Cựu quan chức QH bàn về những điều 'nhạy cảm' của dự thảo Hiến pháp

17/04/2013 14:18
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Vũ Đức Khiển – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bày tỏ, có những vấn đề trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 tưởng như “nhạy cảm” thì rất mừng đã được Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đưa vào bản dự thảo mới, với những phương án khác nhau để trình Quốc hội xem xét quyết định như: Đổi tên nước; về chức năng nhiệm vụ của lực lượng vũ trang nhân dân, Điều 2 và Điều 120...

Bàn về đổi tên nước

Sau 3 tháng lấy ý kiến của toàn dân góp ý vào bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đã ghi nhận được hơn 26 triệu ý kiến và có tới hơn 28000 cuộc hội nghị, hội thảo, tọa đàm được tổ chức bàn về chủ đề này. Những kết quả đạt được đang theo chiều hướng tích cực.

Ông Vũ Đức Khiển cho hay, trong bản dự thảo mới đây do Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới còn đến hơn 50 nội dung cơ bản, có ý kiến khác nhau, trong đó có những vấn đề “nhạy cảm” cũng được đề cập và đưa ra các phương án khác nhau, mà vấn đề đầu tiên phải kể tới là những đề nghị đổi tên nước.

“Có nhiều ý kiến đề xuất lấy lại tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã được ghi rõ trong Hiến pháp năm 1946 và Hiến pháp năm 1959. Đây là tên gọi thiêng liêng, gắn liền với sự ra đời của một Nhà nước kiểu mới đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945. 

Có ý kiến cho rằng, lấy lại tên nước là thay đổi đường lối xây dựng đất nước, nhưng không phải vậy. Mục tiêu của chúng ta vẫn là dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”, ông Khiển nhận định.

Ông Vũ Đức Khiển - Nguyên Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội.
Ông Vũ Đức Khiển - Nguyên Chủ nhiệm UB Pháp luật của Quốc hội.

Một vấn đề khác cũng được coi là “nhạy cảm”, lâu nay ở nơi này nơi khác, có ai đó góp ý cũng ngần ngại thì nay Ủy ban Dự thảo đã đưa hẳn vào bản dự thảo mới, đó là Điều 4 khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng, nhưng quy định trong Hiến pháp hiện hành lại thể hiện như trong chính cương, Điều lệ của Đảng thì không phù hợp, mà chỉ nên viết ngắn gọn: “Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.

Ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới hiện nay cũng có một đảng nào đó lãnh đạo, nhưng cần khẳng định rằng, đảng đó phải được nhân dân thừa nhận, tín nhiệm qua cuộc bầu cử thật sự dân chủ, tự do, bình đẳng.

Thực tế là vai trò lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, sau này là Đảng Cộng sản Việt Nam ở nước ta có ý nghĩa và vai trò rất quan trọng. Trải qua các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, đảng viên luôn là những người tiên phong thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng, nêu những tấm gương sáng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhưng tiếc rằng gần đây, ngay trong Nghị quyết của Đảng cũng thừa nhận là có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nên đã làm giảm sút nghiêm trọng uy tín của Đảng.

Đảng ta do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập ra đã lãnh đạo nhân dân ta giành được độc lập, thống nhất và xây dựng đất nước, được toàn thể nhân dân lao động tin tưởng như ngày nay. Vậy bây giờ là làm thế nào để củng cố xây dựng Đảng, đó là vấn đề cần nhìn nhận thẳng thắn để làm cho thật tốt”.

Xem xét lại Điều 2 và Điều 120

Về Điều 2 của bản dự thảo công bố lấy ý kiến nhân dân cũng được Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội xem xét lại phương án. Trong nhiều bài viết và phát biểu tại nhiều cuộc hội thảo, ông Vũ Đức Khiển đã đề nghị theo phương án 2 là thay cụm từ “liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” bằng “Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Ông Khiển phân tích: “Ở nước ta hiện nay thành phần giai cấp của một người có thể thay đổi, nhưng thành phần dân tộc của họ thì không thể thay đổi được. Một người nông dân, công nhân bình thường, nhưng họ biết tổ chức sản xuất kinh doanh nên đã lập ra những trang trại, công ty thì họ trở thành những doanh nhân, tạo ra nhiều của cải cho xã hội, đóng góp nhiều cho ngân sách nhà nước, thực hiện nhiều hoạt động từ thiện và tạo công ăn việc làm cho nhiều người. Vậy nên họ đư, mà trên thực tế Đảng và Nhà nước đã tôn vinh họ.

Nhưng theo cách hiểu trước đây thì họ không thuộc thành phần giai cấp công nhân, nông dân, nên quyền lực nhà nước không thuộc về họ. Vậy có đúng không? Từ lâu, Các Mác đã nói rằng xã hội muốn phát triển thì phải dựa vào lực lượng lao động tiên tiến, mà theo chúng tôi hiểu thì họ là một bộ phận của lực lượng lao động tiên tiến đó”.

Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc là vấn đề hết sức quan trọng, luôn được Đảng và Bác Hồ vun đắp, giữ gìn nên chúng ta mới được như ngày nay. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói “Đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết/Thành công thành công đại thành công”. Người nhấn mạnh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ hai của Đảng rằng, Đảng Lao động Việt Nam là “Đảng của dân tộc Việt Nam".

Ngoài ra, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cũng đề nghị tiếp thu và sửa đổi Điều 120, vì nếu cứ để như dự thảo ban đầu thì lập ra Hội đồng Hiến pháp chỉ thêm tốn kém mà chẳng giải quyết được vấn đề gì, vì nó chỉ có chức năng kiểm tra tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành, để kiến nghị, đề nghị, yêu cầu sửa đổi hoặc hủy văn bản vi hiến, chứ không có quyền phán quyết và như vậy thì vị trí, vai trò của Hội đồng Hiến pháp còn thấp hơn cả một ủy ban của Quốc hội.

“Nếu chỉ giữ quy định về Hội đồng Hiến pháp như trong bản dự thảo đầu tiên là chưa thể hiện đúng với Nghị quyết của Đảng nói rằng, phải xây dựng cơ chế bảo hiến để phán xét những việc làm vi hiến của các cơ quan công quyền, cả trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Tất nhiên, Hiến pháp không thể quy định chi tiết cụ thể được, nhưng phải có những quy định cơ bản làm căn cứ hiến định cho việc ban hành luật về Tòa án Hiến pháp hoặc Hội đồng Hiến pháp, tùy theo hoàn cảnh điều kiện của nước ta. Tôi tán thành việc Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội xem xét phương án này”, ông Khiển nhấn mạnh.

Ngọc Quang