LTS: Hơn 10 năm kể từ ngày xa quê để đến công tác ở một tỉnh phía Nam, tác giả Nguyễn Văn Khánh vẫn chưa có dịp trở lại quê xưa, nhân dịp xuân Mậu Tuất đang đến rất gần, tác giả đã có những chia sẻ về nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương của người con xa xứ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Một ngày có 24 giờ nhưng có lẽ chiều cuối năm với những người tha phương trở nên dài dằng dặc hơn bao giờ hết. Nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương trong dịp Tết đến, xuân về bỗng trỗi lên da diết hơn.
Nỗi nhớ ấy cứ miên man, chộn rộn cõi lòng khi những cuộc điện thoại, những dòng tin nhắn của người thân đều mang một thông điệp chung: Tết này có về không?
Nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương như càng da diết hơn vào những ngày tết (Ảnh minh họa từ Báo Bắc Giang). |
Hơn 10 năm trời tôi xa quê để đến công tác ở một tỉnh phía Nam và quãng thời gian ấy với rất nhiều lí do khác nhau mà tôi chưa một lần về quê trong dịp Tết.
Tết phương Nam cũng đủ đầy mọi thứ như ở quê nhà nhưng không khí Tết thì có lẽ không ở nơi nào như Tết ở quê hương của mình.
Nơi đó, có mẹ, có cha, có anh em ruột thịt và bao nhiêu bạn bè thuở hàn vi từng chất chứa không biết bao nhiêu những kỉ niệm vơi đầy.
Ngày ấy, mỗi khi Tết đến, thời điểm những cành đào nghiêng nghiêng sắc đỏ, mấy đứa choai choai chúng tôi lại rủ nhau đi xin chủ nhà một cành đào nho nhỏ để mang về nhà chưng Tết.
Giờ xa quê, ngày Tết lại nhớ về mưa xứ Bắc cứ lắc rắc rơi rơi trên đầu. Và, cả con đường làng thuở ấy quanh co đầy sình bùn bì bõm mà đám thanh niên chúng tôi vẫn háo hức đến nhà nhau để chúc Tết, để râm ran chuyện trò qua đĩa hạt dưa hay đĩa táo trong vườn nhà.
Ngày Tết ở quê, những tháng năm còn bao cấp thiếu thốn trăm bề mà ai ai cũng náo nức, nao nao trông chờ ngày Tết.
Trong xóm, những người đàn ông khỏe mạnh được cắt cử đi tát ao hợp tác để lấy cá chia cho các hộ xã viên trong xóm.
Mỗi nhà chỉ được vài con cá trắm, mè, trôi, chép mà ai cũng thích thú, mừng ra mặt.
Đặc biệt, khi xóm thôn mổ lợn để ăn Tết mới thật là vui.
Tiếng lợn eng éc vang lên thì bà con đã tụ hội quây quần đông đủ.
Mỗi nhà, được một phần thịt con con lẫn cả thịt, cả mỡ, cả thịt đùi, thịt thủ…
Nghĩa là cắt nhỏ chia đều nhau, mỗi phần thịt đều có tất cả các bộ phận trên cơ thể con lợn vừa thịt vừa xương ấy mà ai trân trọng đến vô cùng.
Về nhà, mẹ tôi lại lọc lấy phần mỡ chiên lên lấy nước mỡ để dành đến Tết xào rau. Các tóp mỡ cho mấy anh em chúng tôi chia nhau ăn trước thật ngon lành.
Ngày Tết, trời thường lạnh, mỡ đông đặc trắng, mỗi lần nấu là mẹ tôi lại cầm đôi đũa chọc vào mới lấy được.
Rồi mùi mỡ hành thơm thơm, thoang thoảng một góc trời. Chao ôi, Tết quê xưa, có lẽ vì đói nên ngày ấy ăn cái gì ăn cũng thấy ngon, thấy thích thú vô cùng…
Nhớ nhất là những phiên chợ Tết quê với muôn sắc màu đầy cảm xúc thân thương.
Thôi thì đủ các mặt hàng lúc bấy giờ.
Nào là cá, là thịt, là rau, là hoa quả đủ loại, vài người cầm trên tay những cành đào nhỏ nhỏ chờ bán cho khách…
Nhưng, thích nhất là nhìn mấy “ông đồ” ngồi viết thư pháp với áo dài, khăn xếp thật trang trọng và nho nhã. Xung quanh những “ông đồ” là người lớn, trẻ con xúm xít chuyện trò, bàn tán.
Có lẽ, dân quê tôi lúc bấy giờ cũng chẳng mấy người biết chữ thư pháp, biết chữ Hán và nghĩa của mỗi chữ tượng hình kia là gì.
Vậy mà mấy bà đi chợ vẫn chen vào mua câu đối, mua chữ vì thấy nó…đẹp, hạnh phúc của những người dân quê tôi chỉ đơn giản vậy thôi.
Vui nhất là ngày gia đình gói bánh chưng. Lúc ấy, cuộc sống còn nhiều gian nan, vất vả nên bánh chưng cũng chỉ đơn giản có gạo và đậu xanh mà thôi.
Nhưng, không khí gói bánh thì vô cùng vui vẻ.
Đầu tiên là các bà mẹ đi chợ mua lá dong, lạt giang trước đó vài ngày để chuẩn bị.
Ngày gói bánh thì những người đàn ông trụ cột trong nhà đi lấy lá dừa, lá chuối, phụ nữ thì ngâm, đãi gạo, nấu đậu làm nhân.
Chiếc chiếu trải ra, chiếc mâm đặt chính giữa để làm vật kê cho việc gói bánh. Xung quanh là thúng gạo, nồi đậu làm nhân, là lá chuối, lá dong, khung lá dừa làm bánh thờ.
Thường, ở quê thì khi gói bánh là những người hàng xóm xung quanh cũng chạy sang gói hộ và uống nước chè vặt nên mọi người nói cười xôn xao không ngớt.
Xung quanh là mấy đứa trẻ tung tăng chơi đùa và chờ ông, chờ bố của mình gói cho cái bánh chưng nho nhỏ để được cầm đi chơi và ăn trước.
Đêm, nồi bánh sôi sùng sục giữa 4 bề lửa đỏ, mấy người đàn ông ngồi canh bánh uống nước chè, hút thuốc lào trò chuyện. Mấy đứa trẻ chúng tôi lại lấy những củ khoai, cái bắp ngô đem ra bếp nấu bánh chưng để nướng.
Nhìn những cục than đỏ hồng vùi những củ khoai hay trái bắp thật đáng yêu vô cùng.
Rồi mùi khoai, bắp nướng, mùi bánh chưng đang sôi hòa quyện với nhau tạo nên một thứ hương quê đi theo chúng tôi suốt cả cuộc đời.
Tết phương Nam, những cành mai vàng rực rỡ, những cái nắng vương vương trên từng đóa hoa khoe sắc thật lung linh sắc màu.
Cũng có bánh chưng, miến dong, chè Bắc, cũng nhậu nhẹt linh đình rôm rả.
Vậy mà sao vẫn thấy thiếu, thấy trống trải trong lòng.
Bây giờ hàng hóa không thiếu thứ gì, hàng hóa ở đâu trong đất nước này cũng giống nhau và cũng đều có mặt ở mọi nơi nên việc mua bán những thứ hàng của hương vị quê không khó khăn gì.
Thế nhưng, không thể nào tìm được hương vị Tết quê thuở nào.
Tôi lại ước ao được trở về với kí ức tuổi thơ với Tết quê nơi xứ Bắc.
Tôi lại ước ao được ngắm cành đào khoe sắc giữa cái lạnh tái tê của ngày cuối Đông.
Lại ước ao được đi giữa cái mưa xuân lất phất đầu mùa giữa con đường đất sình bùn rắc đầy những cánh hoa xoan tím trắng vương đầy.
Và, lại ước ao mình được nhỏ lại để bên bếp lửa của nồi bánh chưng được vùi những củ khoai, trái bắp và trong đống than hồng rồi huơ huơ đôi bàn tay nhỏ vào sưởi ấm và chờ lúc chín…
Xa quê, càng nhớ quê nhiều hơn khi Tết đến. Nỗi nhớ ấy cứ quắt quay trong lòng của những người tha phương vào những ngày cuối năm thăm thẳm nỗi niềm.
Thôi thì chỉ biết gửi nhớ thương vào trong niềm vui của niềm vui dĩ vãng để hòa mình vào những cái Tết xưa xa.