Câu chuyện cán bộ phường Văn Miếu không vội trong cấp giấy khai tử và những hình ảnh rất vội của cán bộ phường Thanh Xuân ra “trông xe” cho bà Lê Mai Trang - Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân Bắc đang khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi.
Người viết còn nhớ, khi bà Lê Mai Trang – Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân bị người dân tố trên mạng, đã có ý kiến cho rằng: “Nếu chiếc xe trên không phải của bà Phó Chủ tịch quận mà của người dân thì cán bộ phường có ra nhanh vậy không?
Báo Infonet đăng phỏng vấn ông Vũ Minh Lộ - Chủ tịch phường Thanh Xuân Bắc – người vội vàng đến mức đi xe máy không kịp đội mũ bảo hiểm để ra “trông xe” cho bà Trang ăn bún:
“Sau vụ việc này ông có rút ra bài học gì về sự “xông xáo” không đúng lúc hay không, ông Lộ khẳng định: "Việc gì có lợi cho dân tôi vẫn sẽ làm" [2]
Với những gì xảy ra, có người ngụ ý: “Ông Vũ Minh Lộ quả xứng đáng là chủ tịch của “đội cực nhanh”!.
Bà Lê Mai Trang - Phó Chủ tịch quận bị tố điều cán bộ phường ra trông xe cho ăn bún (ảnh báo chất lượng Việt Nam). |
Qua theo dõi, người viết có biết quận Thanh Xuân xử lý vụ việc liên quan đến bà Lê Mai Trang thì ông Lộ có bị phạt hành chính vì lỗi không đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy.
Nhưng rất lạ, không thấy ai đã động đến việc khen thưởng hay khích lệ tinh thần ông Lộ về tinh thần làm việc quên trưa, bỏ cả ăn để lao vào “điểm nóng” của ông.
Bàn về chuyện này, có người mỉa mai rằng: “Vì tên ông này là “Lộ” (- tiếng Nghệ Tĩnh đồng nghĩa với từ "lỗ" trái nghĩa với “Lời”) nên mới “đen” đến vậy!”
Chuyện ông Lộ phản ứng nhanh chưa kịp dịu đi, thì đến việc cán bộ phường Văn Miếu, quận Đống Đa, Hà Nội phản ứng chậm trong việc cấp giấy khai tử cho dân.
"Tôi cho rằng thái độ của bà Phó chủ tịch quận Thanh Xuân là chưa đúng mực" |
Chị Vũ Thanh Hoa lên facebook tố, cán bộ phường Văn Miếu lười, cấp giấy khai tử chậm khiến kế hoạch tổ chức tang lễ của ông Vũ Xuân Quý – bố chị Hoa đành lùi thêm một ngày so với kế hoạch. Người có lỗi đầu tiên gây ra chuyện này là anh Nguyễn Lê Hiếu - cán bộ phường Văn Miếu.
Cũng như việc cán bộ phường hỏa tốc đi “trông xe” cho bà Lê Mai Trang ăn bún, lần này dư luận đặt câu hỏi: Nếu ông Vũ Xuân Quý là cha của một cán bộ quận Đống Đa thì việc xin giấy khai tử sẽ như thế nào?
Ai cũng có thể hiểu, giả định này đúng thì chị Thanh Hoa – con ông Vũ Xuân Quý sẽ không bị rơi vào tình cảnh 6 lượt lên phường.
Bà Nguyễn Thị Thúy Hà - Phó Chủ tịch phường bị tố mắng dân là "vô văn hóa" (ảnh báo infonet). |
Đặt chuyện “ăn bún” với chuyện “tổ chức tang lễ” cạnh nhau, rồi đặt chuyện bỏ ăn trưa để phản ứng nhanh của ông Lộ bên cạnh chuyện "đúng quy trình" của anh Nguyễn Lê Hiếu – cán bộ làm việc tại bộ phận một cửa phường Văn Miếu mới thấy sự khập khiễng và bất công.
Rơi vào những trường hợp như trên, người dân họ “điên lên” rồi phản ứng dữ dội cũng là điều dễ “thấu cảm”.
Ấy vậy mà, bà Nguyễn Thị Thúy Hà - Phó Chủ tịch phường Văn Miếu lại mắng dân "vô văn hóa", còn bà Lê Mai Trang - Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân lại đường đột bỏ đi, không xem ý dân ra gì.
Đáng phẫn nộ chính những cán bộ hành xử với dân như vậy lại đang phụ trách mãng văn hóa, xã hội.
Qua hai sự việc trên người viết cho rằng, các hành vi của bà Trang, bà Hà là biểu hiện của thói xấu “xem thường dân nhưng sợ cấp trên một cách thái quá” của không ít cán bộ hiện nay.
Lý giải cho thói xấu đang gây bức xúc này, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư Lê Quý Đức - nguyên Phó Viên trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa và Phát triển (học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng:
“Điều đó phần nào đó phản ánh thực tế, vị thế của nhiều cán bộ không phải do người dân quyết định mà do cấp trên quyết định. Cho nên, nhiều cán bộ sợ nơi quyết định vị thế là cấp trên mà không sợ dân.
Còn về mặt đạo đức, “cán bộ là công bộc của dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói đáng lẽ phải sợ dân (ở đây là sợ lẽ phải, sợ mất lòng dân). Thế nhưng, những cán bộ này không nghĩ rằng họ là công bộc, đầy tớ của dân mà nghĩ mình đứng trên dân”.
Theo dõi vụ việc bà Lê Mai Trang, dư luận đặt ra câu hỏi, vì sao Hà Nội không có hình thức kỷ luật mạnh hơn đối với bà Phó Chủ tịch quận mà chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Hành động bỏ đi ăn, mặc xe đỗ vi phạm và phản ứng gay gắt từ phía người dân thử hỏi bà Trang có xứng đáng là công bộc của dân hay không?
Với cách hành xử của mình, tại sao bà Trang không phải xin lỗi người dân?
Kết quả của những câu hỏi mà dư luận đặt ra, lãnh đạo Quận Thanh Xuân trả lời đầy khó hiểu: “Vì camera chỉ ghi lại hình ảnh, không ghi lại ngôn ngữ nên không biết ứng xử của bà Lê Mai Trang có tốt hay không”.
Việc chính quyền quận Thanh Xuân trả lời như vậy, chả khác nào “hòa cả làng”.
Bà Lê Mai Trang bỏ mặc dân lên tiếng khi đỗ xe sai quy định để đi ăn bún và việc anh Nguyễn Lê Hiếu – nhân viên hợp đồng làm việc tại phòng giao dịch một cửa của phường Văn Miếu vô cảm trước những lo lắng của người dân khi đi xin giấy khai tử đều có điểm chung là xem thường dân.
Ấy mà, chỉ sau một ngày xảy ra vụ việc, anh Nguyễn Lê Hiếu bị điều chuyển công tác sang Hội đồng Nhân dân phường và đang xem xét chấm dứt hợp đồng.
Và cũng có một số ý kiến đặt lại vụ việc rằng liệu chỉ kiểm điểm rút kinh nghiệm với bà Phó Chủ tịch Lê Mai Trang đã thực sự thuyết phục?
Theo dõi quá trình xử lý hai vụ việc trên, người viết cho rằng, cách xử lý của cơ quan chức năng đang theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”, “mưa to coi như mưa nhỏ, mưa nhỏ coi như không mưa”.
Dư luận, đang trông chờ vào kết luận thanh tra công vụ liên quan đến việc cấp giấy khai tử ở phường Văn Miếu.
Nhưng thông tin bước đầu, camera tại phòng một cửa bị hỏng vào thời điểm xảy ra vụ việc [2]. Nhiều người đọc thông tin này vội nghĩ rằng "có điều gì đó sai sai".
Nhưng, trong trường hợp camera có không bị hỏng đi chăng nữa, việc đánh giá liệu có công tâm. Bởi, với kiểu lập luận “vì camera chỉ ghi lại hình ảnh, không ghi lại ngôn ngữ nên không biết ứng xử tốt hay xấu” của cán bộ quận Thanh Xuân trong vụ việc liên quan đến bà Lê Mai Trang thì còn lâu camera mới là bằng chứng.
Báo infonet đăng tải: Trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của mình nếu kết luận của đoàn kiểm tra cho rằng việc “tố” cán bộ hành dân là không có cơ sở, bà Hoa một lần nữa nhấn mạnh "không quan tâm".
"Muốn nói gì cũng được. Bởi nội dung tôi chia sẻ trên Facebook là sự thật". [3]
Sự “không quan tâm” của bà Hoa có lẽ phần nào cũng giải đáp cho câu hỏi: Tại sao người dân không trực tiếp tố cáo lên chính quyền cấp trên mà phải đưa lên Facebook?
Và dư luận đang trông chờ vào kết quả xử lý đối với anh Nguyễn Lê Hiếu hay bà Phó chủ tịch phường Văn Miếu Nguyễn Thị Thúy Hà một cách nghiêm khắc.
Để Hà Nội đẹp hơn, văn minh hơn thì cán bộ trước hết phải gương mẫu. Những kiểu hành vi, thái độ như bà Lê Mai Trang, anh Nguyễn Lê Hiếu, bà Nguyễn Thị Thúy Hà cần thiết phải được chấn chỉnh kịp thời.
Người viết còn nhớ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào sáng 17/5 tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp lần thứ hai, năm 2017 có nhắc lại câu nói của nhà tư sản Bạch Thái Bưởi: “Tôi muốn làm Thủ đô Hà Nội tươi đẹp như Paris”.[4]
Thông điệp của Thủ tướng khi nhắc đến lời của nhà tư sản Bạch Thái Bưởi là muốn Hà Nội trong tương lai phải là một Thủ đô hoa lệ, trung tâm của Chính trị, Văn hóa, Kinh tế… tầm cỡ thế giới.
Nhưng thật tiếc, vẫn còn những cán bộ cấp dưới như bà Lê Mai Trang, anh Nguyễn Lê Hiếu chưa “thấu cảm” với những trăn trở của Thủ tướng, để rồi có những hành xử khiến người dân nhìn vào Hà Nội – Thủ đô của cả nước bằng thái độ buồn bã.
Thiết nghĩ, để Hà Nội ngày một đẹp hơn các cán bộ nên làm được như ông Vũ Cao Minh - Bí thư quận Thanh Xuân nói khi trả lời phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam: "Sự việc liên quan đến bà Lê Mai Trang là bài học chung cho mỗi cán bộ. Cái này cần thiết phải được rút ra trong việc ứng xử" [5].
[1] http://infonet.vn/chu-tich-pthanh-xuan-bac-khong-co-chuyen-dieu-chu-tich-ca-phuong-trong-xe-post232211.info
[2] http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20170727/niem-phong-kiem-tra-camera-phuong-van-mieu/1359496.html
[3] http://infonet.vn/nguoi-to-can-bo-phuong-van-mieu-hanh-dan-khong-qua-quan-tam-ket-qua-thanh-tra-post233068.info
[4] http://plo.vn/kinh-te/toi-muon-lam-thu-do-ha-noi-tuoi-dep-nhu-paris-702468.html