Có em nào con nhà nghèo ở Hà Giang được nâng điểm không?

23/07/2018 07:32
XUÂN DU
(GDVN) - Ông Lê Văn Cuông loại bỏ nghi vấn gian lận điểm thi tại Hà Giang vì bệnh thành tích và đặt nghi vấn mua bán điểm thi “bởi có cung thì mới có cầu”...

Đánh giá sự việc tiêu cực trong thi cử tại Hà Giang, hôm 21/7, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa nhận định, “đây là những vi phạm tày trời” và hành vi của cán bộ khảo thí, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang có thể đã được chuẩn bị từ trước chứ không phải diễn ra một cách ngẫu nhiên.

“Hành vi gian lận trong thi cử tại Hà Giang không đơn thuần chỉ là sai sót trong quản lý. Để thực hiện hành vi vi phạm của mình, rất có thể đối tượng đã được lên kế hoạch từ trước, thậm chí có thể có sự hỗ trợ đắc lực từ nhiều người.

Mặt khác, gian lận điểm thi có liên quan tới con của lãnh đạo tỉnh này thì càng phải tập trung làm rõ và công bố trước dư luận”, ông Cuông nêu quan điểm. 

Ông Cuông loại bỏ nghi ngờ gian lận điểm thi tại Hà Giang vì bệnh thành tích và đặt nghi vấn mua bán điểm thi “bởi có cung thì mới có cầu” và sự áp đặt quyền lực của một số cá nhân trước những tiêu cực vừa qua. 

“Phải làm rõ những học sinh được nâng điểm bất thường là con ai? Tại sao, một số thí sinh được nâng điểm lại rơi vào gia đình quan chức?

Hay nói cách khác, có con em nông dân được nâng đỡ như vậy không? hay chỉ những người được nâng điểm đa phần là con đại gia hoặc con em của những người có quyền lực?

Việc này có thể làm được nếu kiểm tra tin nhắn, các cuộc hội thoại của cán bộ khảo thí”, ông Cuông nhận định.

Ông Lê Văn Cuông. Ảnh: quochoi.vn.
Ông Lê Văn Cuông. Ảnh: quochoi.vn.

Nguyên Phó đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cũng cho rằng, ngoài những đối tượng có liên quan, cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ trách nhiệm của cha mẹ thí sinh trong sự việc tiêu cực trong thi cử tại Hà Giang. 

“Ngoài trách nhiệm của cơ quan quản lý, cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc làm rõ trách nhiệm liên đới của phụ huynh (nếu có) trước tiêu cực nêu trên.

Nếu cha mẹ thí sinh không đặt vấn đề điểm thi, thì tại sao một cán bộ khảo thí lại dám làm việc tày trời như vậy? Có việc mua bán giao dịch, mua bán điểm trong vụ việc này không?

Nếu có, cần công bố danh tính cha mẹ học sinh để biết người đó là ai? Đồng thời xử lý nghiêm phụ huynh học sinh tiếp tay cho hành vi vi phạm của cán bộ (nếu có).

Trường hợp, bố mẹ thí sinh cũng liên quan tới gian lận thì thử hỏi, trong công việc hằng ngày, họ có trong sáng, liêm khiết, chí, công, vô tư hay không?

Lộ diện nhiều thí sinh con "ông to bà lớn" có điểm thi cao bất thường tại Sơn La

Ông Cuông lo lắng, nếu vụ việc không được phát hiện kịp thời, rất có thể những những người được nâng điểm ngày hôm nay sẽ trở thành những cán bộ trong tương lai.

“Nhiều người học giỏi sẽ bị chiếm chỗ bởi các thí sinh kém cỏi hơn nhưng được nâng điểm.

Biết đâu đó, nếu vụ việc trót lọt, họ sẽ trở thành lãnh đạo trong tương lai.

Nếu điều này xảy ra thì sẽ rất đau đớn cho bộ máy quản lý nhà nước”, ông Cuông nêu quan điểm.

Từ việc gian lận trong thi cử tại Hà Giang, ông Lê Văn Cuông cho rằng, cần đổi mới phương thức thức tổ chức thi cử hiện nay.

“Đối với những học sinh học xong chương trình trung học phổ thông, có thể nghiên cứu phương án cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp trung học phổ thông cho các em.

Mặt khác nếu tổ chức các cụm thi ở 63 tỉnh, thành phố thì rất khó quản lý, dễ phát sinh tiêu cực. Bởi nếu mỗi địa phương được tổ chức thành một cụm thi thì có thể địa phương sẽ chịu áp lực rất lớn vì có mối quan hệ riêng tư, bạn bè, họ hàng, cơ quan, cấp trên cấp dưới.

Do đó, đối với kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, nên tổ chức theo “mô hình quân khu”. Tức là, nhiều tỉnh gộp lại thành một điểm thi để hạn chế tiêu cực từ các mối quan hệ thân quen, có thể tác động tới công tác tổ chức thi", ông Cuông đề xuất.

XUÂN DU