Cán bộ bị cách chức được trở về vị trí cũ có thành tích gì nổi bật không?

04/01/2018 06:40
XUÂN QUANG
(GDVN) - "Những vi phạm có liên quan tới cán bộ đó đã được khắc phục ra sao? Những người đó có nỗ lực hơn người bình thường, hay thành tích nổi trội không?".

Liên quan tới vụ việc 2 cán bộ thuộc ngành Giao thông vận tải từng bị cách chức vừa được về lại vị trí cũ, ngày 2/1/2018, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – ngân sách Quốc hội) cho rằng cần có cái nhìn 2 mặt của vấn đề đối với những người bị cách chức và việc họ được bổ nhiệm (trở về vị trí cũ).

Đại biểu Lê Thanh Vân dẫn giải: "Việc ông Đinh La Thăng sử dụng quyền lực nhà nước được giao thời điểm trước đây để xử lý cán bộ có thiếu sót, vi phạm không liên quan gì tới chuyện vị này bị khởi tố.

Cán bộ bị cách chức được trở về vị trí cũ có thành tích gì nổi bật không? ảnh 1Xem xét kỷ luật tập thể, cá nhân vụ đề xuất mua tàu cũ Trung Quốc

Việc ông Thăng xử lý hoặc chỉ đạo xử lý vi phạm cán bộ thì ông ấy phải căn cứ vào yếu tố cấu thành vi phạm hành chính đối với cán bộ này. 

Cho nên, ông Thăng bây giờ bị khởi tố không đồng nghĩa với việc các quyết định hành chính trước đó (nếu có) vô hiệu được". 

"Vấn đề ở đây là, việc kỷ luật đối với những người này có đúng với quy định của pháp luật hay không?

Hành vi vi phạm hành chính của những người liên quan trong vụ việc nói trên có đến mức xử lý kỷ luật hành chính bằng hình thức cách chức hay không?”, Đại biểu Lê Thanh Vân nói.

Vị Đại biểu Quốc hội này cũng cho rằng, không nên có cái nhìn phiến diện về việc người từng bị cách chức được quay về vị trí cũ.

Cách đây không lâu, ông Nguyễn Viết Hiệp - nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, nhân vật trong vụ "lùm xùm" mua 160 toa tàu cũ của Trung Quốc, được quay lại vị trí cũ kể từ ngày 1/1/2018.

Tương tự, ông Phạm Tuấn Anh nhanh chóng trở lại chức vụ cũ sau khi bị ông Đinh La Thăng ra lệnh "trảm" tại Tổng công ty Bảo đảm an toàn Hàng hải miền Nam 

“Không nên nghĩ rằng, quá khứ của người bị kỷ luật sẽ tồn tại với họ mãi mãi. 

Nếu một người từng vi phạm trong quá khứ mà bản thân họ nhận ra được cái sai đó, đồng thời khắc phục hậu quả và biết phấn đấu tốt để thay đổi hành vi của bản thân theo hướng tích cực hơn thì chuyện người đó được bổ nhiệm (quay về vị trí cũ) chức vụ là chuyện bình thường.

Chúng ta không nên khắt khe chuyện này”, Đại biểu Lê Thanh Vân nêu quan điểm.

Tuy nhiên, theo Đại biểu Lê Thanh Vân, cơ quan có thẩm quyền trong việc quản lý, bổ nhiệm cán bộ cần trả lời những băn khoăn của dư luận xung quanh câu chuyện nói trên.

“Những vi phạm có liên quan tới cán bộ đó đã được khắc phục ra sao?

Những người đó có nỗ lực hơn người bình thường, hay thành tích nổi trội không?

Những thành tích (nếu có) đó có xứng đáng để họ được trở lại vị trí cũ không?

Đó là những vấn đề cần phải làm rõ, thuộc thẩm quyền của những người quản lý và bổ nhiệm chức danh ấy.

Người ký quyết định bổ nhiệm phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thứ họ đã ký”, Đại biểu Lê Thanh Vân cho biết.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân. Ảnh: Media.quochoi.vn.
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân. Ảnh: Media.quochoi.vn.

Đại biểu Lê Thanh Vân cũng đặt trường hợp, nếu việc kỷ luật hai cán bộ trên là sai thì cơ quan cấp trên của cơ quan quản lý cán bộ bị kỷ luật, thậm chí kể cả Bộ Nội vụ cũng cần xem xét, làm rõ và trả lời dư luận.

XUÂN QUANG