Bắt cá phải leo cây, bắt khỉ phải lội nước trong giáo dục là sai lầm

09/02/2019 06:20
Trinh Phúc
(GDVN) - Theo thầy Nguyễn Văn Hòa: “Giáo dục không phải đào tạo đồng loạt như nhau mà giáo dục phải quan tâm đến từng chủ thể con người”.

Chương trình giáo dục phổ thông mới hiện đang là vấn đề quan tâm của giáo viên và những người làm công tác quản lý giáo dục.

Nhiều người trăn trở, băn khoăn thậm chí là hoài nghi về sự thành công của chương trình lần này.

Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thì thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội cho rằng, chương trình mới có nhiều nét mới để hy vọng.

Thầy Nguyễn Văn Hòa Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội (ảnh Trinh Phúc).
Thầy Nguyễn Văn Hòa Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội (ảnh Trinh Phúc).

Thầy Hòa chia sẻ, ông rất coi trọng, hứng thú với sự mới mẻ của chương trình phổ thông mới vì nhận thấy được nhiều điểm mới, đặc sắc.

Theo thầy Hòa, chương trình phổ thông mới đã thể hiện đầy đủ, sâu sắc tinh thần đổi mới căn bản, toàn diện của Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng.

Điều cơ bản nhất là chương trình mới đã đưa giáo dục thoát khỏi tình trạng nặng về cung cấp kiến thức, chuyển sang nền giáo dục coi trọng con người, hướng tới sự phát triển con người, hướng sự hình thành phẩm chất và năng lực.

Cũng theo thầy Hòa, chương trình này đã khắc phục được nhược điểm bình quân chủ nghĩa, tư duy không coi trọng từng cá thể riêng biệt con người trong giáo dục.

Bắt cá phải leo cây, bắt khỉ phải lội nước trong giáo dục là sai lầm ảnh 2Cứ áp lực, nhồi nhét kiến thức thì học trò ra đời sẽ ngớ ngẩn

Bây giờ, chương trình mới đã quan tâm đến từng cá thể con người, quan tâm đến từng học sinh, từng con người một.

Giải thích thêm, thầy Hòa cho rằng: “Giáo dục không phải đồng loạt như nhau mà giáo dục phải quan tâm đến từng chủ thể con người”.

Một điểm mới nữa theo thầy Hòa, chương trình đã kiên quyết giảm bớt các môn học bắt buộc, tăng cường các môn học tự chọn, dạy học theo chủ đề.

Việc tăng cường sự tự chọn và chủ đề để hướng tới sự phát triển khả năng nổi trội của từng học trò, thiên hướng của từng học em để định hướng phát triển thêm thiên hướng đó.

“Bắt mọi học trò phát triển như nhau chẳng khác gì bắt cá phải leo cây, bắt khỉ phải lội nước” – thầy Hòa nhấn mạnh.

Bình luận về chương trình mới, thầy Hòa cho biết thêm, ở bậc trung học cơ sở đã bắt đầu xuất hiện một số môn tự chọn và đến trung học phổ thông thì chỉ còn 5 môn bắt buộc còn lại phần lớn là các môn tự chọn, theo chuyên đề, theo chủ đề theo năng lực, khả năng người học.

Nguyên lý giáo dục của Đảng ta là nhà trường dạy chữ, dạy người và dạy nghề luôn luôn phải gắn liền với nhau.

Chương trình lần này, ở cấp học trung học phổ thông được xác định là cấp định hướng nghề nghiệp. Những môn học, cách lựa chọn học sinh nhằm hướng tới định hướng nghề nghiệp sau này.

Việc học sinh được hướng nghiệp khi còn ngồi ghế nhà trường thì sau này sẽ có một lực lượng lao động sáng tạo, dồi dào.

Cũng theo thầy Hòa, nếu học hết 12 năm không biết gì về nghề nghiệp mà chỉ là lý thuyết thôi thì sau này 18 tuổi các con làm sao vào đời được, làm sao lao động sáng tạo được đồng nghĩa với việc cả nước sẽ không có lực lượng lao động dồi dào và sáng tạo.

Bắt cá phải leo cây, bắt khỉ phải lội nước trong giáo dục là sai lầm ảnh 3Triết lý giáo dục phải vì sự phát triển con người

Một điểm mới nữa thầy Hòa rất tâm đắc đó là chương trình mới đề cao phương pháp dạy học. Chương trình mới rất coi trọng trải nghiệm và trải nghiệm là một nội dung hoàn toàn mới mang tính bắt buộc.

“Theo tôi nghĩ trải nghiệm là thực hành, là liên hệ với thực tế. Vì phải được trải qua thực tế thì mới đúc rút được kinh nghiệm chứ không phải chỉ lý thuyết đơn thuần.

Học lịch sử cũng phải trải nghiệm, học lý cũng trải nghiệm… tôi nghĩ đó là cái mới trải nghiệm là phương pháp bắt buộc sẽ giúp chúng ta thoát kiểu dạy học lý thuyết qua đó sẽ tạo ra lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế” – thầy Hòa nói.

Cuối cùng thầy Hòa cho rằng: “Trong định hướng nghề nghiệp, chương trình bắt đầu coi trọng bộ môn công nghệ và tin học, các bộ môn âm nhạc và nghệ thuật.

Lâu nay, môn công nghệ, tin học đặc biệt là âm nhạc, nghệ thuật không được coi là những môn quan trọng. Bây giờ là thời đại của 4.0, của nền văn hóa phát triển thì việc đưa chương trình lần này là một sự sáng suốt”.

Trinh Phúc