38 năm đi dạy sắp nghỉ hưu thì bị xuống hạng vì thiếu chứng chỉ, minh chứng

12/10/2021 06:28
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Khi bổ nhiệm, xếp hạng cho giáo viên dẫn tiền lương cao hay thấp mà chỉ nhờ hên xui, nghĩa là các Thông tư 01; 02; 03; 04/2021/TT-BGDĐT không phù hợp.

Thầy giáo Hồ Minh Quý, giáo viên tiểu học tại huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai chia sẻ: “Mình học sư phạm ra trường 1983, đã 38 năm công tác trong ngành giáo dục và có hơn 30 năm làm cán bộ quản lý.

Từ 1994 đã là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, nhiều năm liền tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi đi thi tỉnh đạt nhiều giải cao, đem thành tích và vinh quang về cho huyện nhà.

Việc chuyển xếp hạng giáo viên vẫn còn nhiều bất cập (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Việc chuyển xếp hạng giáo viên vẫn còn nhiều bất cập (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Nhiều năm liền là giám khảo Hội thi giáo viên giỏi cấp huyện, giám khảo chấm sáng kiến kinh nghiệm cấp huyện, tham gia thanh tra chuyên môn giáo dục cấp huyện...

Nay chuẩn bị về hưu lại chuẩn bị rớt xuống giáo viên hạng III, vì không có chứng chỉ Chức danh nghề nghiệp. Cùng với đó, những minh chứng cho các tiêu chí thuộc Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4 Điều 4. Giáo viên tiểu học hạng II - Mã số: V.07.03.28 thì cái còn, cái mất, tìm không ra”.

Tâm sự của thầy giáo Minh Quý chỉ là một trong hàng trăm ngàn giáo viên trong cả nước cũng có cùng hoàn cảnh khi đã công tác ít nhất trên 20 năm trở lên, đã có biết bao thành tích về chuyên môn, hiện đang ở giáo viên hạng II (theo quyết định thăng hạng năm 2015) nhưng bỗng chốc có nguy cơ xuống hạng III vì không có chứng chỉ Chức danh nghề nghiệp, vì thiếu các minh chứng để chứng minh những nhiệm vụ đã từng làm hoặc có đầy đủ về nhiệm vụ (quy định ở Điều 4) nhưng vừa nghỉ chức vụ tổ trưởng vài năm qua…

Nhiều giáo viên mất cơ hội trụ hạng vì chờ Bộ bỏ chứng chỉ Chức danh nghề nghiệp

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã ký văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức. Trong đó, đáng chú ý có chương trình bồi dưỡng cho giáo viên. [1]

Trước thông tin này, nhiều nhà giáo chưa đi học chứng chỉ Chức danh nghề nghiệp đã dừng lại chờ đợi để đỡ tốn một khoản tiền ít nhất là 2.500.000 đồng.

Tuy nhiên, văn bản của Bộ Nội vụ về việc rà soát chứng chỉ bồi dưỡng đã được ký từ tháng 6/2021 nhưng đến nay đã giữa tháng 10 nhưng vẫn chưa có kết quả gì.

Tại thời điểm này, nhiều địa phương tiếp tục lập danh sách để xét thăng hạng, chuyển xếp hạng cho giáo viên. Bởi thế, những thầy cô giáo vẫn còn chờ thông báo chính thức về việc còn hay hết quy định về chứng chỉ chức danh đã không đủ điều kiện thăng hạng, chuyển xếp hạng mới mà phải xuống hạng trong ấm ức.

Tìm minh chứng cho nhiệm vụ yêu cầu ở các Thông tư 01; 02; 03; 04 như mò kim đáy bể

Cả 4 Thông tư 01; 02;03;04 đều quy định nhiệm vụ của giáo viên từng hạng. Ở bài viết này, chúng tôi chỉ lấy vị dụ về giáo viên tiểu học trong Thông tư 02/2021.

Điều 4. Giáo viên tiểu học hạng II - Mã số: V.07.03.28 quy định giáo viên phải có những nhiệm vụ:

a) Là báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên tiểu học hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp mới từ cấp trường trở lên;

b) Chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên môn/chuyên đề ở tổ, khối chuyên môn; tham gia đánh giá, xét duyệt đề tài nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng của đồng nghiệp từ cấp trường trở lên;

c) Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi, giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh giỏi từ cấp trường trở lên; thực hiện các nhiệm vụ của giáo viên cốt cán trường tiểu học;

d) Tham gia các hoạt động chuyên môn khác như kiểm định chất lượng giáo dục, thanh tra, kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm từ cấp trường trở lên; tham gia hướng dẫn, đánh giá thực tập sư phạm của sinh viên (nếu có).

Khi xét thăng hạng và chuyển xếp hạng, nhiều cơ sở giáo dục đã yêu cầu giáo viên phải đưa ra minh chứng để chứng minh bản thân thầy cô ấy đã làm những nhiệm vụ như vậy.

Với những giáo viên có khoảng 15 năm công tác trở lại đây thì việc đưa minh chứng không có gì khó. Nhưng những thầy cô giáo có thâm niên công tác lâu năm, đặc biệt những thầy cô từ 30 năm trở lên sẽ không thể nào có đủ minh chứng.

Thầy giáo Hồ Minh Quý có 38 năm công tác cho biết: “Mình chỉ giữ những quyết định tăng lương, thâm niên và khen thưởng còn những minh chứng về những nhiệm vụ kia có giữ làm gì, đôi khi có đâu mà giữ?”. Nói rồi thầy Quý cho biết, trong suốt 38 năm công tác, thầy đã trải qua 3 lần thay sách.

Mỗi lần thay sách đều là báo cáo viên cho các lớp học thay sách nhưng làm gì có quyết định riêng mà giữ vì thời đó, cấp trên đưa danh sách chung về trường và nhà trường cử giáo viên đi.

Người viết bài cũng đã nhiều năm làm giám khảo Hội thi giáo viên giỏi cấp trường, người chấm sáng kiến kinh nghiệm của các đồng nghiệp ở nhiều tổ chuyên môn.

Thế nhưng thời ấy, có trường chỉ ghi tên giáo viên làm nhiệm vụ lên bảng tin, đôi khi chỉ nhận lệnh miệng từ hiệu trưởng hoặc hiệu phó chuyên môn chứ chẳng có quyết định nào. Giờ nói phải tìm minh chứng thì biết móc ở đâu ra vì thời gian đã vài chục năm trôi qua.

Có những giáo viên giảng dạy từ 20 năm trở xuống mà chuyển nhiều trường học. Khi yêu cầu đưa minh chứng phải chạy về các trường cũ để xin được lục tìm trong hồ sơ lưu của nhà trường. Cũng có trường còn giữ được các quyết định phân công nhiệm vụ, trường lại không giữ nên vẫn không đủ minh chứng đành chịu xuống hạng trong ấm ức.

Thông tư quy định phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận, nhiều giáo viên giỏi, lớn tuổi bị thiệt thòi

Điều 6. Nguyên tắc bổ nhiệm theo chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên tiểu học quy định rõ:

1. Việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên tiểu học quy định tại Thông tư này phải căn cứ vào vị trí việc làm đang đảm nhận và bảo đảm đạt tiêu chuẩn hạng chức danh nghề nghiệp được quy định tại Điều 3, Điều 4, Điều 5 và quy định tại Điều 7 Thông tư này.

Nhiều giáo giáo có thâm niên làm tổ trưởng chuyên môn, đã đạt được nhiều thành tích trong giáo dục nhưng do lớn tuổi không còn làm tổ trưởng hoặc không được hiệu trưởng bổ nhiệm lại cũng có nguy cơ xuống hạng.

Trong khi đó, một số giáo viên trẻ về kinh nghiệm, về năng lực còn non, thua hẳn nhiều thầy cô giáo khác nhưng được bổ nhiệm tổ trưởng (thường do hiệu trưởng chỉ định) là được lên hạng hoặc đủ tiêu chuẩn chuyển hạng mới có hệ số lương cao hơn hẳn.

Việc ra đời chùm Thông tư 01; 02; 03; 04/2021 /TT-BGDĐT không ngoài mục đích tạo sự công bằng trong giáo dục, trả lương theo đúng năng lực của giáo viên mà trách việc cao bằng như hiện nay.

Nghĩa là, ai giỏi sẽ nhận được sự ưu đãi cao, ai chưa nỗ lực phấn đấu, hiệu quả công việc làng nhàng sẽ không có thu nhập tốt. Từ đó sẽ là động lực để các thầy cô giáo cố gắng phát huy năng lực của mình để giảng dạy và giáo dục học sinh tốt hơn.

Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra hiện nay thì việc giáo viên ở hạng cao hay thấp, được xếp lương nhiều hay ít lại không phụ thuộc vào năng lực mà là chuyện “hên” thì nhờ, “xui” phải ráng chịu. Giáo viên được hưởng lợi nhất là những thầy cô giáo trẻ đang có mức lương ở bậc 2.67; 3.0; 3.33 hoặc ít nhất là 3.66.

Còn phần lớn các giáo viên lớp tuổi, có thâm niên dạy học từ 20 năm trở lên gần như chẳng được gì hoặc có cũng chẳng đáng là bao nhiêu (ví như 3.99 lên 4.0; 4.32 lên 4.34; 4.65 lên 4.66; 4.98 lên 5.02…).

Khi bổ nhiệm, xếp hạng cho giáo viên dẫn tiền lương cao hay thấp mà chỉ nhờ hên và xui, nghĩa là các Thông tư 01;02;03;04/2021//TT-BGDĐT không phù hợp.

Vì thế người viết cho rằng, Bộ Giáo dục cần có yêu cầu các địa phương tạm dừng việc xếp hạng, chuyển lương để rà soát lại các Thông tư này, tránh gây thiệt thòi, bức xúc cho các thầy cô giáo như hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/bo-noi-vu-de-xuat-bo-87-chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-vien-chuc-trong-do-co-giao-vien-741713.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết