Nhớ quay quắt quê hương nhưng tiền đâu về quê ăn Tết?

30/01/2019 06:57
Phan Tuyết
(GDVN) Những kí ức tuổi thơ ở nơi mình sinh ra và lớn lên vẫn luôn là mạch nước ngầm âm ỉ chảy trong niềm thương nỗi nhớ của mỗi người nhất là cứ mỗi độ Tết đến xuân về

Những tưởng chỉ có sinh viên, chỉ có những người công nhân nghèo mới không có tiền về quê ăn tết.

Những nhà giáo nghèo chúng tôi cũng nhớ quay, nhớ quắt quê hương nhưng đành chôn vùi nỗi nhớ da diết nơi sâu thẳm tâm hồn.

Bởi, không thế thì biết lấy tiền đâu để về quê vào mỗi dịp Tết đến xuân về?

Nỗi nhớ quê nhà của người tha hương (Ảnh minh họa giacngo.vn)
Nỗi nhớ quê nhà của người tha hương (Ảnh minh họa giacngo.vn)

Giáo viên độc thân lương tháng chỉ vài ba triệu, cái ăn cái mặc hằng ngày phải chắt chiu dành dụm, phải chắt bóp hầu bao may ra mới quay đủ một tháng thì lấy gì dành dụm để Tết có tiền về quê?

Những thầy cô có gia đình lại càng không thể tùy tiện nhớ quê là về ngay được.

Lương hai vợ chồng chưa tới 10 triệu đồng nhưng phải gồng gánh biết bao khoản.

Lương tháng vừa nhận xong, sau khi trả các khoản nợ vay, tiền gửi cho con ăn học còn lại chút đỉnh để đợi nhận lương tháng sau.

Cảnh ăn trước trả sau cứ diễn ra đều đều tháng này đến tháng khác. Vì thế, có nhớ quê quay quắt cũng đành chịu.

Người lao động một số ngành nghề khác, một năm làm việc quần quật, Tết về cũng trông ngóng khoản tiền thưởng ngoài lương.

Và dù ít cũng có được nửa tháng lương (hoặc nhiều hơn thế) tiêu Tết.

Nhưng nhà giáo chúng tôi, phần đông không có tiền thưởng Tết.

Nhớ quay quắt quê hương nhưng tiền đâu về quê ăn Tết? ảnh 2Nhiều gia đình thày cô, tết đến trong nhà không có nổi vài chục bạc

Chưa nói những giáo viên cắm bản ở Hà Giang, Lạng Sơn hay ở Đắc Nông, Đắc Lắc gần hết đời đi dạy học chưa biết lấy một đồng tiền thưởng là gì.

Nhiều giáo viên miền xuôi ở thị trấn, thị xã thậm chí ngay thành phố du lịch nổi tiếng Vũng Tàu thì tiền thưởng Tết có trường cũng chỉ có chai nước mắm, nửa kí cá khô.

Thưởng Tết như thế, lấy tiền đâu để nghĩ đến chuyện về thăm quê ăn Tết?

Chi phí cho một lần về quê ít nhất (cho một người) cũng phải tốn hơn mười triệu đồng.

Cả gia đình về quê cứ cầm chắc một khoản hai chục triệu là chi tiêu tằn tiện.

Cô giáo Hoa ở Bình Thuận kể rằng “Cả năm đi dạy nếu tiết kiệm lắm em cũng có thể dành được khoảng chục triệu tiền dư.

Nếu về quê, xem như năm đó chẳng tích góp được gì. Ngộ nhỡ trong năm có bệnh tật, hay gia đình có công việc chẳng biết sẽ lấy tiền đâu?”

Gia đình cô Liên ở Vũng Tàu cũng chẳng hơn gì.

Hai vợ chồng quê tận Ninh Bình vào Nam lập nghiệp.

Cô Liên nói mình gần 15 năm chưa một lần về lại quê hương.

Ngày hai vợ chồng mới cưới, chỉ về ra mắt hai bên nội ngoại cũng mất hơn 20 triệu đồng cho nửa tháng đi chơi ngoài ấy.

Hai người về quê hết 20 triệu là đã tiết kiệm tối đa. Có gia đình thầy cô phải chi đến 30, 40 triệu đồng nhưng vẫn thấy thiếu.

Vài ba chục triệu với lương giáo viên thì lớn nhưng tính chi phí tiền tàu xe hai vòng cho cả nhà đã mất hơn 10 triệu đồng.

Đi xa về cũng phải có chút quà nhỏ (chỉ vài trăm ngàn) biếu tặng cô dì chú bác dăm ba đồng tiền quà mới là đạo lý.

Nhớ quay quắt quê hương nhưng tiền đâu về quê ăn Tết? ảnh 3Chuyện Tết của những giáo viên dạy học trên các đảo tiền tiêu!

Rồi tiền đi chợ phụ gia đình thời gian ở đó là việc nên làm.

Tiền mua bánh kẹo cho con cháu, cho đám trẻ hàng xóm cũng không thể tiết kiệm.

Biết bao khoản phải chi hợp lý. Chưa nói tiền mừng tuổi ngày tết, tiền giao lưu khi gặp gỡ bạn bè…một lần về quê “Kéo cày trả nợ mấy năm trời chưa hết” một giáo viên buồn rầu tâm sự.

Giáo viên miền Bắc vào Nam dạy học khá nhiều.

Những gia đình thường xuyên về quê chơi vào dịp hè hoặc vào dịp Tết hầu như chỉ diễn ra với những gia đình có vợ hoặc chồng làm trái nghề.

Hoặc chí ít một trong số đó là giáo viên môn Toán, môn Anh.

Hai vợ chồng là giáo viên bình thường gần như những cơ hội về thăm quê hương là vô cùng hiếm trừ trường hợp có lý do bất khả kháng như tứ thân phụ mẫu có chuyện chẳng lành.

Thế nhưng cái nghèo, cái khổ khiến con người ta sống tính toán, ki bo đôi khi cũng bần người đi.

Có nhà giao ước "Bên ngoại cha mẹ có chuyện thì vợ về. Bên nội có chuyện thì chồng về. Cả gia đình cùng về mới phải đạo nhưng như thế biết lấy tiền đâu?"

Thương nhất là những thầy cô còn cha mẹ già ngoài quê nhưng ít có điều kiện để về thăm nom hằng năm.

Cha mẹ già mòn mỏi ngóng trông con cứ mỗi độ xuân về nhưng cũng chỉ là niềm mong ngóng trong vô vọng.

Niềm thương nỗi nhớ, niềm khắc khoải cứ dày thêm theo năm tháng.

Vì nghèo khó, túng bấn, họ cứ lần lữa, khất dần năm này rồi đến năm khác.

Cái nghèo cái khổ cột chặt lấy chân để một ngày nhận tin ba hoặc mẹ ốm nặng mới đôn đáo trở về.

Người may mắn gặp được ba, mẹ trước lúc lâm chung, người về đến nơi chỉ là nấm mồ nghi ngút khói. Nghèo khó đã trở thành tội bất hiếu với mẹ cha.

Người có may mắn hơn được ba mẹ vào Nam ở cùng. Chuyện lo tiền bạc về quê thăm viếng hàng năm đỡ đi phần khắc khoải.

Nhưng những kí ức tuổi thơ ở nơi mình từng sinh ra, sống và lớn lên tại nơi đó vẫn luôn là mạch nước ngầm âm ỉ chảy trong niềm thương nỗi nhớ của mỗi người nhất là cứ mỗi độ xuân về.

Phan Tuyết