Báo động tình trạng mất an toàn vệ sinh lao động

05/12/2014 08:00
Nguyễn Hoàng
(GDVN) - Nhiều vụ việc công nhân phải vào viện cấp cứu hàng loạt do môi trường làm việc không đảm bảo, kéo theo hệ lụy là công nhân bỏ việc hàng loạt.

Vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đang là vấn đề vô cùng cấp bách, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, ngành, đồng thời chính người lao động phải quan tâm tới vấn đề này, bởi đó là quyền lợi của mình.

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm nay, tại một số cơ sở sản xuất đã xảy ra tình trạng ngộ độc tập thể do vi phạm các tiêu chuẩn về VSLĐ. Điển hình là vụ gần 2.000 công nhân Công ty Giày Hongfu và Công ty Hồng Mỹ (Thanh Hóa) phải cấp cứu do hội chứng nhiễm độc thần kinh vì phải làm việc trong môi trường không khí không đảm bảo.

Tiếp đến là vụ 70 công nhân Công ty VMC Hoàng Gia (Đồng Nai) liên tục bị ngất xỉu, co giật phải cấp cứu do các yếu tố nhiệt độ và tiếng ồn ở các xưởng, cộng với nhiệt độ ngoài trời tăng cao khiến công nhân bị say nóng. Và tính chung trong gần 70 vụ ngừng việc từ đầu năm 2014 đến nay, có 28 vụ xuất phát từ nguyên nhân liên quan đến chất lượng bữa ăn.

Một vụ ngộ độc cùng lúc 200 công nhân. Ảnh: TPO.
Một vụ ngộ độc cùng lúc 200 công nhân. Ảnh: TPO.

Đặc biệt, môi trường làm việc tại các doanh nghiệp hóa chất tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người lao động.

Theo Tiến sĩ Trần Mai – Phó Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật ATVSLĐ cho biết: “Qua khảo sát 80 doanh nghiệp tại 5 địa phương là Hà Nội, Hải Phòng, Phú Thọ, Bình Dương và Đà Nẵng cho thấy, có rất nhiều dạng hóa chất đang được sử dụng. Các nguy cơ phổ biến là gây ung thư, gây bỏng, nhiễm độc, cháy nổ, dị ứng, viêm da, ngạt thở.

Trong số đó, 2 nguy cơ chiếm tỷ lệ cao là cháy nổ (74%) và dị ứng (71%). Kế đến, nguy cơ gây ung thư chiếm 40%, nguy cơ nhiễm độc chiếm 49% - hai nguy cơ nguy hiểm nhất và ở địa phương nào cũng có, đặc biệt là Phú Thọ và Đà Nẵng”. Cũng qua cuộc khảo sát này, sau khi phỏng vấn 614 người lao động, kết quả là có tới 89,5% sức khỏe người lao động thuộc loại 2 và 3. Trong đó, có 260 người thuộc loại 2 chiếm 42,3%; loại 3 có 290 người chiếm 47,2%. Chỉ có 64 người chiếm 2,3% số người lao động có sức khỏe loại 1”.

Nói một cách công bằng thì thời gian gần đây, các doanh nghiệp nằm trong KCN, KCX đã quan tâm hơn đến công tác ATVSLĐ, tuy nhiên vấn đề này vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém.

Bà Trần Thị Thu Vân – Phó Trưởng ban Thông tin, Hội Khoa học kỹ thuật ATVSLĐ Việt Nam cho hay: “Ở một số doanh nghiệp, công tác huấn luyện ATVSLĐ còn mang tính hình thức, đối tượng cử tham gia học tại một lớp huấn luyện không đồng nhất về trình độ nên hiệu quả chưa cao. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài vi phạm các quy định về thời gian làm việc, như kéo dài ca làm việc quá 8 giờ mà không thỏa thuận với người lao động; tổ chức làm thêm giờ trong năm vượt quá quy định”.

Nhiều doanh nghiệp không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho công nhân để bảo đảm ATVSLĐ. Mặt khác, trên 60% công nhân chưa qua đào tạo nghề ở các trường chuyên nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp chưa cao, có người được trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân nhưng không sử dụng. Trong khi đó công tác kiểm tra ATVSLĐ tại các doanh nghiệp thì chưa được thực hiện ráo riết, chỉ đến khi xảy ra những sự cố đáng tiếc thì cơ quan chức năng mới vào xử lý chuyện đã rồi.

Nhiều ý kiến cho rằng, chỉ khi nào đảm bảo ATVSLĐ thì đời sống công nhân mới được nâng cao và nền kinh tế mới thực sự phát triển bền vững.

Mới đây, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề nghị các tỉnh, thành phố, trong quá trình thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, phải yêu cầu người sử dụng lao động tạm đình chỉ hoạt động và tiến hành khắc phục, kiên quyết xử phạt những trường hợp không chấp hành. Đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng quy định về ATVSLĐ, phải chủ động đề nghị cơ quan chức năng xem xét, khởi tố.

Nguyễn Hoàng