Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai dạy học trực tuyến năm học 2021-2022 cho gần 1,5 triệu học sinh từ bậc tiểu học đến trung học phổ thông. Dự kiến hết học kì 1 năm học 2021-2022 học sinh trên địa bàn Thành phố mới có thể đi học trực tiếp.
Chế độ làm việc trực tuyến của giáo viên được tính thế nào?
Ngày 13/10/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành văn bản số 2749/SGDĐT-TCCB về hướng dẫn chế độ làm việc đối với giáo viên trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 năm học 2021 - 2022.
Ngày 13/10/2021, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh ban hành văn bản số 2749/SGDĐT-TCCB về hướng dẫn chế độ làm việc đối với giáo viên trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 năm học 2021 - 2022. (Ảnh do tác giả cung cấp) |
Theo đó, Sở Giáo dục đề nghị hiệu trưởng, thủ trưởng các đơn vị thực hiện các nội dung sau:
Chế độ làm việc của giáo viên cùng với các chế độ chính sách khác liên quan như kiêm nhiệm, thừa giờ… vẫn thực hiện theo các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, vì dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trong học kỳ 1 năm học 2021 - 2022, Sở Giáo dục chỉ đạo các cơ sở giáo dục cho học sinh phổ thông học trực tuyến.
Qua đó, giáo viên thực hiện các công việc như: dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh… thông qua các công cụ trực tuyến như trên Internet, truyền hình.
Do đó, khi xác định chế độ làm việc cho giáo viên, người đứng đầu đơn vị cần căn cứ vào tình hình thực tế việc tổ chức dạy học trực tuyến, giáo dục của nhà trường và các hoạt động cụ thể của giáo viên, hiệu trưởng trao đổi với tổ, nhóm chuyên môn để xác định số tiết thực dạy và tính toán, quy đổi thời gian thực hiện các công việc chuyên môn khác ra tiết dạy, từ đó xác định tổng số tiết dạy của giáo viên, bao gồm cả các tiết quy đổi.
Sở Giáo dục cũng lưu ý, số tiết thực dạy là số tiết giáo viên thực hiện trên thời khóa biểu trực tuyến cộng với số tiết dạy học trên hệ thống quản lý học tập (LMS) của nhà trường theo kế hoạch bài dạy của giáo viên được xây dựng theo kế hoạch giáo dục của tổ, nhóm môn học đã được hiệu trưởng phê duyệt.
Ngoài ra, nếu giáo viên được giao nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình dùng chung cho nhiều nhóm, lớp, nhiều cấp học, dạy phụ đạo cho học sinh… thì hiệu trưởng căn cứ vào điều kiện cụ thể và tính chất công việc để quy đổi cho người tham gia đảm bảo đúng người, đúng việc.
Nhiều tỉnh thành vẫn chưa quy đổi tiết dạy trực tuyến ra trực tiếp
Một số giáo viên bậc phổ thông ở các tỉnh thành chia sẻ với người viết rằng, năm học 2020-2021 có thầy cô dạy online vượt giờ đến 200 tiết nhưng vẫn không được tính phụ trội. Như thế, giáo viên sẽ mất thu nhập khoảng 20 triệu đồng nếu có hệ số lương từ bậc 4, là rất vô lí.
Theo tìm hiểu của người viết, có 4 nguyên nhân chính khiến giáo viên dạy dư giờ không được quy đổi tiết dạy từ trực tuyến sang trực tiếp, đó là:
Thứ nhất, giáo viên bị dồn lớp nên số tiết thực dạy onine giảm xuống, dẫn đến không được tính theo phân phối chương trình. Giáo viên các môn ít tiết như Giáo dục công dân, Thể dục, Giáo dục quốc phòng, Công nghệ… thường bị dồn lớp khi dạy online.
Thứ hai, giáo viên chủ nhiệm bị giảm một nửa số tiết kiêm nhiệm do thời khóa biểu online xếp sinh hoạt chủ nhiệm 1 tiết/tuần vào sáng thứ 2 (xếp đúng là 2 tiết/tuần). Theo quy định hiện hành, giáo viên bộ môn kiêm nhiệm chủ nhiệm thì phải dạy 13 tiết/tuần với bậc trung học phổ thông; 15 tiết/tuần bậc trung học cơ sở.
Thứ ba, bậc trung học cơ sở, trung học phổng thông được giảm tải chương trình theo Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH ban hành ngày 16/9/2021, vậy nên số tiết dạy theo phân phối chương trình bị cắt giảm. Kéo theo giáo viên dạy vượt giờ cũng không được tính thêm tiết dạy theo phân phối chương trình.
Thứ tư, Công văn số 1366/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 22/4/2020 hướng dẫn, việc quy đổi số tiết dạy của giáo viên phải có ý kiến đồng ý bằng văn bản của trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo hoặc giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo – tùy theo bậc học. Có phải đây là lí do khiến hiệu trưởng một số trường học ngại quy trình, thủ tục?
Cách tính tiền lương dạy thêm giờ
Theo hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, việc quy đổi tiết dạy học trực tuyến được xác định tổng số tiết dạy của giáo viên trong năm học 2021-2022 phải đúng với các quy định hiện hành (trong trường hợp có giáo viên có số tiết dạy vượt định mức giờ dạy/năm) theo Thông tư 07/2013TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 8/3/2013.
Cụ thể, khoản 8 Điều 3 “Nguyên tắc tính trả tiền lương dạy thêm giờ” quy định, số giờ dạy thêm được tính trả tiền lương dạy thêm giờ theo quy định tại Thông tư liên tịch này không quá số giờ làm thêm theo quy định của pháp luật.
Còn Điều 4 quy định cách tính tiền lương dạy thêm giờnhư sau (trích):
- Tiền lương dạy thêm giờ/năm học = số giờ dạy thêm/năm học x Tiền lương 01 giờ dạy thêm;
- Tiền lương 01 giờ dạy thêm = Tiền lương 01 giờ dạy x 150%;
- Tiền lương 01 giờ dạy đối với giáo viên cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp và giáo viên, giảng viên cơ sở dạy nghề:
Tiền lương 01 giờ dạy |
= |
Tổng tiền lương của 12 tháng trong năm học |
x |
Số tuần dành cho giảng dạy (dạy trẻ) |
Định mức giờ dạy/năm |
52 tuần |
Đối với nhà giáo làm công tác quản lý hoặc được phân công làm nhiệm vụ tổng phụ trách Đội, cán bộ Đoàn, Hội ở cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, trường trung cấp chuyên nghiệp và cơ sở dạy nghề được tính theo công thức nêu trên, trong đó định mức giờ dạy/năm là định mức giờ dạy/năm của giáo viên cùng bậc học, cấp học, bộ môn của cơ sở giáo dục đó.
Tài liệu tham khảo:
https://hcm.edu.vn/thong-bao/tin-khan-ve-huong-dan-che-do-lam-viec-doi-voi-giao-vien-trong-thoi-gian-phong-c/ctfull/41012/67330
https://moet.gov.vn/van-ban/vbdh/Pages/chi-tiet-van-ban.aspx?ItemID=2693
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Lao-dong-Tien-luong/Thong-tu-lien-tich-07-2013-TTLT-BGDDT-BNV-BTC-huong-dan-che-do-tra-luong-176067.aspx
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.