Đại diện trường ĐH chỉ ra những trở ngại khi đào tạo ngành Thông tin thư viện

31/08/2023 06:34
Bắc Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thông tin thư viện là ngành không phải mang tính chất cạnh tranh trên thị trường, nhưng không thể không đào tạo.

Ngày nay, cùng với sự phát triển của nền kinh tế tri thức và sự phát bùng nổ mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, ngành Thông tin thư viện cũng có nhiều sự cải tiến nhằm đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của đời sống. Người học ngành Thông tin thư viện không chỉ đơn thuần là những cán bộ thư viện với công việc lưu giữ và cho mượn sách, mà cao hơn nữa là trở thành các chuyên gia xử lý, cung cấp thông tin, quản trị trị tri thức số,...

Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh), Khoa Thư viện - Thông tin học là một trong những đơn vị đào tạo chất lượng cao ngành Thông tin thư viện.

Được biết, ngành học Thông tin thư viện được giảng dạy tại Khoa Thư viện - Thông tin học từ năm 1984 (lúc đó là Đại học Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh). Đến nay, nhà trường đã đào tạo được 37 khóa; hiện có khoảng 200 sinh viên đang theo học.

Sinh viên Khoa Thư viện – Thông tin học tham gia sinh hoạt chuyên đề “Blockchain trong nền kinh tế số”. Ảnh: Website nhà trường

Sinh viên Khoa Thư viện – Thông tin học tham gia sinh hoạt chuyên đề “Blockchain trong nền kinh tế số”. Ảnh: Website nhà trường

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Ngô Thị Huyền - Trưởng khoa Thư viện - Thông tin học cho biết, hàng năm ngành Thông tin thư viện tuyển khoảng 60 chỉ tiêu, tỉ lệ tuyển đạt khoảng 80-90%, tức trung bình khoảng trên 50 sinh viên/khóa.

Theo khảo sát mới nhất đối với khóa sinh viên đào tạo năm 2017-2021, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt khoảng trên 94%. Trong đó, tỉ lệ sinh viên làm đúng ngành khoảng 21%, sinh viên làm các ngành gần (như báo chí, xuất bản,...) đạt khoảng 32% và tỷ lệ sinh viên làm trái ngành khoảng 40%.

Theo cô Huyền, đa phần sinh viên khi lựa chọn học ngành Thông tin thư viện đều đã có những hiểu biết cơ bản ngay từ đầu, bởi ngay tên ngành đã phần nào phản ánh bản chất của ngành học. Nhưng đây không phải là sự lựa chọn đầu tiên của các em, thay vào đó phần lớn đều là nguyện vọng 2, nguyện vọng 3. Đây cũng là một trở ngại trong quá trình đào tạo.

Theo Tiến sĩ Ngô Thị Huyền, nhiều sinh viên đang theo học thực tế không phải là nguyện vọng ưu tiên của các em. Do vậy đối với sinh viên năm nhất, các em thường ở trong tâm thế bất an, và có xu hướng ở trong tâm thế liệu mình có thể chuyển sang ngành khác không. Điều này cũng phần nào ảnh hưởng tới hiệu quả tiếp nhận kiến thức.

Vì vậy, bên cạnh nỗ lực giúp sinh viên hiểu và yêu hơn ngành học, đội ngũ giảng viên cũng không ngừng đổi mới, cải tiến chương trình đào tạo nhằm giúp sinh viên có thêm nhiều cơ hội việc làm hơn khi ra trường.

Tiến sĩ Ngô Thị Huyền - Trưởng khoa Thư viện - Thông tin học, Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC

Tiến sĩ Ngô Thị Huyền - Trưởng khoa Thư viện - Thông tin học, Trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn (Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh). Ảnh: NVCC

“Nhà trường chủ trương đào tạo theo triết lý giáo dục khai phóng. Thực tế, khi sinh viên chọn ngành, không phải 100% các em đều thực sự thích hay giỏi về lĩnh vực đã lựa chọn.

Do vậy khi thiết kế chương trình đào tạo, chúng tôi đã lồng ghép thêm những môn tự chọn có khả năng giúp sinh viên phát triển thêm nhiều kỹ năng khác, bên cạnh việc học chuyên ngành. Như vậy, sinh viên khi ra trường sẽ có khả năng thích ứng với nhiều môi trường làm việc khác nhau, đây là điều quan trọng hơn chúng tôi muốn hướng đến”, Tiến sĩ Huyền chia sẻ.

Nhằm khuyến khích sinh viên theo học ngành Thông tin thư viện, đội ngũ giảng viên của Khoa Thư viện - Thông tin học đã có đề xuất nhiều chính sách cho sinh viên như duy trì mức học phí ổn định (không tăng học phí) trong những năm qua, khoảng 13-16 triệu đồng/năm. Thường xuyên điều chỉnh, cải tiến chương trình đào tạo nhằm phù hợp với nhu cầu tuyển dụng và người học; Sinh viên được học tiếng Anh không chuyên miễn phí,...

Được biết, chương trình đào tạo thường được Khoa điều chỉnh theo chu kỳ 2 năm một lần, dựa trên những nhu cầu của nhà tuyển dụng. Chương trình đào tạo mới nhất được áp dụng cho khóa tuyển sinh năm 2023, với nhiều kiến thức gắn với môi trường số.

Theo đó, nhiều môn học mới được bổ sung để trang bị cho sinh viên các kỹ năng làm việc với thông tin dữ liệu trong các môi trường số khác nhau. Đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp người học không bị hạn hẹp về thị trường lao động sau này.

Thời lượng các môn công nghệ được tăng cường nhiều hơn, và những môn học với tính chất xử lý thủ công trước đây như học phân loại sẽ được giảm bớt đi nhằm phù hợp với thực tiễn.

Nhấn mạnh thêm về tầm quan trọng của ngành học, vị Trưởng khoa cho rằng, không chỉ riêng ngành Thông tin thư viện mà còn nhiều nhóm ngành thuộc khối khoa học xã hội nhân văn đều là những ngành không phải mang tính chất cạnh tranh trên thị trường, nhưng không thể không đào tạo được.

“Đặc biệt với nhân lực lĩnh vực Thông tin thư viện, trong bối cảnh ngày nay các trường đang dần đổi sang mô hình thư viện số, hay xây dựng chương trình học tập suốt đời cho sinh viên,... Điều này đòi hỏi các cơ sở giáo dục phải xây dựng hệ thống thư viện đủ tốt để phục vụ cho công tác đào tạo cũng như các mục tiêu giáo dục của đơn vị. Do vậy, chừng nào các cơ sở giáo dục còn tồn tại thì đội ngũ này vẫn rất cần”, cô Huyền nói.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thiên - Trưởng khoa Thông tin, thư viện - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Ảnh: website nhà trường

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thiên - Trưởng khoa Thông tin, thư viện - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Ảnh: website nhà trường

Ở khu vực phía Bắc, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cũng là một trong những cơ sở đào tạo uy tín về lĩnh vực thông tin thư viện. Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thiên - Trưởng khoa Thông tin, thư viện - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội chia sẻ, trong bối cảnh xã hội thông tin và nền kinh tế tri thức ngày nay, người học ngành Thông tin thư viện có rất nhiều cơ hội nghề nghiệp.

Ngoài các dịch vụ truyền thống trước đây như mượn trả sách, thư viện ngày nay tập trung nhiều hơn vào các dịch vụ cung cấp thông tin, quản trị tri thức,...

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Thiên, trong bối cảnh chung hiện nay, ngành Thông tin thư viện nói riêng và nhiều ngành không phải ngành “hot” nói chung đều gặp những khó khăn, thách thức nhất định trong tuyển sinh và đào tạo. Vì vậy, luôn đổi mới phương pháp giảng dạy và chương trình đào tạo là chìa khóa quan trọng để nâng cao chất lượng.

“Nhiều lĩnh vực công hiện nay kém đi sức hút, vì làm việc ở doanh nghiệp lương sẽ cao hơn nhà nước. Đây cũng là rào cản chung cho những ngành hướng tới nhân lực đào tạo ra làm việc ở lĩnh vực công.

Tuy nhiên, theo xu hướng mở rộng, tương lai người học có thể làm việc ở bất cứ tổ chức nào. Hiện lĩnh vực công đã có những bước cải cách đầu tiên như giảm biên chế, tiến tới trả lương theo vị trí việc làm,... từ đó dần kéo gần tương thích giữa lĩnh vực công và tư”, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thiên.

“Theo tôi nghề thư viện vẫn là một nghề tốt. Ngày nay sinh viên có sự lựa chọn đa dạng hơn về nghề nghiệp, có thể giới trẻ sẽ yêu thích công nghệ nhiều hơn, nhưng mỗi ngành nghề đều có vị trí riêng. Nếu chúng ta yêu thích công việc của mình và làm hết mình với nó, tôi tin sớm muộn đều có kết quả”, thầy Thiên nhấn mạnh.

Bắc Sơn