Không quy đổi dạy trực tuyến, nhiều giáo viên thừa giờ thành "con nợ" tiết dạy

28/09/2021 06:35
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Quy đổi tiết dạy khi dạy trực tuyến, giáo viên chỉ có mong muốn được xác nhận bản thân mình đã dạy đủ tiêu chuẩn quy định, không mắc nợ để không bị cấn trừ vô lý.

Dạy học mùa dịch bệnh, giáo viên nào cũng bị âm số tiết

Dịch Covid bùng phát, học sinh không thể đến trường nên nhiều địa phương tổ chức day học trực tuyến. Tuy nhiên, dạy trực tuyến không giống như dạy học trực tiếp là dạy theo thời khóa biểu dạy học cả ngày (đối với học sinh tiểu học), hoặc dạy đủ các môn, dạy đúng thời lượng đối với học sinh trung học.

Những bài soạn trực tuyến có chất lượng thường là sản phẩm của cả tập thể (Ảnh Đỗ Quyên)

Những bài soạn trực tuyến có chất lượng thường là sản phẩm của cả tập thể (Ảnh Đỗ Quyên)

Có trường chỉ yêu cầu dạy 3 môn chính như Toán, tiếng Việt, ngoại ngữ và cũng chỉ dạy một buổi. Có trường gom lớp, rút thời gian để hạn chế việc giáo viên dạy tràn lan.

Bởi thế, nếu tính theo tiết dạy trực tiếp quy định chuẩn của ngành như giáo viên tiểu học 23 tiết/tuần, giáo viên trung học cơ sỏ 19 tiết/tuần, trung học phổ thông 17 tiết/tuần thì giáo viên nào cũng thiếu chuẩn.

Giáo viên thiếu tiết thì sao? Thì mang nợ đó để khi trở lại trường dạy học trực tiếp sẽ bị cấn trừ nếu giáo viên này dạy tăng giờ. Những giáo viên không dạy tăng giờ (vì trường đủ giáo viên) sẽ không sao hết.

Dạy trực tuyến hay dạy học trên truyền hình không đơn giản là soạn bình thường như những tiết dạy trực tiếp trên lớp. Để những tiết dạy trực tuyến thu hút sự tham gia học tập của học sinh và đạt chất lượng tốt, (đặc biệt là học sinh ở khối lớp thay sách giáo khoa khối 1, khối 2 và khối 6) nhiều trường học đã và đang tổ chức soạn bài theo nhóm tổ chuyên môn.

Ví như giáo viên trong tổ sẽ được phân công từ 2 người trở lên cùng soạn một bài. Mỗi tổ chuyên môn sẽ có nhiều nhóm soạn, sau đó gửi bài đã soạn cho tổ trưởng chuyên môn và các thành viên còn lại của tổ xem, góp ý, chỉnh sửa (nếu có). Sau khi bài giảng đã hoàn chỉnh, giáo viên của tổ sẽ đưa vào kho bài lưu trữ của cả tổ để giảng dạy.

Có trường, giáo viên còn phân công nhau mỗi người phụ trách một vài khâu như nhóm thiết kế bài giảng, nhóm phản biện và hoàn thiện, nhóm trình giảng trước học sinh…

Một tiết dạy trực tuyến, dạy trên truyền hình thường không phải sản phẩm của từng cá nhân mà là sự góp sức của bao người.

Cũng có những trường học tự giáo viên vừa thiết kế bài dạy, vừa dạy trực tuyến. Tuy nhiên, để soạn được một tiết dạy trực tuyến có chất lượng, các thầy cô giáo phải bỏ không ít thời gian và công sức để hoàn thành.

Cũng vì điều này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn số 1366/BGDĐT-NGCBQLGD về việc quy đổi tiết dạy trực tuyến, dạy học trên truyền hình cho nhà giáo.

Tuy nhiên nhiều trường học hiện nay, đã không thực hiện việc quy đổi hoặc mỗi nơi thực hiện mỗi khác ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của nhiều nhà giáo, gây nên nhiều bức xúc dẫn tới khiếu nại kéo dài.

Quy đổi tiết dạy cũng chỉ để đạt đủ tiết dạy chuẩn theo quy định, không phải để nhận tăng giờ

Năm học 2019-2020, học sinh nhiều tỉnh thành nghỉ đến trường vì dịch bệnh. Thực hiện phong trào “dừng đến trường nhưng không ngừng học” của Bộ Giáo dục, giáo viên các trường đã dạy học bằng nhiều hình thức.

Có trường tổ chức dạy trực tuyến, trường quay clip hướng dẫn học sinh tham gia học, trường lại gửi bài trên zalo, tin nhắn, email, đưa bài trực tiếp…Tuy nhiên khi tính tiết dạy, nhiều trường không thực hiện việc quy đổi mà mặc nhiên cho rằng giáo viên vẫn thiếu tiết trong những tuần học sinh không đến trường.

Do không thực hiện việc quy đổi (cách mà nhiều trường đang áp dụng hiện nay) nên món nợ tiết dạy vẫn treo lơ lửng trên đầu các thầy cô giáo. Cũng vì nợ nên nhiều trường đã công khai cấn trừ và xóa sạch bao công sức làm tăng năng xuất của nhiều giáo viên trong gần năm học.

Nghịch lý của việc cấn trừ tiết thiếu mùa dịch

Vì thiếu giáo viên nên nhiều thầy cô phải dạy gấp rưỡi mức quy định, phải làm thêm nhiều công việc khác nhưng do không được quy đổi tiết dạy trong thời gian học sinh học trực tuyến nên nhà trường đã làm phép cấn trừ một cách cưỡng bức đầy oan ức.

Đơn cử tại An Giang năm học 2019-2020, học sinh nghỉ dịch 5 tuần nên giáo viên tiểu học thiếu: 23 (số tiết chuẩn) x 5 tuần= 115 (tiết).

Giáo viên trung học cơ sở thiếu: 19 tiết chuẩn x 5 tuần = 95tiết.

Tại Bình Thuận, năm học 2019-2020, học sinh nghỉ 7 tuần nên giáo viên tiểu học thiếu: 23 (số tiết chuẩn) x 7 tuần = 161 tiết. Giáo viên trung học cơ sở thiếu: 19 x 7 tuần = 132 tiết.

Giáo viên thiếu tiết dạy chuẩn, nếu trường đủ giáo viên sẽ không sao vì sẽ không ảnh hưởng khi lương cứ nhận đủ. Chuyện chỉ thật sự rắc rối xảy ra khi trường học nào đó thiếu giáo viên. Trường càng thiếu giáo viên thì thầy cô giáo càng bị thiệt thòi.

Ví dụ: Trong 28 tuần học sinh học ở trường, cô giáo M. dạy ở trường học không thiếu giáo viên nên cô không có tiết tăng giờ. Dù cô bị thiếu 161 tiết do 7 tuần học sinh nghỉ thì cũng chẳng ảnh hưởng gì, lương cô giáo M. vẫn nhận đủ.

Thế nhưng, thầy giáo H. giáo viên dạy tiểu học đã dạy tăng 160 tiết trong 28 tuần do nhà trường thiếu giáo viên nhưng thầy H. không nhận được tiền tăng giờ vì lý do thầy vẫn còn nợ 161 tiết của 7 tuần học sinh nghỉ vì dịch bệnh.

Thầy giáo H. chỉ là một ví dụ trong hàng trăm giáo viên đều lâm vào tình trạng bị cấn trừ tiền dạy tăng tiết như thế.

Nguyên nhân chính một phần là do các trường học đã không thực hiện đúng việc quy đổi tiết dạy mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn trong Công văn số 1366/BGDĐT-NGCBQLGD.

Một số hiệu trưởng khi được hỏi về việc quy đổi tiết dạy đều cho rằng, do công văn không ghi rõ định mức quy đổi tiết dạy cụ thể nên trường học khó làm. Bởi, mỗi trường quy đổi mỗi mức, mỗi trường làm mỗi kiểu cũng rất khó để phòng giáo dục ký duyệt.

Vì những lẽ đó, giáo viên luôn tha thiết mong muốn được quy đổi tiết dạy trong thời gian dạy trực tuyến để xác nhận rằng các thầy cô giáo đã dạy đúng chuẩn quy định của Bộ Giáo dục.

Thực hiện việc quy đổi tiết dạy theo công văn của Bộ Giáo dục trong thời gian dạy trực tuyến, giáo viên chỉ có mong muốn được xác nhận bản thân mình đã dạy đủ chuẩn theo quy định mà hoàn toàn không mắc nợ nhà trường.

Chúng tôi hoàn toàn không mong cầu được quy đổi để được nhận tiết tăng giờ ngay trong mùa dịch. Có quy đổi, giáo viên mới không phải gánh trên vai món nợ tiết dạy để bị cấn trừ vào những tiết dạy phụ trội (do nhà trường thiếu giáo viên) một cách đầy phi lý.

(*) Văn phong, nội dung bài viết phản ánh góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Đỗ Quyên