội. Đại đức Thích Nguyên Thanh - Trụ trì chùa Hang, tỉnh Thái Nguyên đi cùng đoàn nói với tôi: “Nếu như quần đảo Trường Sa là cột mốc hành chính của lãnh thổ của nước ta thì ngôi chùa như cột mốc tâm linh của người Việt ở biển Đông.

Phỏng vấn đại đức Thích Thanh Nguyên
Phỏng vấn đại đức Thích Thanh Nguyên


Đại đức Thích Nguyên Thanh lần này ra Trường Sa với mục đích đưa 3 ngôi chùa ở Trường Sa vào cuốn sách Chùa Việt. Đó là tâm nguyện của ông bấy lâu nay. Cả buổi tôi phỏng vấn Đại đức Thanh nhắc đi, nhắc lại rằng những ngôi chùa ở Trường Sa là bộ phận không thể tách rời trong hệ thống chùa Việt. Trong lịch sử phát triển Phật Giáo Việt Nam ở đâu có người dân ở đó có cuộc sống tâm linh hướng thiện, và chùa là biểu hiện của cuộc sống tâm linh hướng thiện ấy.

Phỏng vấn đại đức Thích Minh Huy- trụ trì chùa Sinh Tồn
Phỏng vấn đại đức Thích Minh Huy- trụ trì chùa Sinh Tồn

Giữa cái nắng gắt của mùa hè, tôi đến chùa Sinh Tồn. Hình ảnh chúng tôi ghi hình không phải là khung cảnh, hay đôi câu đối thường lệ mà là đám trẻ chơi đùa dưới mái chùa. Cậu quay phim vừa quay vừa nói với tôi: hình ảnh cứ như chùa ở đất liền ấy. Đúng vậy, nhìn đám trẻ trẻ nô đùa tôi nghĩ đến cảnh làng quê Bắc Bộ, nơi tôi đã làm không biết bao nhiêu chương trình về làng quê Việt.

Tôi tự hỏi không biết tự bao giờ những đứa trẻ thích chơi đùa ở sân đình, chùa đến như vậy. Phải chăng mái chùa luôn tỏa bóng mát che mưa, che nắng cho lũ trẻ? Phải chăng những đám trẻ tìm thấy ở mái chùa sự yên bình?

Đại đức Thích Minh Huy - Trụ trì Chùa Sinh Tồn kể cho tôi khi ông ra đây trụ trì những đứa chiều nào cũng qua chùa chơi, khi gặp ông lũ trẻ chắp tay lễ phép A di đà Phật...chào thầy. Những ngôi chùa ở Trường Sa mang lại người dân sự bình an, thanh tịnh, niềm tin và hy vọng, sự gần gũi của đất mẹ thân yêu.

Cuộc sống của các loài vật trên đảo chìm Cô Lin
Cuộc sống của các loài vật trên đảo chìm Cô Lin


Trong chuyến ra Trường Sa của đoàn Công đoàn Viên chức Việt Nam, ngoài phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam còn có những báo, đài khác. Cánh phóng viên trước khi xuống đảo thường hỏi nhau làm làm đề tài gì? Người thì làm về kinh tế biển đảo, người thì làm về cứu hộ…Tôi quyết định chọn cho mình đề tài nuôi vịt ở đảo chìm Cô Lin bởi khác với những đào nổi như Sinh Tồn, Trường Sa, Song Tử Tây việc chăn nuôi ở các đảo chìm như Cô Lin dường như là điều không thể.

Khi thuyền cập cầu cảng đảo Cô Lin, tôi thưc sự bất ngờ trước hình ảnh đàn vịt tung tăng bơi giữa biển Đông. Bấy giờ, cả đoàn ai có máy ảnh dùng máy ảnh, ai có điện thoại dùng điện thoại ghi lại những hình ảnh có một không hai này. Hưng Đô quay phim đi cùng tôi vội vàng cầm máy xuống tác nghiệp. Sau khi ghi lại được cảnh vịt bơi lưng áo của Hưng Đô ướt đẫm mồ hôi nhưng tỏ ra rất thỏa mãn và nói: Cảnh xưa nay hiếm đấy, gần 10 năm quay phim tớ mới quay được cảnh đặc biệt này.

Để có được đàn vịt khỏe mạnh tôi đoán các chiến sĩ trên đảo Cô Lin phải trải qua quá trình chăn nuôi khó khăn. Đem chuyện hỏi một chiến sĩ thì được biết: “Những loài vật nuôi ở đảo đều không thể đưa trực tiếp từ đất liền ra đảo chìm được. Chúng tôi phải từ từ nhân giống, luân chuyển từ đảo nổi sang đảo chìm để chúng thích nghi dần với khí hậu khắc nghiệt nơi biển đảo. Vịt ở đảo này bản lĩnh lắm mỗi khi có sóng to, gió lớn chúng biết cách tìm nơi trú ẩn”.

Khi thấy tôi và Hưng Đô giữa trưa nắng, lưng ướt đẫm mồ hôi nhưng vẫn mải miết quay cảnh vịt bơi chiến sĩ trẻ nói: “Các đồng chí phải đưa câu chuyện giữa vịt và chó ở đảo của chúng tôi vào phóng sự đấy nhé. Trên đảo ngoài ngoài nuôi vịt chúng tôi còn còn nuôi rất nhiều chó. Hai loài này sống rất hòa thuận với nhau. Những hôm nắng to đàn vịt thường xuống biển tắm, những chú chó ngồi trên bờ như canh chừng. Chó ở đây chả bao giờ đuổi vịt như trong đất liền cả”.

Rời đảo chìm Cô Lin, tôi cứ nghĩ mãi về hình ảnh quen thuộc dường như chỉ có trên đất liền. Đó là những hình ảnh mà trước khi đến Trường Sa tôi không thể tưởng tượng ra lại có trên những đảo chìm mấp mé nước mực biển, nơi chỉ có san hô và những khối bê tông. Hình ảnh đó nói như các chiến sĩ ở đây thì khiến nơi đảo xa gần gũi với đất liền hơn.
Theo VTV