“Sau khi biết tôi nhận được các giải thưởng lớn, nhiều trường ở miền xuôi, thậm chí là ở các thành phố lớn mời tôi về giảng dạy với mức lương cao hơn gấp nhiều lần nơi tôi đang công tác. Nhưng đến giờ tôi vẫn giữ mãi lập trường rằng mình sẽ gắn bó suốt cuộc đời với ngôi trường nơi vùng sơn cước, bởi cả đời tôi mãi nợ quê hai chữ “ân tình”, cô Hà Ánh Phượng - người được vinh danh 1 trong 10 giáo viên toàn cầu chia sẻ.
Nếu giáo viên nào cũng chọn nơi có điều kiện thì học sinh miền núi sẽ thiệt thòi
Trò chuyện với chúng tôi, cô Hà Ánh Phượng, giáo viên Tiếng Anh, Trường Trung học phổ thông Hương Cần (huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ) tâm sự: “Tôi sinh ra ở một tỉnh trung du miền phía Bắc, nơi có tỷ lệ đói nghèo cao và nông nghiệp là nghề sản xuất chính. Hồi còn học cấp 2, tôi có xem một bộ phim tài liệu trên truyền hình có nói về việc các giáo viên miền xuôi tình nguyện lên dạy trên các bản làng xa xôi trên miền núi.
Không những thế, việc các học sinh bỏ lớp khiến các cô giáo ấy ngày nào cũng phải đi đến từng nhà học sinh để thuyết phục phụ huynh cho con họ đi học. Những câu chuyện ấy cứ ám ảnh tôi và tôi quyết định sẽ cố gắng rèn luyện, sau này đem những kiến thức tôi có được về truyền thụ cho con em dân bản.
Tôi tự nhủ với mình rằng, tại sao có những giáo viên là người từ dưới xuôi, họ chấp nhận bỏ lại sau lưng mọi điều kiện thuận lợi để lên với bản làng xa xôi. Vậy thì tại sao mình là người con của quê hương, được đùm bọc nuôi lớn bởi tình làng nghĩa xóm lại đi tìm những chỗ làm chỉ để thuận lợi hơn cho riêng mình được. Nếu ai cũng có ý nghĩ chọn những việc nhẹ nhàng thì những nơi xa xôi hẻo lánh các em luôn phải chịu thiệt thòi sao?”
Cô giáo Hà Ánh Phượng. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Sau nỗi buồn khi nhắc về quê hương, cô Phượng lại hồ hởi kể nốt câu chuyện đang dang dở. Cô cho biết thêm, vì đặc thù địa phương là vùng núi cao nên ở đây không chỉ thiếu thốn về vật chất mà việc đi lại, học tập của các học sinh miền núi cũng gặp nhiều khó khăn.
Vì thế, riêng học các môn cơ bản đã là một việc khó với các học sinh miền núi chứ chưa nói đến việc truyền thụ ngoại ngữ thông suốt cho các em nơi đây.
Cô giáo top 10 giáo viên toàn cầu này cho rằng, việc các bạn học sinh miền núi không có nhiều đam mê với môn tiếng Anh một phần là bởi các bạn đó không có nền tảng và không được đào tạo từ nhỏ.
Hơn nữa, việc các em có thể kiếm được tài liệu để bổ túc chuyên sâu cho môn tiếng Anh ở khu vực miền núi cũng là điều không hề đơn giản.
Vì thế, bản thân cô muốn tìm ra phương pháp dạy mới để các em có thể tiếp thu một cách dễ dàng hơn, để không phải chịu cảnh thiệt thòi hơn các bạn dưới xuôi.
Ngoài những lí do đó, còn một điều nữa làm nên cơ duyên cô Phượng theo nghề giáo, đó là việc nhà ở đối diện với trường học.
Có những hôm, tựa song cửa nhìn sang, thấy lũ học trò say sưa nhìn theo từng nét phấn của giáo viên mà lòng cô rạo rực. Khi ấy, quyết tâm sau này mình sẽ làm một giáo viên đứng trên bục giảng lại thôi thúc Phượng hơn bao giờ hết.
Cô Hà Ánh Phượng Nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Nói về bố mẹ mình, cô Phượng không khỏi xúc động: “Mình luôn biết ơn bố mẹ mình. Những người luôn tạo ra môi trường học tập tích cực cho các con. Mình nhớ có những lần bố mẹ đèo nhau đi 20 cây số đường rừng chỉ để mua cho mình một cuốn sách tham khảo. Thế mới biết cả bố và mẹ đều luôn coi trọng việc học của hai chị em mình”.
Chia sẻ về động lực để các giáo viên sư phạm tương lai có thể tìm lên cống hiến cho các bản làng miền núi xa xôi, cô Phượng khiêm tốn rằng: “Nếu các bạn có đủ đam mê với nghề và một trái tim đủ nóng thì mình tin rằng các bạn sẽ sẵn sàng vứt bỏ mọi điều kiện thuận lợi để về những nơi thâm sơn cùng cốc.
Tôi nghĩ rằng, tiền bạc thì ai cũng quý, nhưng có những cái giá trị mình tạo ra thì không một vật chất nào có thể sánh bằng. Điều làm nên chỉ số hạnh phúc của tôi chính là biến những khó khăn thành động lực. Như vậy thì có làm việc nơi đâu bạn cũng có thể thấy đó là nơi hạnh phúc”.
Cô giáo Mường “ẵm” những giải thưởng lớn
Với mong muốn đổi mới cách tiếp cận ngoại ngữ, nhằm tìm ra phương pháp truyền thụ tiếng Anh một cách dễ hiểu cho các học sinh dân tộc thiểu số, cô giáo người Mường đã tìm tòi những cách làm đặc biệt, như viết thư tay cho bạn nước ngoài, tự mua các tờ báo cũ về dịch hay cuối tuần xem bản tin tiếng Anh trên tivi. Ban đầu chỉ là việc nghiên cứu tư liệu, rồi dần dà cô trở nên yêu thích và đam mê lúc nào không hay.
Với những cố gắng của mình, năm 2009 Phượng đạt giải Hoa Trạng Nguyên, một giải thưởng dành cho thủ khoa tốt nghiệp bậc Trung học phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng.
Với giải thưởng này Phượng có cơ hội nhận học bổng và được đi du học nước ngoài, nhưng với lời hứa với quê hương, Phượng vẫn quyết định ở lại và theo học tại Trường Đại học Hà Nội.
Trong thời gian học tại đây, cô tiếp tục ẵm về học bổng tiềm năng lãnh đạo do Viện Giáo dục quốc tế Hoa Kì IIE trao cho sinh viên châu Á năm 2011. Không dừng lại ở đó, Phượng tốt nghiệp bằng thạc sĩ với bảng điểm kết quả học tập loại giỏi khoa Ngôn ngữ Anh trường Đại học Hà Nội sau khi hoàn thành chương trình đại học.
Đúng như ước vọng, cầm tấm bằng thạc sỹ trên tay cô trở về cống hiến cho quê hương. Không phụ lòng bà con dân bản, bằng nỗ lực của mình, cô trở thành giáo viên trẻ người dân tộc với những sáng kiến và sáng tạo đột phá trong giáo dục như mô hình lớp học xuyên biên giới và các dự án quốc tế đem học sinh dân tộc kết nối với học sinh ở các quốc gia khác.
Cùng với đó là các phương pháp dạy học tích cực như MAI, SIC, CLT.v.v.. do bản thân tự tìm tòi, nghiên cứu và áp dụng. Đặc biệt, cô được các tổ chức giáo dục đánh giá cao về việc giáo viên miền núi dùng phim để dạy ngoại ngữ cho học sinh.
Cô Hà Ánh Phượng được tuyên dương trong đại hội thi đua yêu nước năm 2020. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Không những thế, Microsoft (MIE Expert) cũng công nhận cô là chuyên gia giáo dục sáng tạo có ảnh hưởng đến cộng đồng giáo dục của địa phương, của cả nước và đồng nghiệp quốc tế thông qua các hội nhóm chuyên môn về ngoại ngữ. Bên cạnh đó, trong đợt dịch Covid – 19 vừa qua cô còn được đánh giá là giáo viên có thành tích xuất sắc trong việc hỗ trợ cộng đồng giáo dục giữa bối cảnh đại dịch hoành hành do tập đoàn Microsoft công nhận.
Mới đây nhất, cô chính là giáo viên Việt Nam duy nhất đạt học bổng toàn phần SEAYLP năm 2020 do Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Mỹ lựa chọn.
Đặc biệt, vừa qua cô Phượng là giáo viên Việt Nam lọt top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu. Đây là giải thưởng vinh danh giáo viên trên toàn cầu được tổ chức Varkey (Varkey Foundation) tổ chức thường niên nhằm tôn vinh thầy cô có đóng góp đặc biệt xuất sắc cho sự nghiệp giáo dục trên toàn thế giới,
Với những thành tích đó, cô Hà Ánh Phượng đã vinh dự nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.