Giảm tải bệnh viện là nhiệm vụ chính trị hàng đầu của TP.HCM 3 năm tới

08/09/2013 06:24
Ngọc Luân
(GDVN) - Mục tiêu trọng tâm của Đề án là đến năm 2015, giảm được tình trạng quá tải trầm trọng của 13 bệnh viện tuyến cuối trên cả nước. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo TP. HCM phải huy động tối đa mọi nguồn lực để hoàn thành nhiệm vụ quan trọng hàng đầu này của ngành y tế trong trong 3 năm tới, tạo bước đột phá trong công tác khám chữa bệnh phục vụ nhân dân.
Ngày 7/9/2013, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo Bộ Y tế đã có buổi làm việc với TP. HCM về công tác triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện của Chính phủ. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu tại buổi làm việc, ông Hứa Ngọc Thuận – Phó Chủ tịch UBND TP. HCM phát biểu, để triển khai Quyết định số 92 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 – 2020, UBND TP. HCM đã phê duyệt Đề án thành lập Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013 – 2020.

Theo đó,  việc triển khai thực hiện Đề án bệnh viện vệ tinh của thành phố là gắn thương hiệu của bệnh viện tuyến trên với bệnh viện tuyến dưới và đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ, chuyển giao kỹ thuật… nhằm giúp bệnh viện tuyến dưới nâng cao năng lực chuyên môn, để phục vụ tốt hơn cho nhân dân. Đó cũng là nội dụng quan trọng nhất trong các giải pháp giảm tải bệnh viện của TP. HCM.

Về thực trạng công tác y tế tại địa phương, ông Hứa Ngọc Thuận cho biết, trung bình mỗi năm ngành y tế thành phố khám và điều trị cho hơn 40 triệu lượt bệnh nhân, trong đó có tới một nửa số bệnh nhân là từ các địa phương khác.

Mặc dù, mạng lưới y tế của thành phố có 112 bệnh viện các loại với gần 32 nghìn giường bệnh cùng nhiều phòng khám đa khoa, chuyên khoa khác, nhưng với dân số trên 10 triệu người, số giường bệnh bình quân trong thành phố chỉ đạt tỷ lệ 42 giường bệnh/10.000 dân. Vì vậy, tình trạng quá tải, nhất là tại các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối đã, đang và sẽ tiếp tục là vấn đề nhức nhối đối với cả chính quyền, ngành y tế và nhân dân.

Ông Thuận dẫn chứng số liệu thống kê của ngành y tế, hiện ở các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối, như bệnh viện Ung bướu công suất sử dụng giường lên đến gần 250%, bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình lên đến 140%, bệnh viện Nhi Đồng 1 lên đến gần 130%... Bên cạnh đó, các bệnh viện do Trung ương quản lý như bệnh viện Chợ Rẫy, Bbnh viện Thống Nhất,... cũng đang trong tình trạng quá tải nghiêm trọng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại TP HCM
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu chỉ đạo tại TP HCM

Giải pháp trước mắt cho vấn đề này, đại diện Sở Y tế TP. HCM cho biết, cùng với việc tập trung thực hiện mô hình phòng khám vệ tinh của các bệnh viện tuyến thành phố, triển khai thí điểm mô hình bác sĩ  gia đình, tăng cường thực hiện Đề án 1816 bằng việc cử gần 1.800 lượt cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao đến hỗ trợ cho 50 bệnh viện của 31 địa phương trong khu vực phía Nam.

Trong ngắn hạn, thành phố tập trung thực hiện đề án bệnh viện vệ tinh gắn thương hiệu bệnh viện tuyến trên với bệnh viện tuyến dưới. Cụ thể, hình thành và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh tại các tỉnh, thành đối với 6 bệnh viện hạt nhân gồm:

Bệnh viện Từ Dũ có 2 vệ tinh: bệnh viện Phụ sản Tiền Giang và bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận.

Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình có 2 vệ tinh: bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận và bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.
Bệnh viện Nhi đồng 1 có 3 vệ tinh: bệnh viện Đa khoa tỉnh Long An, bệnh viện Sản nhi tỉnh Cà Mau và bệnh viện Nhi TP. Cần Thơ.

Bệnh viện Nhi đồng 2 có 2 vệ tinh: bệnh viện Nhi đồng tỉnh Đồng Nai và bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận.

Bệnh viện Ung Bướu có 2 vệ tinh: bệnh viện Ung Bướu TP. Cần Thơ và bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.

Bệnh viện Nhân dân Gia Định có vệ tinh: bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng và Trung tâm Y tế Liên doanh Việt – Nga.

Song song đó, thành phố cũng đang tập trung triển khai nhiều dự án trọng điểm của ngành y tế, nhất là phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành và đưa vào sử dụng bệnh viên Nhi Đồng và bệnh viên Ung Bướu cơ sở 2 với quy mô 1 nghìn giường hiện đại và tổng mức đầu tư khoảng 10 nghìn tỷ đồng. gắn với công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao với mục tiêu sẽ có 15 bác sĩ/1.000 dân.

Tiếp lời, đồng chí Bí thư Thành ủy TP. HCM Lê Thanh Hải khẳng định: “Đây là quyết tâm chính trị của Đảng, bộ, chính quyền và cũng là mong ước của nhân dân thành phố nhằm chào mừng tròn 40 năm giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước”.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân luôn được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân là nhiệm vụ quan trọng và ngày càng cấp thiết, đòi hỏi phải huy động tối đa các nguồn lực và quyết liệt tạo bước đột phá trong lĩnh vực này.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cùng TP. HCM rà soát, lựa chọn ưu tiên đầu tư giải quyết tình trạng quá tải tại bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối cũng là biện pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho địa phương: “Chúng ta dồn sức đầu tư các bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối để làm nhiệm vụ vừa góp phần trực tiếp giảm tải, vừa nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Điều quan trọng nhất và cũng là khó nhất là phải đào tạo được đổi ngũ thầy thuốc giỏi chuyên môn và có kinh nghiệm cũng như y đức tốt...”

Thủ tướng nêu rõ: do nguồn lực đầu tư của đất nước còn hạn chế, sự phát triển không đồng đều về cơ sở vật chất, năng lực, trình độ... Vì vậy, yêu cầu đặt ra là phải huy động mọi nguồn lực, thực hiện quyết liệt các giải pháp để giảm tình trạng quá tải của bệnh viện cũng như nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh; nhu cầu của nhân dân đòi hỏi chúng ta phải cố gắng, quyết liệt hơn và có những đột phá trong suy nghĩ và hành động.

Nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương cũng đã xem xét, cho ý kiến cụ thể đối với các đề xuất của TP. HCM về chủ trương hỗ trợ ngân sách xây dựng mới 2 bệnh viện trọng điểm của thành phố là bệnh viện Nhi Đồng TP. HCM và bệnh viện Ung bướu TP. HCM (cơ sở 2).

Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho ý kiến về chủ trương đầu tư nâng cấp một số bệnh viện trên địa bàn thành phố do Bộ Y tế quản lý như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Thống Nhất...

Được biết, đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013 – 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 9/1/2013, có mục tiêu chính là: tập trung ưu tiên giảm tải cho 5 chuyên khoa đang quá tải trầm trọng là ung bướu, ngoại - chấn thương, tim mạch, sản và nhi thuộc một số bệnh viện tuyến trung ương, bệnh viện tuyến cuối của 2 thành phố lớn là TP. HCM và Hà Nội;

Cơ bản khắc phục tình trạng nằm ghép vào năm 2015 và phấn đấu đến năm 2020 không còn tình trạng quá tải bệnh viện; Cố gắng nâng công suất sử dụng giường bệnh các tuyến tỉnh, huyện lên 60% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020; Giảm lưu lượng người chờ khám bệnh, đảm bảo mỗi bác sỹ khám bệnh không quá 50 người bệnh/ngày.

Đặc biệt, trong giai đoạn từ nay đến 2015, tập trung ưu tiên giảm quá tải bệnh viện ở hai thành phố lớn và sau đó triển khai cho các bệnh viện khác, cố gắng đầu tư xây mới, nâng cấp các bệnh viện thuộc phạm vi Đề án đến 2015 tăng tối thiểu 7.150 giường bệnh. 

Hai dự án trọng điểm của ngành y tế TP. HCM từ nay đến năm 2015:

1.      Bệnh viện Nhi Đồng TP. HCM: có quy  mô 1.000 – 1.500 giường, với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng tại huyện Bình Chánh. Công trình đã khởi công đầu tháng 8/3013, tiến độ thực hiện 2013 – 2015. Hiện đã giải tỏa, đền bù xong và đã được phê duyệt thiết kế chi tiết.

2.      Bệnh viện Ung bướu TP. HCM (cơ sở 2): có quy mô 1.000 giường, với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng tại phường Tân Phú – Quận, tiến độ thực hiện 2013 – 2015. Hiện đã tập trung di dời, tái định cư cho dân, dự kiến đến tháng 10/2013 chính thức khởi công.

Ngọc Luân