Ông Nguyễn Hạnh Phúc: "Khoán xe công theo cách của Bộ Tài chính chưa hiệu quả"

19/10/2016 07:22
Ngọc Quang
(GDVN) - "Với mức khoán 15.000 đồng/km, tôi tính cũng gần bằng đi mua xăng cho xe công, không khác gì cả. Trong khi đó ở cơ quan vẫn bố trí mỗi Thứ trưởng một lái xe".

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội - Nguyễn Hạnh Phúc nêu quan điểm này tại buổi họp báo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, chiều 18/10 tại Hà Nội.

Kỳ họp này khai mạc vào sáng 20/10, làm việc 26 ngày (không kể ngày nghỉ), dự kiến bế mạc vào chiều 23/11.

Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 4 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 12 dự án luật khác, 1 nghị quyết.

Các dự án luật và nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua gồm: Luật về hội; Luật tín ngưỡng, tôn giáo; Luật đấu giá tài sản; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 và Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/20210/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Một loạt các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến gồm: Luật đường sắt (sửa đổi); Luật quản lý ngoại thương; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi); Luật thủy lợi; Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi);

Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật cảnh vệ; Luật du lịch (sửa đổi); Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); Luật quy hoạch và Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, khoán xe công hiệu quả là phải giảm đầu xe, giảm số lái xe. ảnh: Ngọc Quang.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, khoán xe công hiệu quả là phải giảm đầu xe, giảm số lái xe. ảnh: Ngọc Quang.

Cũng tại kỳ họp, Quốc hội sẽ dành khoảng 10 ngày để xem xét, thảo luận các báo cáo của Chính phủ, Ủy ban trung ương MTTQ Việt Nam, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao và quyết định một số vấn đề quan trọng của đất nước.

Đó là, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017;

Báo cáo về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017;

Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016;

Báo cáo khắc phục hậu quả do sự cố môi trường và bài học kinh nghiệm, các giải pháp để bảo vệ môi trường; Báo cáo về tình hình Biển Đông.

Trả lời câu hỏi: Nếu nợ công “vượt trần” thì ai chịu trách nhiệm? Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: “Trách nhiệm thuộc về Chính phủ và Quốc hội”.

Báo cáo của Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; Các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Quốc hội cũng sẽ dành 2,5 ngày tiến hành hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đối với các Bộ trưởng, trưởng ngành.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Quốc hội đang đổi mới mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả của hoạt động lập pháp.

Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bám sát Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật vừa mới được ban hành để yêu cầu các cơ quan soạn thảo đảm bảo đúng quy trình.

Tiếp đó, quá trình thẩm tra, cho ý kiến về các dự án luật, Quốc hội sẽ mời đại biểu Quốc hội chuyên trách ở các địa phương về tham gia góp ý, giúp cho chất lượng luật được nâng lên.

Quốc hội cũng sẽ tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong các lĩnh vực, để nâng cao chất lượng các dự án luật.

“Chúng ta cũng bảo đảm trong quá trình xin ý kiến nếu thấy luật nào chưa yên tâm, còn nhiều ý kiến khác nhau thì Quốc hội sẽ kéo dài thời gian xem xét, thông qua để đảm bảo chất lượng.

Thí dụ như dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 2, nhưng khi ra Quốc hội thảo luận thấy còn nhiều ý kiến thì sẽ kéo tiếp sang kỳ họp thứ 3 để đảm bảo chất lượng”, ông Phúc thông tin.

Cũng theo ông Phúc, kỳ họp này sẽ tăng tính thảo luận và tranh luận, đặc biệt khi đại biểu phát biểu trên hội trường.

“Trong những ngày Quốc hội thảo luận về các báo cáo kinh tế - xã hội hoặc các dự án luật, Quốc hội sẽ mời cơ quan soạn thảo, cụ thể là các Bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp trả lời, trao đổi với các đại biểu.

Chúng tôi cũng sẽ thiết kế để các đại biểu có thể tham gia tranh luận, kể cả những đại biểu không đăng ký trên màn hình. Có thể bằng hình thức giơ tay, giơ biển xin tranh luận. Chủ tọa sẽ tạo điều kiện tối đa để cuộc tranh luận trở nên sinh động, sôi nổi”, ông Phúc nói.

Điều này đặt ra câu hỏi là như vậy các buổi họp có thể kéo dài thêm thời gian chứ không nhất thiết kết thúc vào lúc 17h?

Ông Phúc cho biết: “Buổi chiều có thể kéo dài thêm thời gian còn buổi trưa phải nghỉ đúng giờ để đảm bảo chương trình của buổi chiều. Vì vậy các Đại biểu Quốc hội có thể đặt câu hỏi để buổi chiều các Bộ trưởng trả lời, làm rõ. Nếu trả lời mà chưa thỏa mãn thì Bộ trưởng trả lời tiếp bằng văn bản, cố gắng làm sao để các Đại biểu Quốc hội được trao đổi các thông tin thông suốt.

Liên quan đến việc khoán xe công, theo ông Phúc cho biết: “Văn phòng Quốc hội đã thực hiện sớm chủ trương này từ cách đây 10 năm.  Lúc bấy giờ một vị Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã có thời gian đi làm hàng ngày bằng xe ôm.

Hiện nhiều cán bộ trong các cơ quan của Quốc hội đã nhận khoán xe công. Bản đồng chí Hùng (ông Đỗ Mạnh Hùng - Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) cũng đang thực hiện khoán xe công”.

Theo ông Phúc, thực hiện khoán xe công theo cách của Bộ Tài chính "chưa phải đã hiệu quả lắm", vì vấn đề chính là bớt đầu xe, bớt lái xe, còn khoán như Bộ Tài chính đang thực hiện chỉ từ nhà đến cơ quan.

"Với mức khoán 15.000 đồng/km, theo tôi tính cũng gần bằng đi mua xăng cho xe công, không khác gì cả. Trong khi đó ở cơ quan vẫn phải bố trí mỗi Thứ trưởng một lái xe", ông Phúc nêu quan điểm và cho rằng, cần giải quyết bài toán khoán xe công theo hướng chuyển mạnh sang xã hội hoá.

Ngọc Quang