Đầu năm "điểm danh" các loại công chức

01/01/2016 08:31
QUỐC TOẢN
(GDVN) - “Thói quen ỉ lại, tư tưởng muốn làm thầy không muốn làm thợ, lười lao động khiến không ít người bất chấp để vào bằng được công chức",ông Lê Văn Cuông cho biết.

Vào công chức để được ổn định…

Tiếp tục cuộc trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về nội dung “biên chế công chức”, ông Lê Văn Cuông - nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho rằng con số 2,8 triệu công chức, viên chức theo thống kê của Bộ Nội vụ năm 2015 là quá nhiều.

Điều này sẽ tạo nên áp lực không nhỏ đối với nguồn ngân sách và vấn đề cải cách hành chính…

Mặt khác, việc tuyển dụng công chức theo kiểu xin - cho sẽ khó đánh giá được năng lực cán bộ.

Vậy đâu là nguyên nhân khiến người ta đua nhau vào công chức?

Theo ông Lê Văn Cuông thói quen ỉ lại, tư tưởng muốn làm thầy không muốn làm thợ, lười lao động khiến không ít người bất chấp để được vào công chức.

“Tư tưởng phải vào công chức đang trở thành một phong trào. Đối tượng chủ yếu là sinh viên tốt nghiệp ra trường. Họ thường muốn có công việc ổn định đặc biệt là việc làm tại cơ quan Nhà nước”, ông Cuông nhận định.

Thi công chức (ảnh: Ngọc Bích/Giaoduc.net.vn).
Thi công chức (ảnh: Ngọc Bích/Giaoduc.net.vn).

Nguyên trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cũng thực trạng, có trường hợp người ta không có khả năng, không được đơn vị sử dụng lao động (doanh nghiệp tư nhân...) tiếp nhận nên... buộc phải “chạy” công chức.

“Mặt khác, do thói quen ỉ lại, tư tưởng muốn làm thầy không muốn làm thợ, lười lao động của một bộ phận, làm nảy sinh tâm lý muốn được Nhà nước bao cấp cho các chế độ, bên cạnh đó việc làm thì nhàn hạ.

Cũng không ít người muốn vào công chức để lấy cái danh, hoặc vụ lợi, mặc dù thu nhập thực tế không cao... 

Xét ở phương diện nào đó, việc vào công chức là có tiêu cực. Nói như vậy không đồng nghĩa với việc ai vào công chức cũng xấu. Bởi công chức vẫn có nhiều người giỏi, tốt lắm chứ!

Bên cạnh đó, cũng có những người thực sự tài năng muốn cống hiến cho đất nước nhưng lại gặp "rào cản" trong công tác tuyển dụng. Đây là những vấn đề cần phải khắc phục", ông Cuông cho biết.

Ông Lê Văn Cuông cho biết thêm, có trường hợp người năng lực tốt, có tư tưởng khẳng định mình, từ đó họ tự tạo cho mình một cơ hội, môi trường (không phải công chức) làm việc để tạo lập vị trí, chỗ đứng trong xã hội. Tuy nhiên, số lượng này không nhiều. 

Biếm họa phê phán sự khác nhau giữa nói và làm trong chính sách thu hút nhân tài. Tranh của Nguyễn Diệp Thanh.
Biếm họa phê phán sự khác nhau giữa nói và làm trong chính sách thu hút nhân tài. Tranh của Nguyễn Diệp Thanh.

Ông Lê Văn Cuông cho rằng, việc nhiều người xin vào công chức xuất phát từ cơ chế quản lý lỏng lẻo. Việc tồn tại cơ chế xin – cho trong lĩnh vực hành chính công là nguyên nhân làm nảy sinh “phong trào” đua nhau vào công chức.

“Do cán bộ lãnh đạo chưa gương mẫu và không loại trừ việc tuyển dụng công chức để vụ lợi bản thân. 

Theo đó, không ít cán bộ dùng “quyền lực công chức” để làm giàu bất chính cho bản thân, đặc biệt là vấn đề tiêu cực trong công tác tuyển dụng. Có cung ắt có cầu, người sẵn sàng bỏ tiền để “chạy” để được vào công chức".

Trong khi đó, PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, cho rằng, sự “méo mó’ trong công tác tuyển dụng nhân lực tại khu vực hành chính công của Việt Nam trong những năm qua làm nảy sinh những tiêu cực trong xin việc, tuyển dụng.

“Có những vị trí tuyển dụng, lương thấp, khó đảm bảo nhu cầu cuộc sống nhưng người ta vẫn chấp nhận “chạy” để có một một môi trường làm việc ổn định và có thể thuận lợi để thăng quan tiến chức…”.

Công chức suốt đời sẽ là vật cản cho sự phát triển?

Ông Lê Văn Cuông cho rằng, để loại bỏ tư tưởng “công chức suốt đời”, người đứng đầu phải gương mẫu trong việc đánh giá nhận xét cán bộ công chức.

“Đối với những công chức, viên chức đã được tuyển dụng cần thực hiện các cam kết công việc theo định kỳ quy định trong hợp đồng, làm căn cứ theo dõi, đánh giá công việc của cán bộ. Trường hợp không đáp ứng được công việc, người đứng đầu có thể căn cứ theo cam kết để “thanh lý” cán bộ.

Ông Lê Văn Cuông (ảnh: Chinhphu.vn).
Ông Lê Văn Cuông (ảnh: Chinhphu.vn).

Đồng quan điểm trên, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc cho rằng: “Công chức suốt đời sẽ là vật cản cho phát triển. Cần phải chuyển đổi hình thức biên chế, hợp đồng suốt đời trên cơ sở luật công chức mới. 

Thay vào “biên chế suốt đời” phải xác định vị trí, việc làm trên cơ sở đó đặt chuẩn cho người làm việc ở vị trí ấy. Trong chế độ công chức hiện đại, công chức khi vào một vị trí nào đó, họ phù hợp với vị trí ấy về trình độ đào tạo, kinh nghiệm chuyên môn của họ.

Chúng ta phải phấn đấu một nền công vụ hiện đại như vậy.

Một nền hành chính công vụ hiện đại, chuyên nghiệp phải bảo đảm được sự năng động, thay đổi, không phải anh vào công chức rồi thì cứ “rung đùi” ngồi đó mãi”.

Theo ông Phúc: “Ở Việt Nam hiện nay, chế độ công chức suốt đời là một sự cản trở” (Báo Thanh Niên hôm 23/12).

Trong khi đó, GS. Nguyễn Minh Thuyết đưa ra lời khuyên, công chức không hẳn là con đường duy nhất để nhiều người có thể phát huy khả năng, năng lực chuyên môn của mình.

Với những người giỏi thực sự, họ nên tự tạo cho mình cơ hội để khẳng định năng lực chuyên môn ở một môi trường khác. Có thể sự khởi đầu sẽ gặp nhiều khó khăn, hoặc không tránh khỏi thất bại” (GDVN hôm 13/5).

QUỐC TOẢN