Hội chứng “cán bộ 00 biết” và niềm tin “người dân 00 còn”

01/05/2017 06:00
Kỳ Duyên
(GDVN) - Nếu “cường hào mới” không được kiểm soát quyền lực bằng giải pháp pháp luật thượng tôn thì rút cục, con dê, con bò sẽ… điều chỉnh hội chứng niềm tin “00 còn”.

LTS: Bàn về chuyện cán bộ tham nhũng vặt, không ngại "ăn chặn" của dân nghèo, tác giả Kỳ Duyên cho rằng hội chứng "cán bộ 00 biết" sẽ dễ dẫn đến tình trạng niềm tin của người dân "00 còn".

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Có một thời, cả xã hội ồn ào bàn luận bộ phim nổi tiếng Điệp viên 007 của nhà văn Ian Fleming, về nhân vật James Bond có bí danh 007, như một hội chứng. Đâu đâu cũng nói về 007.

Còn giờ đây, trong xã hội nước Việt này, lại có hội chứng cán bộ “00 biết”. Nếu không làm sao có thể giải thích được vụ việc vừa xảy ra ở thôn Bắc Yến (xã Hải Yến, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa) mới đây?

Đó là câu chuyện chính sách xã hội của thôn này. Thôn có khoảng 280 hộ dân, trong đó 49 gia đình thuộc diện hộ nghèo, chủ yếu người già cả, neo đơn. 

Điều đáng nói, trong số các gia đình được “xếp hạng nghèo” bỗng nhiên có 07 gia đình là cán bộ thôn, kinh tế khá giả, thậm chí có những người đang xây nhà trị giá tiền tỷ. 

Ngược lại, có những gia đình nghèo thật sự, lại bị loại ra khỏi danh sách. Đương nhiên, việc xếp loại gia đình nghèo sẽ liên quan đến những chính sách hỗ trợ sau này.

Nhiều người dân gặp hoàn cảnh khó khăn nhưng chưa được quan tâm. (Ảnh minh họa: Quốc Toản)
Nhiều người dân gặp hoàn cảnh khó khăn nhưng chưa được quan tâm. (Ảnh minh họa: Quốc Toản)

Nói có sách mách có chứng, theo báo VietNamNet, ngày 19/4, gia đình ông Nguyễn Cao Được, nguyên Chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh, con cái đều thành đạt, đang xây ngôi nhà 03 tầng khang trang vào loại nhất làng.

Ông Lê Hồng Thăng, Chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh, vợ là Chi hội trưởng chi hội nông dân, cũng đang xây nhà 02 tầng, khiến không ít người thắc mắc:

Hộ nghèo gì mà trong nhà 2-3 xe máy đắt tiền, tủ lạnh, ti vi, máy giặt… đầy đủ?

Đúng là "nước chảy chỗ trũng".

Ngược lại, có những gia đình nghèo nhất nhì thôn, không hiểu sao lại buộc đứng… nơi khô ráo? 

Tỷ như gia đình anh Cao Bá Tình - chị Lê Thị Bích, chồng và hai con đều “khờ khờ” không làm nổi việc gì. Cách đây 06 năm, người dân trong thôn, xã phải góp gạch, tiền giúp xây nhà.... 

Hội chứng “cán bộ 00 biết” và niềm tin “người dân 00 còn”  ảnh 2

Ông Vũ Quốc Hùng: “Cán bộ ăn chặn của dân là vô đạo đức”

Nhà anh Lê Văn Duẩn có 04 người con, trong nhà không có vật dụng gì đáng giá ngoài cái tivi cũ và chiếc xe máy Trung Quốc cũ….v.v.. và v.v.. 

Thế nhưng lý giải cho việc gia đình mình lọt vào danh sách hộ gia đình nghèo, ông Nguyễn Cao Được cho rằng, ông bị ung thư phải cắt bỏ 3/4 dạ dày từ năm 2010. 

Còn ông Lê Hồng Thăng được xét vào diện hộ nghèo 01 năm nay, do năm 2015 vợ ông ngã xe máy bị thương tật. Toàn những lý do lãng xẹt. 

Chả lẽ, gia đình những người nghèo ở thôn, nếu muốn lọt “mắt xanh” của Ban rà soát hộ nghèo, do ông Lê Quang Vịnh - Phó Chủ tịch xã - làm Trưởng ban, cứ phải ung thư cắt bỏ ¾ dạ dày hoặc ngã xe máy? 

Hay bởi cùng là cán bộ, công bộc của dân, nên có sự thiên vị nhất bên nặng nhất bên… nhẹ?

Từ lâu, nước chảy chỗ trũng là hiện tượng không hiếm.

Dư luận xã hội còn nhớ, cách đây 02 năm, cả xã hội ồn ào về hiện tượng dê, bò, gà, nhím, những con giống của các chương trình hỗ trợ người nghèo, chả biết sao lại rất… thông minh, khi cứ rủ nhau “đi lạc” vào nhà các cán bộ, quan chức xã. 

Trong khi đó không hiểu sao, các cán bộ thôn, xã ở các địa phương lại “00 biết”? 

Tỷ như vụ 24 con dê của chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững cho 06 hộ nghèo ở xã Thành Yên (Thạch Thành - Thanh Hóa), thì đã có 12 con dê “láu cá” đi thẳng vào nhà ông Bí thư huyện ủy Đỗ Minh Quý. 

Đáng chú ý nữa, trong số 06 hộ đã nhận 12 con dê kia, có tới ba gia đình là anh em họ hàng nhà ông Bí thư huyện ủy. 

Hội chứng “cán bộ 00 biết” và niềm tin “người dân 00 còn”  ảnh 3

Quan thời nào cũng có lộc, nhưng không thể “ăn chặn” của dân

(GDVN) - Tại sao dân cứ đưa tiền cho cán bộ? Bởi vì người ta không còn niềm tin nữa. Nếu không xây dựng lòng tin cho người dân thì không thể chống được tiêu cực.

Dê đi lạc được thì bò, gà, nhím đều có thể đi lạc. 

Như ở Sơn La, bò của chương trình 30A thay vì đến nhà người nghèo thì lại đi thẳng vào gia đình người nhà của trưởng bản Hoàng Văn Phèn (bản Cao Đa 2, xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên). 

Rồi 1200 con gà của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giao cho xã Quế An, huyện Quế Sơn (Quảng Nam), trong số 24 gia đình được nhận, chỉ có 02 hộ là thuộc dân, còn lại 22 hộ là cán bộ các loại.

Hội chứng “cán bộ 00 biết”… cứ lây lan ở các địa phương. Trong khi “dân nghèo rất, rất biết” nhưng đành ấm ức im lặng. Quá lắm cũng chỉ dám “mình chửi mình nghe”!

Nhưng nó đem lại sự bức xúc, bất bình trong dư luận xã hội.

Nó cảnh báo một điều, không chỉ các dự án lớn tiền tỷ ở các vùng đô thị, đồng bằng phát triển mới nảy sinh tham nhũng, mà sự tham lam dẫn tới tham nhũng vặt có thể nảy nở ở khắp nơi. 

Bất kể đó là những dự án nhỏ với số tiền không lớn, của những vùng miền núi cao, lạc hậu. 

Một cựu quan chức cấp cao từng có phát ngôn ấn tượng, chua xót: “Người ta ăn của dân không chừa một thứ gì”. 

Đúng là không chừa một thứ gì. Từ con dê, con bò, con gà, con nhím, và nay… “chui” cả vào trong danh sách hộ nghèo để nhận hỗ trợ.

Cũng không phải xã hội và những cơ quan chức năng, các chuyên gia, đại biểu quốc hội không biết. 

Cách đây ba năm, 2014, Viện Khoa học thanh tra (Thanh tra Chính phủ) phối hợp với Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam thực hiện khảo sát tại 04 tỉnh: Điện Biên, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Trà Vinh, nơi thực hiện các dự án xóa đói giảm nghèo. 

Kết quả 73,3% ý kiến người dân cho rằng, có tiêu cực trong triển khai các dự án xóa đói giảm nghèo. 

74,7% số người được hỏi cho rằng, thông qua hoạt động giám sát cộng đồng với các dự án xóa đói giảm nghèo, có phát hiện ra sai phạm (Đời sống pháp luật, ngày 19/3/2015). 

Từ kết quả khảo sát trên, cũng như chuyện dê đi lạc, gà vào nhầm chuồng hay tiền đi lạc từ các dự án xóa đói giảm nghèo, ông Lê Văn Cuông - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XII cho rằng: 

Việc quan xã ăn chặn tiền, gà... của dân nghèo chính là một trong những dạng sai phạm tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao. 

Vì thế, chúng ta cần có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn nữa các chính sách, dự án xóa đói giám nghèo, trong đó giám sát từ cộng đồng rất quan trọng".

Còn theo ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Những chính sách của Nhà nước không đi đến được tận tay người dân, bởi đâu đó có những cán bộ không tận tụy, tham lam. 

Ăn chặn thông thường đã đáng lên án, nhưng "ăn chặn" của người nghèo là sự sỉ nhục, suy thoái đạo đức của cán bộ. 

Hội chứng “cán bộ 00 biết” và niềm tin “người dân 00 còn”  ảnh 4

Cán bộ làm sai, xử được mấy người?

Xem ra sự suy thoái chẳng… biết ngượng?

Ở góc độ nghiên cứu, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học Việt Nam) thẳng thắn mổ xẻ: Những điều mà dư luận được chứng kiến thời gian qua chỉ là một phần biểu hiện của cái nạn mà tôi gọi là “cường hào mới”. 

Vậy khái niệm cường hào hiểu theo nghĩa hiện nay là gì? Bản chất của cường hào là lộng quyền và lạm quyền, hay là sự tha hóa quyền lực của một bộ phận nhỏ người có chức có quyền ở các địa phương hoặc ở cơ quan nào đó...

“Cường hào mới” cũng chẳng có gì mới. Biết rồi. Khổ lắm. Nói mãi.

Nhưng nếu “cường hào mới” không được kiểm soát quyền lực bằng một giải pháp cũ, nhưng đầy hiệu lực - pháp luật thượng tôn - thì rút cục, con dê, con bò, con gà, con nhím sẽ… điều chỉnh hội chứng niềm tin “00 còn” của người dân.

Kỳ Duyên