Thực hiện chương trình mới, học sinh có còn bỏ học?

06/01/2019 00:41
BÙI NAM
(GDVN) - Nếu thực hiện chương trình mới không khắc phục được tình trạng học sinh bỏ học hay nếu học sinh bỏ học tăng cao thì rõ ràng chương trình mới không đạt mục tiêu

LTS: Đặt ra câu hỏi "Thực hiện chương trình mới, học sinh có còn bỏ học?", thầy Bùi Nam cho rằng, chúng ta cần phải hạn chế bệnh thành tích, dạy thêm, lạm thu… trong ngành giáo dục.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trẻ em chính là tương lai của đất nước, của mỗi dân tộc. Việc bỏ học của các em học sinh không chỉ là nỗi lo của ngày hôm nay mà sẽ còn ảnh hưởng đến sự phát triển của tương lai.

Các em bỏ học sớm sẽ làm gì, đi đâu, về đâu?

Làm thế nào để giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học trong giai đoạn hiện nay là vấn đề cần được quan tâm?

Thực hiện chương trình mới, học sinh có còn bỏ học? ảnh 1
Thực hiện chương trình mới, học sinh có còn bỏ học? (Ảnh minh họa: TTXVN).

Hiện nay, các trường học đang tiến hành sơ kết học kỳ I về chất lượng học sinh và thống kê số lượng học sinh bỏ học ở các cấp học, bậc học.

Theo các báo cáo trong những năm gần đây, học sinh bỏ học ở các trường phổ thông nhất là ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông rất nhiều.

Theo thống kê mỗi năm học cả nước có hàng chục ngàn học sinh bỏ học, nếu không có những giải pháp quyết liệt để ngăn chặn kịp thời thì sẽ có thêm nhiều học sinh bỏ học, sẽ có nhiều người tái mù chữ trong tương lai.

Theo thống kê học sinh bỏ học tại một số địa phương như sau, tại Bắc Kạn năm học 2016-2017 học sinh trung học phổ thông bỏ học là 229 em, trung học cơ sở là 110 em, tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên của huyện là 145 em.

Tại Quảng Trị năm học 2017 – 2018 có 643 học sinh bỏ học, tại Tây Ninh năm học 2017 – 2018 có 543 học sinh bỏ học, tại Đắk Lắk cũng có hơn 500 học sinh bỏ học…tính chung cả nước có 63 tỉnh (thành phố) sẽ có hàng trăm ngàn học sinh bỏ học mỗi năm.

Sinh thời, hoài bão lớn nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” và Người đã dành trọn cả cuộc đời cho việc thực hiện hoài bão ấy.

Nếu thực hiện chương trình mới mà không khắc phục được tình trạng học sinh bỏ học, hay nếu học sinh bỏ học không giảm mà tăng cao thì rõ ràng chương trình mới không đạt mục tiêu.

Thực hiện chương trình mới, học sinh có còn bỏ học? ảnh 2Xin cô, đừng cho con lên lớp ạ!

Học sinh trên 15 tuổi đã bỏ học 50%

Gần đây, bình luận về chất lượng giáo dục Việt Nam, Tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) nhận định so với các nước láng giềng ở Đông Nam Á, giáo dục Việt Nam tỏ ra trội hơn hẳn.

Bảng xếp hạng của WB (Ngân hàng thế giới) đánh giá Việt Nam có nền học tập rất tốt, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) xếp hạng chỉ số đổi mới toàn cầu – Gil thì Việt Nam xếp thứ 18/126 quốc gia về giáo dục.

Tất nhiên những kết quả trên về giáo dục là rất đáng mừng, đáng tự hào về một đất nước đang phát triển, có sự cố gắng của nhiều giáo viên và học sinh học giỏi.

Tuy nhiên, một nhà quan sát cho rằng kết quả này bị ảnh hưởng vì vấn đề lấy mẫu bài thi, bởi vì những học sinh được lấy kết quả cho chương trình đánh giá lại là những học sinh có điều kiện và học giỏi, vì thế mà kết quả tổng thể được đẩy lên.

Bên cạnh đó, theo các nhà quan sát nhìn nhận đối tượng học sinh đến 15 tuổi đã bỏ học lên đến 50% mà đối tượng bỏ học chủ yếu là học sinh yếu kém nên kết quả trên cũng mang lại lo lắng trong tương lai.

Một mặt là trình độ chất lượng cao có thể tăng cao nhưng xã hội sẽ gặp nhiều “nghịch lý” người đã bỏ học khá nhiều nên sẽ có nhiều người thất nghiệp, xã hội sẽ có nhiều tệ nạn, tội phạm, hư hỏng…

Theo nhận định trên, học sinh đến 15 tuổi bỏ học trên 50% là thực trạng rất đáng lo ngại, thậm chí báo động.

Căn cứ kết quả thực tiễn về hiệu quả đào tạo, cụ thể là lấy số liệu học sinh vào lớp 1 trong cả nước, tiếp theo lấy số liệu học sinh còn học ở lớp 2, 3… đến năm cuối của chương trình phổ thông là lớp 12, lấy tổng số lượng học sinh còn học ở lớp 12 chia cho tổng số học sinh lớp 1 ở trên, thì sẽ cho ra kết quả là hiệu quả đào tạo sẽ đến trên 50%.

Đây là một thực trạng báo động, tại một đất nước mà có đến trên 50% thanh niên dưới 18 tuổi không còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, hay các trường nghề…

Các cấp, các ngành phải tập trung vào cuộc giải quyết việc bỏ học trên một cách quyết liệt và hiệu quả, phải xem đây là ưu tiên số một trong giáo dục, nếu không nước ta sẽ thụt lùi so với các nước trên thế giới

Thực hiện chương trình mới, học sinh có còn bỏ học? ảnh 3Bao giờ học sinh mới có quyền lưu ban?

Nguyên nhân học sinh bỏ học

Theo tôi có rất nhiều nguyên nhân nhưng tôi xin được nêu các nguyên nhân chính sau đây:

Thứ nhất, bỏ học do áp lực thành tích, học sinh “ngồi nhầm lớp”.

Áp lực thành tích hiện nay đã ăn sâu vào tiềm thức của mọi người, nói đến giáo dục là nhiều người nghĩ ngay đến những thành tích “ảo”.

Ví áp lực thành tích nên hầu như ở khối học nào cũng có học sinh ở lại, học sinh xem như mất quyền được lưu ban, do thành tích các trường, các trường còn lấy đó làm tiêu chí để xét thi đua nên trường nào cũng ra sức “lùa” học sinh lên lớp bằng mọi giá.

Có những câu chuyện, gia đình học sinh viết đơn xin cho con em họ được ở lại lớp để củng cố kiến thức nên cả trường phải họp hội đồng để xét.

Kết quả cuối cùng em học sinh đó không được ở lại vì ở lại thì giáo viên chủ nhiệm và trường bị cắt thi đua, nên họ tiếp tục xin gia đình cho học sinh được lên lớp... và học sinh đó tiếp tục bị đẩy lên những lớp tiếp theo mà kiến thức không có và hậu quả có thể em học sinh đó sẽ bỏ học.

Chúng ta không dạy kiến thức thật, không đánh giá thực chất mà xét kết quả thi đua giữa các trường chủ yếu ở chất lượng, báo cáo cao mà không hề đánh giá chất lượng thật học sinh đạt gì, cũng không đơn vị nào dám công khai số học sinh “ngồi nhầm lớp”, có học sinh hầu như chỉ có nhiệm vụ vô lớp ngồi và lên lớp.

Nên nhiều học sinh “ngồi nhầm lớp”, học sinh vô lớp xem như bị bỏ rơi... học sinh sẽ dễ chán nản, mặc cảm, tự ti…nên bỏ học nhiều là tất yếu.

Tôi cho rằng, đây là nguyên nhân chính khiến học sinh bỏ học nhiều như hiện nay.

Thứ hai, do lạm thu, dạy thêm.

Quan sát một số nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới hiện nay như: Phần Lan, Úc, Mỹ…hay Cuba thì số học sinh bỏ học rất ít.

Ở đó, học sinh học ở trung học phổ thông được nhà nước chăm lo và hỗ trợ học tập tối đa, học sinh được mượn sách, được miễn các khoản học phí, được đánh giá đúng chất lượng thật, tạo điều kiện việc làm…

Thực hiện chương trình mới, học sinh có còn bỏ học? ảnh 4Nếu học sinh không được lên lớp, giáo viên phải đem về nhà dạy

Ở các nước trên giáo viên dạy trên lớp thu nhập khá cao và hầu như không có giáo viên nào dạy thêm cho học sinh của mình.

Ở nước ta, Chính phủ đứng đầu là Thủ tướng chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành dành toàn lực cho giáo dục, hạn chế học sinh bỏ học.

Gần đây là đề xuất chính sách miễn học phí cho học sinh mầm non 5 tuổi, miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở, tạo điều kiện cho mọi người đều được đi học, không còn tình trạng học sinh bỏ học do hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đóng học phí…

Chính phủ còn có rất nhiều chính sách khác chăm lo cho điều kiện vật chất và tinh thần để mọi học sinh đều được đến trường.

Chính phủ chăm lo như vậy nhưng ở nhiều địa phương có nhiều vị Hiệu trưởng lại “đẻ” ra những chiêu trò để tận thu, lạm thu bằng mọi cách như đóng tiền dụng cụ học tập, tiền đồng phục (có nơi còn đồng phục cả viết, nón, giày, dép…), tiền vệ sinh, tiền mua sắm Tivi, máy chiếu…có nơi còn tận thu tiền để trả lương bảo vệ, tiền mua quà tặng giáo viên, lãnh đạo trường…đúng là muôn kiểu tận thu, vắt kiệt sức gia đình học sinh.

Từ đó dẫn đến nhiều gia đình sợ cho con đi học, nhiều gia đình hoàn cảnh khó khăn, hay do gặp biến cố…thì đành cho con bỏ học.

Do đó, tôi cho rằng lạm thu là một nguyên nhân khiến học sinh bỏ học.

Hiện nay, còn rất nhiều gia đình học sinh có điều kiện học tập khó khăn, nhiều gia đình lo từng bữa ăn chưa đủ nên họ đành cho con bỏ học dù biết ước mơ tương lai còn dang dở.

Nhiều em còn đam mê học tập nhưng phải rời xa môi trường giáo dục, bỏ qua niềm hy vọng về tương lai tươi sáng hơn.

Bên cạnh đó, thực trạng giáo viên dùng chiêu trò để o ép học sinh học thêm còn quá nhiều khiến nhiều học sinh sợ học thêm, sợ đến trường, sợ bị phân biệt đối xử nếu không có tiền học thêm... đã tạo ra một gánh nặng quá lớn cho nhiều gia đình.

Lạm thu thì không phải trường nào cũng có, còn vấn đề o ép học sinh học thêm thì hầu như trường nào cũng có.

Học sinh học thêm thì được nuông chiều, được điểm số cao (do đóng tiền) học sinh không học thì bị đì, bị o ép, bị xúc phạm, bị phân biệt đối xử…dẫn đến mặc cảm, tự ti… nhưng gia đình thì không có đủ chi phí trang trải cho mọi thứ trong đó có học thêm nên đành cho học sinh nghỉ học.

Thực hiện chương trình mới, học sinh có còn bỏ học? ảnh 5Có cho học trò lưu ban được không?

Đến khi nào dẹp được dạy thêm từ chính các thầy cô trong trường thì mới hy vọng trả lại sự công bằng, trả lại môi trường giáo dục trong sạch, nghề giáo khi đó mới đúng nghĩa là một nghề cao quý.

Từ đó, cũng giúp hạn chế một khoản chi phí cho các gia đình học sinh, bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Có giải pháp nào hạn chế học sinh bỏ học khi thực hiện chương trình mới không?

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo thông qua chương trình giáo dục phổ thông mới  trong đó có rất nhiều điểm mới, môn mới… trong đó có quy định về đánh giá về năng lực và phẩm chất…

Nhưng, những giải pháp cụ thể để hạn chế bệnh thành tích, dạy thêm, lạm thu…tức giải pháp để hạn chế học sinh bỏ học vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức.

Nếu không hạn chế được học sinh bỏ học là mục tiêu của giáo dục không đạt, không thực hiện được ý nguyện của Bác “ai cũng được học hành”.

Thay vì giáo viên chạy theo thành tích, chạy theo tỷ lệ duy trì sĩ số, thay vì học sinh bỏ học, giáo viên phải đến tận nhà vận động mà thực chất “năn nỉ” học sinh trở lại cho giáo viên, trường đạt chỉ tiêu hay muốn học sinh nghỉ học cha mẹ học sinh ký tên 3 lần vào biên bản vận động học sinh bỏ học, thì hy vọng chương trình phổ thông mới giáo viên không còn ám ảnh việc đến nhà học sinh vận động.

Thay vào đó là việc học sinh hào hứng với việc đến trường, mơ ước được đến trường mỗi ngày, mong được học điều hay lẽ phải… thì sẽ không bao giờ có việc nghỉ học.

Rất mong khi thực hiện chương trình mới phải thể hiện tính ưu việt, hấp dẫn để mọi học sinh đều yêu thích chương trình, yêu thích môn học, yêu thích đến trường.

Làm sao nhà trường không chỉ dạy kiến thức suông mà còn là nơi sinh hoạt, lao động, vui chơi bổ ích… một cách khoa học và phù hợp để tạo cho học sinh có động cơ, thái độ học tập đúng đắn, mơ ước mỗi ngày được đến trường học điều hay lẽ phải, học cách sống, cách làm người…đó mới chính là mục tiêu cao cả nhất của giáo dục, là điều cần nhất trong giai đoạn hiện nay.

Thực hiện chương trình mới, học sinh có còn bỏ học? ảnh 6Thầy cô "dân túy, ngại đổi mới" sẽ không theo được chương trình mới

Chương trình giáo dục phổ thông mới có giải quyết được vấn đề học sinh bỏ học không? Câu hỏi này xin chuyển đến Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cấp lãnh đạo, quản lý.

Có thể tham khảo và áp dụng một số biện pháp như một số nước, quyền được học là quyền ưu tiên số một của học sinh.

Ai ngăn cản các em đến trường kể cả cha mẹ, thầy cô đều có thể bị xử phạt thật nặng, thậm chí đi tù.

Phải nghiêm cấm những nơi nhận trẻ em dưới 18 tuổi vào làm công nhân, lao động, gia đình nào có học sinh bỏ học sẽ bị cắt các khoản hỗ trợ của xã hội, cắt các khoản trợ cấp…sẽ hạn chế được học sinh bỏ học.

Để học sinh học tại trường hoặc trường giáo dưỡng đều chung mục đích là giúp các em đủ nhận thức chín chắn về vai trò, nhiệm vụ, tầm quan trọng của việc học, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội hiện đại văn minh, tiến bộ.

Đất nước sẽ tiến bộ, xã hội sẽ văn minh, môi trường sẽ cải thiện, không còn tệ nạn xã hội như trộm, cướp, ma túy… nếu tất cả mọi người đều được học tập đầy đủ như ý nguyện của Bác.

BÙI NAM