Lĩnh vực nghệ thuật: Nên có 3 trường đại học thuộc trọng điểm ngành quốc gia

23/12/2023 06:28
Tường San
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Nhiều ý kiến góp ý từ một số trường đào tạo về văn hóa-nghệ thuật đối với Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm.

Thông tin từ báo cáo Dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, đến năm 2030, nước ta sẽ có từ 18 đến 20 cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia.

Đối với lĩnh vực nghệ thuật trong danh mục của dự thảo có Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Vấn đề này đã nhận được sự góp ý từ nhiều cơ sở giáo dục đại học đào tạo về văn hóa - nghệ thuật.

Cần cơ cấu lại các trường đại học đào tạo nghệ thuật

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trương Đại Lượng – Trưởng phòng Quản lý Đào tạo (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) cho hay, dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một đề án khá tốt, góp phần thúc đẩy sự phát triển của giáo dục đại học nước ta.

Việc quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia là hợp lý để tránh việc đầu tư bị manh mún, giúp nhà nước đầu tư tập trung được về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, phát triển chương trình tiên tiến, thu hút được đội ngũ giảng viên chất lượng cao và đảm bảo điều kiện dạy và học.

Sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (Ảnh: Website nhà trường).

Sinh viên Trường Đại học Văn hóa Hà Nội (Ảnh: Website nhà trường).

Tuy nhiên, theo thầy Lượng, đối với việc chọn cơ sở giáo dục đại học của khối văn hóa – nghệ thuật trong danh mục quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm quốc gia đến năm 2030 của dự thảo này là chưa hoàn toàn phù hợp.

Bởi, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có nhiều cơ sở đào tạo khác nhau về văn hoá và nghệ thuật.

Riêng các cơ sở đào tạo về lĩnh vực nghệ thuật chủ yếu là các trường đào tạo chuyên ngành về múa, âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, điện ảnh, xiếc, sáng tác văn học. Vì vậy, việc lựa chọn một trường nghệ thuật cụ thể nào cũng là không thể đại diện cho các chuyên ngành nghệ thuật khác.

Hơn nữa, ngoài các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực nghệ thuật, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch còn có các cơ sở khác đào tạo về lĩnh vực văn hoá và thể dục, thể thao lớn như Trường Đại học Văn hoá Hà Nội và Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh. Đây là những cơ sở đào tạo có quy mô đào tạo lớn của Bộ và đào tạo đa ngành.

Cụ thể, Trường Đại học Văn hoá Hà Nội đào tạo hầu hết các ngành thuộc lĩnh vực văn hoá như Bảo tàng học, Quản lý di sản văn hoá, Quản lý văn hoá, Du lịch, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Thông tin thư viện, Quản lý thông tin, Báo chí, Sáng tác văn học, Gia đình học, Văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam, Kinh doanh xuất bản phẩm, Văn hoá học. Tương tự như vậy, Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh là cơ sở đào tạo hàng đầu về lĩnh vực thể dục, thể thao.

Vì vậy, muốn có quy hoạch hợp lý các cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia thuộc Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, dự thảo quy hoạch cần tính đến việc lựa chọn 03 cơ sở và mỗi cơ sở đào tạo về một lĩnh vực bao gồm: văn hoá, nghệ thuật và thể dục thể thao.

Để xây dựng các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành của lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, song song với việc nâng cấp, phát triển các trường đại học đã được cơ cấu hợp lý cũng cần cơ cấu lại cho phù hợp để đảm bảo trường trọng điểm phải đào tạo đa ngành hoặc một nhóm các ngành chứ không phải là trường đào tạo đơn ngành.

Hơn nữa, để tránh đầu tư dàn trải, quy mô đào tạo của trường đại học trọng điểm ngành quốc gia cũng cần có tối thiểu từ 6 đến 10 nghìn sinh viên.

Cũng bàn về vấn đề trên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Vinh Hưng – Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương bày tỏ, chủ trương thực hiện của việc thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm là tốt nhưng cần phải bàn bạc, nghiên cứu lại một cách sâu sắc hơn. Đặc biệt là đối với hai trường nghệ thuật được chọn trong danh mục quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia đến 2030.

Theo thầy Hưng, việc lựa chọn này là chưa hợp lý bởi hai trường đó không đại diện cho tất cả các ngành nghệ thuật.

Trong khi đó, một số trường đại học đào tạo nghệ thuật như Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương là trường đại học đào tạo đa ngành về văn hóa, nghệ thuật, lại đào tạo cả về sư phạm. Hơn nữa, trường cũng là một cơ sở gần như có đội ngũ cán bộ, giảng viên có học hàm, học vị cao nhất so với trường đại học khác trong khối nghệ thuật.

Việc không nằm trong danh mục các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của nhà trường bởi bao giờ các trường nằm trong danh mục đó cũng được nhà nước cùng các Bộ, ban, ngành quan tâm, đầu tư hơn.

Chính vì vậy, hiện nhà trường cũng đã đề xuất được đưa vào trong danh mục này.

Mặt khác, theo thầy Hưng, hiện vẫn chưa có tiêu chí, tiêu chuẩn nào cụ thể, rõ ràng khi lựa chọn ngành nào là ngành trọng điểm, trường nào nên nằm trong quy hoạch cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành nên cần phải có sự nghiên cứu, lựa chọn hợp lý, cụ thể hơn nữa.

Danh sách các cơ sở giáo dục đại học nằm trong dự thảo quy hoạch thành trường trọng điểm ngành quốc gia. (Ảnh chụp màn hình)

Danh sách các cơ sở giáo dục đại học nằm trong dự thảo quy hoạch thành trường trọng điểm ngành quốc gia. (Ảnh chụp màn hình)

Là một trong những trường nằm trong danh mục quy hoạch các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia đến 2030 của dự thảo, chia sẻ từ Tiến sĩ Phạm Trí Thành - Chủ tịch Hội đồng trường (Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội) cho hay, đây vừa là niềm tự hào và đồng thời cũng đúng với tầm nhìn, hoạt động đào tạo và mục tiêu phát triển của nhà trường.

Theo thầy Thành, hiện chưa có tiêu chí cụ thể nào trong việc lựa chọn các cơ sở giáo dục đại học được quy hoạch vào danh mục này, tuy nhiên, cá nhân thầy nghĩ rằng, có thể sự lựa chọn là dựa trên bề dày đào tạo, sự ổn định và phát triển thành tích thương hiệu của cơ sở đó.

Thầy Thành bày tỏ, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội vốn là “cái nôi” trong đào tạo văn hóa - nghệ thuật, đặc biệt là về sân khấu, điện ảnh, những ngành nghệ thuật truyền thống.

Do đó, nếu được trở thành cơ sở giáo dục trọng điểm ngành quốc gia sẽ góp phần khẳng định thương hiệu của nhà trường, từ đó thúc đẩy việc tuyển sinh đối với những ngành nghệ thuật nói chung và nghệ thuật truyền thống nói riêng mà trường đang đào tạo. Đặc biệt là thúc đẩy việc thu hút người học sau đại học, người làm nghiên cứu, nâng học hàm, học vị đối với lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, một lĩnh vực đang còn ít người có trình độ cao.

Hơn nữa, thầy Thành cho rằng, đây vừa là thuận lợi cho nhà trường trong thời gian tới, nhất là trong việc phát triển theo xu thế tự chủ hiện nay nhưng đồng thời cũng là nhiệm vụ của trường trong việc gìn giữ và khẳng định, phát huy những thế mạnh, kết quả đã đạt được khi đã là trường đại học trọng điểm ngành quốc gia.

Hiện, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội cũng đang chuẩn bị cho những kế hoạch tiếp theo để khẳng định cho vị trí này.

Mặt khác, thầy Thành cũng đưa ra thêm góp ý đối với danh mục các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm ngành quốc gia.

Theo thầy Thành, thực chất, nghệ thuật vốn có rất nhiều lĩnh vực nhưng thường chỉ tập trung ở 2 cơ sở đã được lựa chọn. Nếu Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam là đơn vị có thế mạnh trong đào tạo các ngành/chuyên ngành về âm nhạc thì Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội là nơi đào tạo tương đối tổng hợp về các ngành nghệ thuật.

Tuy nhiên, nếu có thể chọn thêm được một trường đại học đào tạo về mỹ thuật nữa sẽ hợp lý hơn.

Tường San