Ít việc, ngồi chơi không, cần tinh giản ngay

07/10/2018 07:00
KIÊN TRUNG
(GDVN) - Nói chính xác hơn, công việc của kế toán và thủ quỹ nhà trường trong mỗi tháng chỉ làm cùng lắm khoảng 2 đến 3 ngày là hết, thời gian còn lại chơi dài dài.

LTS: Cho rằng, ngành giáo dục cần nghiên cứu, xem xét lại nhóm vị trí vị việc làm gắn với công việc, tác giả Kiên Trung đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngày 12/7/2017 ban hành về việc hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công.

Theo đó, danh mục khung vị trí việc làm trong trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông gồm có 3 nhóm. 

Nhóm thứ nhất là vị trí việc làm gắn với công việc lãnh đạo, quản lý, điều hành (02 vị trí): Hiệu trưởng và Phó hiệu trưởng.

Nhóm thứ hai vị trí việc làm gắn với công việc hoạt động nghề nghiệp (01 vị trí): Giáo viên.

Nhóm thứ ba là vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ (09 vị trí): a) Thư viện; b) Thiết bị, thí nghiệm (trường tiểu học không nhân viên thiết bị, thí nghiệm); c) Công nghệ thông tin; d) Kế toán; đ) Thủ quỹ; e) Văn thư; g) Y tế; h) Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật; (trường khuyết tật); i) Giáo vụ (áp dụng đối với trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh, trường trung học phổ thông chuyên).

Công tác phân luồng giáo viên (Ảnh minh họa: TTXVN).
Công tác phân luồng giáo viên (Ảnh minh họa: TTXVN).

Về vị trí lãnh đạo, quản lý, điều hành thì riêng trường trung học phổ thông có từ 28 lớp trở lên đối với trung du, đồng bằng, thành phố; 19 lớp trở lên đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo; trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh và trường trung học phổ thông chuyên được bố trí 03 phó hiệu trưởng.

Còn lại ở các trường tiểu học, trường trung học cơ sở từ loại 1 đến loại 3 và trường  trung học phổ thông có từ 27 lớp trở xuống đối với tất cả vùng miền thì bố trí từ 01 đến 2 phó hiệu trưởng (nếu trường tiểu học có 5 điểm trường trở lên thì bố trí thêm 1 phó hiệu trưởng).

Các địa phương, cơ sở giáo dục đều phê duyệt vị trí việc làm và thực hiện đúng theo Thông tư nêu trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Lâu nay, một số thầy cô cho rằng số lượng phó hiệu trưởng ở các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông là quá nhiều, là không cần thiết, các vị đó có làm gì đâu và kiến nghị mỗi trường chỉ nên có 1 hiệu trưởng và 1 phó hiệu trưởng là đủ.

Cũng có một vài cơ sở giáo dục ở một số địa phương do chưa sắp xếp, bố trí được nên số lượng cấp phó lên đến 2, 3, 4 thậm chí 5 người, vượt xa so với quy định hiện hành.

Với góc độ người cán bộ quản lý trường học, tôi thấy cách tính toán, bố trí số lượng vị trí lãnh đạo, quản lý, điều hành ở từng cấp học, loại trường gắn với số lượng lớp như vậy của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tương đối khoa học và phù hợp.

Ít việc, ngồi chơi không, cần tinh giản ngay ảnh 2Lãng phí lớn khi thiếu giáo viên nhưng trường vẫn có 5 Phó hiệu trưởng

Chỉ băn khoăn ở chỗ, bố trí đến 3 phó hiệu trưởng đối với trường trung học phổ thông có từ 28 lớp trở lên đối với trung du, đồng bằng, thành phố; 19 lớp trở lên đối với miền núi, vùng sâu, hải đảo; trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh và trường trung học phổ thông chuyên là có dư thừa, lãng phí hay không?

Theo tôi, đối với số lượng lớp như trên nên bố trí 2 phó hiệu trưởng mà thôi.

Muốn hai vị trí lãnh đạo, quản lý, điều hành (Hiệu trưởng và phó hiệu trưởng) ở các cơ sở giáo dục phát huy được vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, không bị coi là dư thừa, “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” thì các cấp quản lý ở trên phải thay đổi, cải tiến ngay cách quản lý, điều hành giảm họp hành và việc đọc, viết, xử lý báo cáo, biểu mẫu, văn bản đến, văn bản đi.

Báo cáo và họp hành nhiều, triền miên như hiện nay quả thật một trường phổ thông chỉ có 1 hiệu trưởng và 1 phó hiệu trưởng thì không tài nào làm việc, điều hành cho nổi.

Nhiều giáo viên chưa thấy hết “cái khổ” này của Ban giám hiệu ở nhà trường phổ thông.          

Trong nhóm thứ ba là vị trí việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ, gồm 6 vị trí sau đây: Thư viện; Công nghệ thông tin; Kế toán; Thủ quỹ; Văn thư; Y tế gần như ở cấp học, cơ sở giáo dục nào đều đủ cả.

Nhân viên Thư viện và Công nghệ thông tin thì không thể thiếu được, rất cần thiết cho hoạt động giáo dục nhà trường về ứng dụng công nghệ thông và quản lý thư viện, tổ chức đọc sách - báo.

Nhân viên Văn thư và Y tế cũng cần cho công tác văn phòng và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho học sinh khi ốm đau đột xuất.

Ít việc, ngồi chơi không, cần tinh giản ngay ảnh 3Thực sự giáo viên đang thừa thiếu thế nào?

Song thực tế, công việc khá nhàn nhã, thời gian rảnh rỗi nhiều, vì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thường hay làm luôn các loại báo cáo, biểu mẫu, văn bản… liên quan đến mảng công việc mà họ đã quen, vì diện học sinh ốm đau đột ngột ở trên lớp cần sự trợ giúp của nhân viên y tế… lâu lâu mới có.

Còn bộ phận kế toán và thủ quỹ càng khỏe, càng rảnh rỗi hơn. Đến tháng lập danh sách rút lương, phát cho giáo viên, nhân viên là xong nhiệm vụ chính.

Và chỉ tham gia thêm một số công việc phát sinh khác trong tháng, học kỳ, năm học theo yêu cầu của lãnh đạo nhà trường.

Nói chính xác hơn, công việc của kế toán và thủ quỹ nhà trường trong mỗi tháng chỉ làm cùng lắm khoảng 2 đến 3 ngày là hết, thời gian còn lại chơi dài dài.

Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu, xem xét lại nhóm vị trí vị việc làm gắn với công việc hỗ trợ, phục vụ theo hướng tinh giản gọn nhẹ hơn nữa, 4 vị trí: kế toán, thủ quỹ, văn thư và y tế nên gộp lại còn 2 vị trí, làm kiêm nhiệm.

Dàn trải ra nhiều, ít việc, ngồi chơi không, lãng phí nguồn lực và tiền bạc của nhà nước và nhân dân, được gì.             

KIÊN TRUNG