Nên đưa việc bồi thường về Bộ Tư pháp
Liên quan đến việc ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) đồng ý nhận 7,2 tỷ đồng bồi thường sau 10 năm tù oan, chiều 8/6, ông Nguyễn Sơn - Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, các cán bộ tham gia tố tụng có phải bồi hoàn số tiền trên lại cho nhà nước hay không còn phải chờ khi xét xử thì sẽ xem xét đến tất cả việc này.
“Tùy từng mức độ để xem xét trách nhiệm của từng cán bộ liên quan, xem có bức cung, nhục hình hay không. Tức là khi truy tố, xét xử phải xác định xem ai là cố ý, nếu là lỗi cố ý thì phải bồi thường, còn nếu là lỗi vô ý thì không phải bồi hoàn theo đúng tinh thuần của pháp luật.
Theo luật là như vậy, nhưng cách thức như thế nào thì phải xem xét. Trong vụ ông Chấn có thể tách ra bằng một vụ án dân sự về trách nhiệm hoàn lại do lỗi cố ý gây hậu quả”, ông Sơn cho biết.
Ông Nguyễn Sơn ủng hộ giao việc giải quyết đền bù oan sai cho Bộ Tư pháp. ảnh: Xuân Hải. |
Từ vụ việc của ông Nguyễn Thanh Chấn quay trở lại nhiều vụ oan sai khác trong quá khứ, có nhiều ý kiến cho rằng, tòa án xét xử góp phần gây ra oan sai, nhưng lại thực hiện các thủ tục bồi thường thì sẽ dễ dẫn đến thiếu công tâm, khách quan. Thêm nữa, luật hiện hành có quá nhiều thủ tục cần phải được xem xét lại, cắt giảm tối đa để không gây thêm phiền phức cho người bị oan sai.
Đơn cử như vụ oan sai của ông Chấn, từ khi được trả tự do đến thời điểm nhận được tiền đền bù cũng mất tới 2 năm trời đằng đẵng.
Đúng như lời Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá từng nói rất thẳng thắn tại Quốc hội: “Người ngồi sau song sắt bị oan sai trước khi được bồi thường thì có ít nhất 5 cái mất: Mất vật chất, mất tinh thần, mất sức khỏe, mất uy tín danh dự và có khi mất cả gia đình, tan nhà nát cửa.
Và trong quá trình đi tìm chân lý để xóa tan đi những cái mất ấy, người bị oan sai phải trải qua 3 công đoạn đoạn khổ sở: Làm sao gặp được những người công tâm để làm rõ cái đúng, cái sai và làm ngay thì mới gặp cái công thứ 2 là công lý. Sau khi công lý được làm sáng tỏ, minh bạch bằng một bản án hay quyết định nào đó thì phải tiếp tục đi tìm cái công thứ 3 đó là công bằng.
Để được bồi thường, được xin lỗi đúng nghĩa và đúng luật là một quá trình gian nan mòn mỏi đợi chờ. Để đi tìm cái công bằng mà mình đã bị tước đoạt thì người oan sai phải trải qua 3 giai đoạn đi tìm 3 cái công đó, quả thực là một sự gian nan không dễ chút nào”.
Còn theo quan điểm của Phó Chánh án Nguyễn Sơn thì để giải quyết ngay những bất cập hiện nay, nên giao cho một cơ quan đại diện cho nhà nước đứng ra bồi thường oan, phối hợp xin lỗi.
“Có ý kiến cho rằng nên giao việc bồi thường cho Bộ Tư pháp, theo cá nhân tôi thì thấy hợp lý. Nên có một cơ quan thay mặt nhà nước đứng ra giải quyết việc bồi thường.
Việc bồi thường phải dựa trên cơ sở pháp luật, chứng từ. Còn trong một số trường hợp, thực tế xảy ra thì phải xem xét. Còn việc dân sự cốt ở đôi bên”, ông Sơn nói.
Khó xác định lỗi của cán bộ thực thi công vụ?
Vấn đề dư luận bức xúc nhiều năm nay là chuyện cán bộ để xảy ra oan sai nhưng lại dùng tiền ngân sách để bồi thường, chứ ít khi nào quy được trách nhiệm cho từng cá nhân cụ thể. Dù có phải bồi hoàn thì số tiền những cán bộ thực thi công vụ làm sai phải trả cũng rất nhỏ so với tiền đền bù ngân sách nhà nước phải chi trả cho người bị oan sai.
Theo quan điểm của ông Sơn, lấy ngân sách nhà nước trích ra là nhanh nhất để bảo đảo quyền lợi của người bị oan sai, vì cán bộ chắc gì đã có số tiền lớn như thế để bồi thường cho người bị oan sai được.
Do đó, việc nhà nước bồi thường là một trong những giải pháp nhanh nhất để khắc phục hậu quả, dù trên thực tế hiện nay vấn đề thủ tục trong bồi thường vẫn chưa bảo đảm nhanh chóng.
“Nguyên tắc khi xác định rõ tránh nhiệm của cán bộ làm sai thì phải bồi hoàn, còn xử lý như thế nào thì phụ thuộc vào từng vụ án trong thực tế.
Vấn đề là xác định lỗi mới là khó khăn, còn nếu đã xác định được lỗi của cán bộ sai phạm rồi thì không khó. Nếu là lỗi cố ý thì phải hoàn trả lại số tiền nhà nước đã bồi thường”, ông Sơn cho hay.
Đối với vụ việc của ông Nguyễn Thanh Chấn, theo Phó Chánh án Nguyễn Sơn, cơ bản các bên thỏa thuận được với nhau. Trách nhiệm của Tòa án nhân dân Tối cao là xác định thỏa thuận đó có đúng pháp luật không rồi mới đề nghị Bộ Tài chính chuyển tiền để bồi thường.
Đối với vai trò trách nhiệm của Hội đồng xét xử vụ án oan của ông Chấn, theo ông Nguyễn Sơn hiện còn nhiều quan điểm khác nhau.
Ông Sơn khẳng định: “Nếu đúng là để xảy ra oan sai do cố ý ra bản án trái pháp luật thì đương nhiên Hội đồng phải chịu trách nhiệm. Còn có phải lỗi cố ý hay không thì còn phụ thuộc vào kết luận của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tất nhiên Tòa án phải rút ra kinh nghiệm, đặc biệt là Thẩm phán xét xử”.