Người ta đã làm gì mà hàng chục học trò mất đi tính bản thiện?

02/12/2018 07:00
Trinh Phúc
(GDVN) - Thầy Nguyễn Xuân Khang: Ước gì, ước gì có được một bé thôi, phản ứng: em không muốn tát bạn! Thật đáng sợ, tất cả các bé đã bị biến thành những cái máy vô tâm.

Câu chuyện 23 bạn học sinh tát bạn 230 cái khiến bạn phải nhập viện theo lệnh của cô giáo khiến dư luận bàng hoàng.

Xung quanh sự việc này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) tỏ ra thất vọng về những hành vi trên của các em học sinh.

Tâm sự với phóng viên, thầy Khang cho rằng: “Là một thầy giáo, tôi cũng phải suy nghĩ nhiều về việc này.

23 học sinh lớp 6.2 thực hiện quy định của cô giáo chủ nhiệm tát mỗi em 10 cái thật mạnh vào mặt bạn Long Nhật, vì tội chửi bậy.

Tôi tự hỏi, 230 cái tát thực hiện trong bao nhiêu lâu? Rồi kiên trì đếm 1, 2, 3, ..., 230. Kết quả ít nhất là hơn 4 phút để các em học sinh thực hiện xong các hành vi đó”.

Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) - ảnh Thùy Linh.
Thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) - ảnh Thùy Linh.

Theo thầy Nguyễn Xuân Khang: “Với thời gian đó, ở cuộc thi hùng biện, học sinh có thể trình bày khúc chiết và thuyết phục một vấn đề trong cuộc sống.

Ở chương trình Đường lên đỉnh Olimpia, chỉ 60 giây học sinh có thể trả lời chính xác 5, 10 câu hỏi.

4 phút, một thời gian đủ dài để đứa trẻ bình thường tự vấn lương tâm khi phải thực hiện một mệnh lệnh phi nhân tính với bạn của mình”.

Thầy Khang chia sẻ: “Tôi muốn biết em Long Nhật nghĩ gì trong 4 phút đó? Có thể em nghĩ mình mắc tội chửi bậy nên cam chịu...

Nhiều cái tát đến thế, đau đến thế sao em không kêu lên được một lời: tớ đau quá, xin đừng tát nữa! Thật đáng tiếc, Long Nhật mất khả năng tự bảo vệ”.

Người ta đã làm gì mà hàng chục học trò mất đi tính bản thiện? ảnh 2Một nền giáo dục chỉ dạy biết vâng lời thì 231 cái tát là điều hiển nhiên

Cũng theo thầy Nguyễn Xuân Khang: “Nói tục, chửi thề là hiện tượng khá phổ biến từ trẻ con đến người lớn.

Tôi nghe kể lại, ở một kỳ Đại hội Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh thành phố Hà Nội, vị lãnh đạo cao nhất của thành phố đặt vấn đề, nhiệm kỳ tới Đoàn có thể giáo dục thanh thiếu niên Thủ đô khắc phục triệt để bệnh nói tục chửi thề được không?

Không một cán bộ Đoàn nào dám hứa làm được điều đó.

Chúng ta chê trách việc nói tục chửi thề nhưng phải thừa nhận khắc phục việc này không dễ. Văng một câu tục chỉ một giây nhưng để sửa thói hư tật xấu này phải cả cuộc đời”.

Điều mà thầy Khang băn khoăn nhất là việc, muốn biết 23 học sinh lớp 6.2 nghĩ gì trong 4 phút đó. Vì theo thầy là “Nhân chi sơ, tính bản thiện”.

“Tại sao, hàng ngày vẫn chơi với nhau, khi ăn chung que kem, khi uống chung ly nước... Cái chiều hôm đó là chiều gì, không giận hờn, không bức xúc... đã đẩy các cậu bé, cô bé này bước qua “tính bản thiện” tát bạn của mình hàng trăm cái?” – thầy Khang phân vân.

Thầy bộc bạch rằng: “Ước gì, ước gì có được một bé thôi, phản ứng: em không muốn tát bạn!

Thật đáng sợ, tất cả các bé đã bị biến thành những cái máy vô tâm, vô cảm để thực thi “công vụ” được giao”.

Cuối cùng thầy Khang nhấn mạnh: “Sức khoẻ của Long Nhật đã bình phục. Sai lầm của cô giáo Thuỷ đã được rút kinh nghiệm và ngăn chặn. Tôi vẫn buồn, hơn thế nữa vẫn rất lo về hiện tượng hai mươi ba cộng một đứa trẻ (cô giáo Thủy – PV) ở Quảng Bình!

Một câu hỏi vương vấn: chúng ta đã làm gì để những đứa trẻ đó mất đi “tính bản thiện” vốn có của con người?”.

Trinh Phúc