Trình bày báo cáo giám sát giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri tại Quốc hội, bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng ban Dân nguyện cho biết: Về vấn đề tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia và xét tuyển sinh đại học, cử tri Thành phố Hà Nội cho rằng, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn thay đổi đề án thi Trung học phổ thông Quốc gia và xét tuyển sinh đại học làm ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh và học sinh, đề nghị có giải pháp lâu dài để khắc phục những bất cập này.
Cử tri một số tỉnh Tiền Giang, Hà Nam, Thái Bình, Đắk Lắk... phản ánh rất bất bình trước hiện tượng gian lận trong thi cử xảy ra ở các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La, yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết trách nhiệm trong vấn đề này và các giải pháp khắc phục hậu quả?
Tiếp thu ý kiến cử tri, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, Bộ đã tổ chức rà soát, đánh giá toàn bộ các khâu của quy trình tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia để hoàn thiện phương án tổ chức kỳ thi.
Ngày 4/12/2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra thông báo nêu rõ, kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia năm 2019 sẽ được giữ ổn định về phương thức tổ chức như năm 2017 và năm 2018, đồng thời thực hiện một số điều chỉnh kỹ thuật trong quy trình tổ chức thi nhằm khắc phục triệt để hạn chế, bất cập, đặc biệt là hiện tượng gian lận, đảm bảo tổ chức kỳ thi được khách quan, an toàn, nghiêm túc.
Đối với công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019, về cơ bản giữ nguyên phương án xét tuyển như năm 2017 và năm 2018.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn trả lời kiến nghị cử tri một số địa phương về các giải pháp để khắc phục tình trạng dạy thêm, học thêm; việc cải cách, đổi mới giáo dục; về thay đổi sách giáo khoa; về chế độ đối với giáo viên mầm non...
Bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Dân nguyện trình bày báo cáo tại Quốc hội. ảnh: quochoi.vn |
Một vấn đề khác liên quan đến quyền lợi của người dân đã được quy định trong các văn bản pháp luật nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện chưa đồng bộ, chưa được thường xuyên thanh tra, kiểm tra phát hiện nên người dân chưa được thụ hưởng đã được phát hiện và xử lý.
Đó là việc miễn 100% học phí cho sinh viên người dân tộc Khmer thuộc hộ nghèo trong các trường đại học công lập.
Cử tri tỉnh Kiên Giang phản ánh hiện nay Trường đại học Cần Thơ thực hiện giảm 70% còn Trường đại học Y Cần Thơ thực hiện miễn 100% học phí cho học sinh là người dân tộc Khmer thuộc diện hộ nghèo, cử tri kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chỉ đạo thực hiện thống nhất để đảm bảo công bằng.
Trả lời vấn đề này Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu, theo quy định của pháp luật thì đối tượng học sinh thuộc hộ nghèo người dân tộc Khmer đang theo học tại các trường đại học công lập được miễn 100% học phí.
Như vậy, mặc dù nhà nước đã có chính sách rõ ràng miễn 100% học phí nhưng trên thực tế một số sinh viên người dân tộc Khmer lại chưa được hưởng chính sách ưu đãi này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên việc thực hiện các chính sách trên dẫn đến quyền lợi các em bị ảnh hưởng suốt 3 năm qua (kể từ năm 2016).
Nóng chuyện an toàn thực phẩm và bạo lực học đường
Bên cạnh đó, vấn đề an toàn thực phẩm trong trường học cũng đang được đông đảo cử tri quan tâm.
Mặc dù Bộ Y tế đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp để giải quyết những vấn đề mà cử tri nêu, tuy nhiên tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm an toàn thực phẩm vẫn diễn ra ở nhiều địa phương, đặc biệt thời gian qua nổi lên trong trường học còn nhiều bất cập.
Theo luật An toàn thực phẩm đây là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, Ban giám hiệu nhà trường và Ban Phụ huynh thực hiện vai trò giám sát, kiểm soát nhưng trên thực tế sự phối hợp không rõ ràng dẫn đến nguồn thực phẩm đưa vào trường học khó kiểm soát, xảy ra nhiều vụ việc thực phẩm kém chất lượng bị đưa vào sử dụng trong trường học ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh khiến phụ huynh hoang mang lo lắng, nhưng khi xảy ra sự việc khó quy trách nhiệm để xử lý.
Cử tri kiến nghị Bộ Y tế cần tích cực thanh tra kiểm tra nguồn thực phẩm đưa vào trường học; phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân các địa phương nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định để quản lý chặt chẽ khoa học hơn trong lĩnh vực này làm căn cứ để xử lý khi có vi phạm.
Về nạn bạo lực học đường cũng được cử tri nhiều địa phương đề cập qua một số kỳ họp, đồng thời cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị tại kỳ họp thứ 6 vừa qua, yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; sớm trình cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định về văn hóa ứng xử trong các cơ sở giáo dục.
Tiếp thu kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục triển khai đầy đủ, nghiêm túc các quy định về giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường; rà soát, tích hợp lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên vào trong các môn học chính khóa; đưa kiến thức môn Giáo dục công dân thành môn thi chính thức trong kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia; nâng cao hiệu quả các hoạt động giáo dục và trải nghiệm cho học sinh; tăng cường an ninh, an toàn trường học, xây dựng văn hóa học đường; thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông.
Đặc biệt Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1299/QĐ-TTg ngày 03/10/2018 phê duyệt Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025.
Tuy nhiên từ thực tiễn cho thấy, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tích cực triển khai thực hiện nhiều biện pháp như đã nêu trên nhưng hiệu quả còn chưa cao nên tình trạng bạo lực học đường vẫn tiếp tục diễn ra ở nhiều địa phương trên phạm vi cả nông thôn và thành thị, có dấu hiệu gia tăng kể cả số lượng và mức độ nghiêm trọng đối với từng vụ việc gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý học sinh và phụ huynh.
Trước đó, trình bày báo cáo của Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết: Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu về tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương. Quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và triển khai thi hành Luật Giáo dục (sửa đổi) sau khi được Quốc hội thông qua.
Tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển sinh đại học năm 2019; kiên quyết không để xảy ra sai phạm, gian lận thi cử. Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nghề chất lượng cao. Tăng cường an ninh, an toàn trường học; xây dựng văn hóa học đường, trang bị kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên.
Thực hiện hiệu quả các chính sách, huy động các nguồn lực hỗ trợ phát triển giáo dục cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa.