Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã nói thẳng như vậy khi Ủy Ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự án Luật ban hành Quyết định hành chính.
Theo giải trình của Bộ Tư pháp, pháp luật về trình tự, thủ tục ban hành quyết định hành chính và cả thực tiễn ban hành loại quyết định này ở nước ta hiện nay còn nhiều vướng mắc, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu về tính dân chủ và pháp quyền.
Những vướng mắc, bất cập trong pháp luật về ban hành quyết định hành chính đã dẫn đến nhiều hạn chế trong thực tiễn quản lý nhà nước trong nhiều lĩnh vực. Cán bộ, công chức lúng túng trong ban hành quyết định hành chính; thẩm phán hành chính thiếu cơ sở pháp lý đầy đủ để xem xét một quyết định hành chính hợp pháp hay không hợp pháp...
Bên cạnh đó, chất lượng của quyết định hành chính còn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều trường hợp chưa hợp lý, không khả thi, chưa thật sự đảm bảo tính công bằng dẫn đến bị khiếu nại, khiếu kiện, thậm chí có trường hợp quyết định hành chính vừa ban hành đã sớm phải thu hồi hoặc huỷ bỏ. Đây cũng là nguyên nhân làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước, ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với các cơ quan hành chính nói riêng và các cơ quan nhà nước nói chung.
Sau khi lắng nghe ý kiến của các đại biểu và báo cáo của ông Hà Hùng Cường - Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói thẳng: “Lâu nay tôi thấy Bộ Tư pháp ra rất nhiều văn bản pháp luật sai. Tác dụng của Bộ Tư pháp rất yếu. Không có tác dụng gì cả. Kiến nghị người ta nghe thì nghe, không nghe thì thôi.
Thế bây giờ phải áp dụng quy định anh cứ việc theo trách nhiệm của anh, thẩm quyền của anh để ban hành quyết định hành chính đồng thời phải gửi tới cơ quan tư pháp một bản, chứ không phải xin ý kiến không, cũng không phải hỏi trước gì cả, vì đã hình thành thẩm quyền rồi. Sau đó, Bộ Tư pháp, các cơ quan tư pháp thẩm tra thì ra quyết định xử lý.
Hiện nay, các đồng chí phát hiện mấy trăm, mấy nghìn cái văn bản sai. Cuối cùng vẫn đứng nhìn thôi, gây bức xúc trong Quốc hội và xã hội”.
Chủ tich Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: "Tác dụng của Bộ Tư pháp rất yếu. Kiến nghị người ta nghe thì nghe, không nghe thì thôi". ảnh: quoc hoi.vn |
Quả thực, những nhắc nhở của Chủ tịch Quốc hội là rất cần thiết trong bối cảnh nhiều cơ quan nhà nước từ cấp trung ương tới địa phương ban hành nhiều văn bản trái luật, gây ra bức xúc trong dư luận xã hội.
Người ra quyết định hành chính chịu trách nhiệm bồi thường
Tại Điều 47 của dự án luật nói rõ: Cá nhân, tổ chức có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính theo quy định của pháp luật; Cá nhân có quyền tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc ban hành quyết định hành chính theo quy định của pháp luật.
Đại biểu Quốc hội có quyền ứng cử chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng |
Còn tại Điều 50 cũng nói rõ: Cơ quan ban hành quyết định hành chính có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình ban hành quyết định hành chính thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường hoặc bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp quyết định hành chính trái pháp luật gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân thì cơ quan ban hành quyết định hành chính có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Người thi hành công vụ đã gây ra thiệt hại do ban hành quyết định hành chính trái pháp luật có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho tổ chức, cá nhân theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (theo Điều 51).
Liên quan tới vấn đề bồi thường thiệt hại do quyết định hành chính, ông Đinh Trung Tụng – Thứ trưởng Bộ Tư pháp, đại diện Hội đồng thẩm định dự án Luật ban hành quyết định hành chính cho rằng, để quy định này đảm bảo khả thi trên thực tế, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quy định việc bồi thường thiệt hại trong các trường hợp cụ thể đối với quyết định hành chính trái pháp luật gây thiệt hại cho cá nhân và quyết định hành chính trái pháp luật gây thiệt hại cho cộng đồng.
Sau khi nghiên cứu, Bộ Tư pháp cho rằng các quyết định hành chính có liên quan đến lợi ích cộng đồng là rất đa dạng, phạm vi ảnh hưởng cũng như tác động của quyết định hành chính đến các đối tượng cũng rất khác nhau, hơn nữa, khó có thể chỉ ra các đối tượng cụ thể phải chịu ảnh hưởng của quyết định hành chính này là ai, ở mức độ nào.
Việc liệt kê, quy định cụ thể việc bồi thường thiệt hại trong các trường hợp cụ thể đối với quyết định hành chính có liên quan đến lợi ích cộng đồng là không khả thi và không phù hợp với thực tế đa dạng của loại quyết định hành chính này.
Vì vậy, dự thảo Luật chỉ quy định dẫn chiếu việc bồi thường thiệt hại đối với các loại quy định hành chính trái pháp luật thực hiện theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước (Điều 46), đồng thời, tiếp thu ý kiến của một số thành viên Hội đồng thẩm định nên tại điểm h khoản 2 Điều 8 dự thảo Luật cũng có quy định cụ thể: Cơ quan, người có thẩm quyền ban hành QĐHC chịu trách nhiệm “bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật về bồi thường nhà nước, trừ việc ban hành quyết định hành chính liên quan đến lợi ích cộng đồng”.
Theo dự án luật, quyết định hành chính sẽ bị hủy bỏ trong trường hợp được ban hành do có hành vi gian dối, đe dọa, hối lộ, hoặc do dựa trên thông tin không chính xác dẫn đến sai sót nghiêm trọng về nội dung; Có sự vi phạm nghiêm trọng quy định về trình tự, thủ tục ban hành theo quy định của pháp luật; Không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Nội dung của quyết định hành chính trái với quy định của pháp luật; Hết thời hiệu do pháp luật quy định.
Trường hợp quyết định hành chính trái pháp luật do lỗi của cơ quan ban hành quyết định hành chính và đã tạo cho cá nhân, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích mà họ không biết quyết định hành chính đó là trái pháp luật, thì quyết định đó không bị hủy bỏ, trừ trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, sức khỏe của cộng đồng hoặc trường hợp việc thi hành quyết định hành chính có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích công cộng.