LTS: Trước thềm thay chương trình, với mong muốn đợt tập huấn tới đây sẽ không đi theo lối mòn của những lần tập huấn trước, tác giả Nam Phương xin được gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo một số kiến nghị nhằm thay đổi chất lượng dạy và học.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Đọc bài “Oái oăm chương trình dạy trò lại đem thực nghiệm trên thầy” của tác giả Đỗ Quyên đăng trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 2/2, chúng tôi mới biết rằng chuyện này không chỉ diễn ra ở một nơi mà khá nhiều địa phương trong cả nước khi tập huấn chương trình mới thì giáo viên luôn là người đóng thế cho học sinh.
Vì điều này bảo sao những báo cáo tổng kết sau các đợt tập huấn lại không ghi toàn là những ưu điểm nổi trội, nó trái ngược hoàn toàn với khi mang những bài dạy ấy dạy trực tiếp cho học sinh.
Khi thầy cô đóng vai học trò để tập huấn mô hình trường học mới VNEN, ảnh minh họa, nguồn: Nguyễn Kim Thoa / thvanphai1.thainguyen.edu.vn. |
Giáo viên thành người đóng thế
Thường trong những lần thay sách, báo cáo viên sẽ thuyết trình phần lý thuyết cụ thể như quy trình lên một tiết dạy như thế nào? Hoạt động của giáo viên, hoạt động của học sinh…Sau đó, chia giáo viên theo từng nhóm.
Báo cáo viên phân chia môn thực hành như nhóm dạy tiếng Việt, nhóm dạy Toán, nhóm Tự nhiên và Xã hội… các nhóm tiến hành soạn bài theo lý thuyết vừa tiếp thu. Cuối cùng chọn một giáo viên có năng lực đóng vai người giảng (thầy hoặc cô giáo).
Giáo viên lên giảng, những giáo viên còn lại sẽ làm học sinh, báo cáo viên và những nhóm còn lại đóng vai người dự giờ để nhận xét ưu khuyết điểm của tiết dạy.
Tiết dạy diễn ra cứ như thật!
Giáo viên trong vai học sinh khi được mời trả lời cũng “thưa cô (thầy)...” và xưng em. Có giáo viên còn tạo tình huống cho đồng nghiệp mình xử lý để làm hấp dẫn thêm tiết dạy bằng cách cố tình trả lời sai một vài câu hỏi, làm sai một vài bài tập, thậm chí tỏ vẻ lơ là không chú ý…
Các nhóm xoay vòng dạy hết môn này đến môn khác sau đó đến phần nhận xét những điều được, chưa được của tiết học. Hết đợt tập huấn, về trường thầy cô sẽ đem hết những gì mình đã học, đã tiếp thu vào dạy cho trò.
Có điều “nó chẳng ăn nhập vào đâu” như lời của nhiều giáo viên kết luận. Vì những kiến thức, những phương pháp giáo viên triển khai với chính những cô cậu học trò thật của mình nó chẳng đơn giản như khi dạy cho những học trò là chính thầy cô đóng thế.
Những kiến nghị thử nghiệm chương trình mới
Trước thềm thay chương trình, chúng tôi xin được gửi kiến nghị đến Bộ Giáo dục và Đào tạo với mong muốn đợt tập huấn tới đây sẽ không đi theo lối mòn của những lần tập huấn trước.
Oái oăm chương trình dạy trò lại đem "thực nghiệm" trên thầy |
Có thế chúng ta mới có thể đánh giá một cách khách quan nhất để từ đó có sự điều chỉnh cho phù hợp cả nội dung kiến thức cũng như phương pháp giảng dạy.
Thứ nhất, hạn chế triển khai lý thuyết tăng phần thực hành cụ thể thực nghiệm dạy minh họa trên chính học sinh của khối lớp đó.
Lý thuyết chỉ cần khuyến khích giáo viên tự nghiên cứu bằng tài liệu.
Lớp được dạy thực nghiệm là lớp học cũng được bốc ngẫu nhiên bất kì trong khối để có đầy đủ các trình độ học sinh từ (giỏi, khá, trung bình, yếu).
Chúng tôi kịch liệt phản đối kiểu chọn lớp dạy thực nghiệm mà trước đó nhà trường đã chọn một lứa học sinh nổi trội của các lớp đưa qua, điều này sẽ không phản ánh trung thực chất lượng giờ dạy.
Thứ hai, không chọn giáo viên nòng cốt để thể nghiệm, cần tổ chức bốc thăm công khai trong tất cả giáo viên đi tập huấn. Mỗi môn dạy cần bố trí vài ba giáo viên thể nghiệm một lần.
Thứ ba, bài giảng sẽ do chính giáo viên dạy tự soạn mà không phải huy động nhóm, tổ thầy cô cùng soạn chung thiết kế ấy.
Thứ tư, tạo điều kiện cho giáo viên được công khai góp ý về ưu khuyết điểm của tiết dạy những điều được và chưa được, những điều cần khắc phục. Điều này vô cùng quan trọng nhưng cũng rất khó thực hiện.
Trong thực tế của những lần thay sách trước đây, giáo viên thường bị cấp trên chủ yếu là cấp phòng, sở “trấn áp” khi nêu ý kiến trái chiều.
Thế rồi, chẳng ai dám nêu những băn khoăn trăn trở, chẳng ai dám nói hết những suy nghĩ thật (thường là những tồn tại, vướng mắc) của mình ngoài những lời ca ngợi, tung hô cho đẹp lòng cấp trên.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thúy Hồng - Giám đốc dự án ETEP (Chương trình phát triển các trường sư phạm), Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, song song với biên soạn sách giáo khoa sẽ là dạy thử nghiệm chương trình mới. Việc dạy thử nghiệm cũng chỉ đối với nội dung mới, khó.
Hy vọng rằng, nếu tổ chức dạy thử nghiệm chương trình mới đúng nghĩa sẽ rút ra được khá nhiều những điều bổ ích giúp cho việc xây dựng chương trình mới trở nên hoàn thiện hơn.