Quản lý thông tin nhận dạng và truy theo tầm xa của tàu thuyền

05/11/2014 20:38
Ngọc Quang
(GDVN) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quy chế quản lý, khai thác, sử dụng thông tin nhận dạng và truy theo tầm xa của thuyền.

Theo đó, các loại tàu biển phải được lắp đặt thiết bị nhận dạng và truy theo tầm xa (thiết bị LRIT) theo quy định của Công ước SOLAS gồm: Tàu chở khách, bao gồm cả tàu cao tốc chở khách, hoạt động trên tuyến quốc tế; tàu chở hàng, bao gồm cả tàu cao tốc chở hàng, có tổng dung tích từ 300 GT trở lên, hoạt động trên tuyến quốc tế; giàn khoan di động.

Miễn trừ việc lắp đặt thiết bị LRIT đối với tàu biển chỉ hoạt động trong vùng biển A1 và đã được lắp đặt thiết bị nhận dạng tự động AIS.

Vùng biển A1 là vùng biển trong phạm vi vùng phủ sóng vô tuyến điện thoại của ít nhất một Đài thông tin duyên hải VHF mà trong đó tàu thuyền có khả năng báo động cấp cứu liên tục bằng gọi chọn số (vùng biển này có bán kính cách Đài thông tin duyên hải khoảng 30 hải lý).

Thông tin LRIT chỉ được sử dụng vào mục đích an toàn hàng hải, an ninh hàng hải.
Thông tin LRIT chỉ được sử dụng vào mục đích an toàn hàng hải, an ninh hàng hải.

Thông tin LRIT chỉ được sử dụng vào mục đích an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, bảo vệ môi trường và hoạt động tìm kiếm cứu nạn có liên quan đến hoạt động của tàu thuyền.

Việc khai thác, sử dụng thông tin LRIT của Việt Nam phải tuân theo các quy định của Công ước SOLAS, quy định tại Quy chế này và các quy định khác có liên quan của pháp luật.

Việc truyền phát thông tin LRIT được thực hiện tự động từ tàu thuyền về Trung tâm dữ liệu với tần suất 6 tiếng 1 lần. Trường hợp tàu thuyền mang cờ quốc tịch Việt Nam đang sửa chữa hoặc tạm dừng hoạt động, chủ tàu phải có trách nhiệm thông báo bằng văn bản hoặc bằng thư điện tử cho Công ty TNHH một thành viên Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam để giảm tần suất phát thông tin.

Tàu thuyền được lắp đặt thiết bị nhận dạng và truy theo tầm xa có nghĩa vụ duy trì thiết bị LRIT hoạt động theo chế độ 24/7.

Ngọc Quang