Bộ giáo dục đừng làm cô bảo mẫu, mà phải là chuyên gia hoạch định chiến lược

21/07/2016 08:17
Gs Nguyễn Minh Thuyết
(GDVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo không cần đóng vai bảo mẫu, mà phải tập trung vào việc hoạch định chiến lược giáo dục quốc dân, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

LTS: Vụ việc sa thải hàng loạt giáo viên hợp đồng ở Vĩnh Lộc, Thanh Hóa đã bộc lộ nhiều lỗ hổng về chính sách và gây bức xúc trong dư luận.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về vấn đề này, xin trân trọng giới thiệu đến quý bạn đọc.

Ngày 12/7, chương trình Chuyển động 24h của VTV phát phóng sự về vụ việc 376 giáo viên hợp đồng ở huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa bị UBND huyện này đột ngột dừng hợp đồng, trong đó nhiều người nói rằng đã phải chạy vạy từ 50 đến 100 triệu đồng để có được một "suất giáo viên hợp đồng" khiến dư luận đặc biệt quan tâm, bức xúc.

Trước đó ngày 11/6, báo Xây Dựng đưa tin: "Thanh tra Nhà nước tỉnh Nghệ An có kết luận về nhiều sai phạm của lãnh đạo huyện Yên Thành trong công tác tuyển dụng cán bộ, viên chức.

Kết luận thanh tra vừa ráo mực, những cá nhân, sai phạm chưa bị xử lý thì ông Nguyễn Tiến Lợi, khi đó là Chủ tịch UBND huyện lại bất chấp quy định, tiếp tục cho phép ký hợp đồng trái luật đối với 55 trường hợp giáo viên, trước khi ông về hưu vài tháng.

Trong lĩnh vực giáo dục từ trước 2010 đến 2015, Yên Thành đã ký hợp đồng trái luật với 432 trường hợp. Trong đó bậc mầm non là 114 trường hợp, tiểu học 162 trường hợp và trung học cơ sở là 156 trường hợp.

Tất cả các trường hợp này đều được ký kiểu “tay ngang”, không qua tuyển dụng (xét tuyển hoặc thi tuyển), không được UBND tỉnh cho phép."

Và cách đây 3 năm, ngày 6/5/2014, Báo điện tử Vietnamnet đưa tin: "Hơn 300 giáo viên có thâm niên tại các trường tiểu học và THCS tại huyện Yên Phong (tỉnh Bắc Ninh) đã bị cắt hợp đồng giảng dạy để thay thế người mới."

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, ảnh: Thùy Linh / GDVN.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, ảnh: Thùy Linh / GDVN.

Đặc điểm chung của 3 vụ sa thải quy mô lớn này là: (1) hợp đồng tuyển dụng do người tiền nhiệm ký và bị người kế nhiệm hủy bỏ;

(2) do áp lực từ dư luận và báo chí, chính quyền địa phương cấp huyện, cấp tỉnh nơi xảy ra sự vụ phải đứng ra thu xếp phương án giải quyết.

Trong vụ việc ở huyện Vĩnh Lộc, dư luận hoan nghênh ý kiến chỉ đạo của ông Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và hy vọng vụ việc sẽ có kết thúc có hậu như những vụ tương tự đã diễn ra ở các địa phương khác. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần vào cuộc  

Vấn đề đặt ra là: Vì sao những vụ ký hợp đồng - hủy hợp đồng đối với hàng trăm giáo viên như vậy cứ diễn ra liên tục từ tỉnh này qua tỉnh khác, năm nọ tới năm kia? Cần làm gì để hiện tượng đó không tái diễn? 

Chỉ tính riêng 3 huyện ở 3 tỉnh khác nhau, con số “nạn nhân” đã lên tới trên 1.000 giáo viên. Đây không còn là “chuyện nhỏ” ở một địa phương mà liên quan đến chính sách về nhân lực nói chung, chính sách đối với nhà giáo nói riêng. 

Những câu hỏi đã nêu chỉ có thể có lời đáp nếu các cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương về nhân lực là Bộ Nội vụ, về giáo dục là Bộ Giáo dục và Đào tạo vào cuộc. 

Nếu các cơ quan này không vào cuộc, những vụ việc tương tự sẽ còn lặp đi lặp lại, gây đau khổ cho giáo viên trong cuộc, gây bức xúc cho dư luận, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định cục bộ.

Đó là chưa kể “trò chơi mèo vờn chuột” ký hợp đồng - hủy hợp đồng còn tạo cơ hội cho một bộ phận quan chức địa phương trục lợi bất chính.

Thiết nghĩ, với chức năng, nhiệm vụ được giao, các cơ quan nói trên, mà trước hết là Bộ Giáo dục và Đào tạo (nơi có cả cơ quan phụ trách chính sách nhân lực là Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và cơ quan thanh tra chuyên ngành là Thanh tra giáo dục) cần lên tiếng, vào cuộc thanh tra ngay.

Bộ cần tìm hiểu xem tại sao các địa phương có thể dễ dàng ký hợp đồng lao động với hàng loạt giáo viên rồi đồng loạt sa thải họ như thế, để tham mưu cho Chính phủ đề ra những giải pháp căn cơ, giữ nghiêm phép nước, đồng thời đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Qua khảo sát thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần phân tích để điều chỉnh những quy định chưa phù hợp, ví dụ quy định về biên chế và chế độ đãi ngộ đối với giáo viên. 

Theo Thông tấn xã Việt Nam ngày 22/12/2015: "Tỉnh Hậu Giang hiện có 84 trường mầm non với 2.043 cán bộ, giáo viên.

Trên thực tế, giáo viên biên chế không đủ để đảm nhiệm số trẻ, số lớp đã huy động.

Vì thế, để đảm bảo việc dạy và học trong năm học 2015-2016, ngành giáo dục phải ký hợp đồng với 455 giáo viên mầm non. 

Khó khăn đối với Hậu Giang và các tỉnh thành nói chung là chưa có sự nhất quán trong thực hiện các chế độ đối với viên chức hợp đồng như: thời gian hợp đồng, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động. 

Bên cạnh đó, ngân sách của cấp huyện không đảm bảo chi trả, chủ yếu phải dựa vào sự hỗ trợ của tỉnh, mà với những tỉnh nghèo như Hậu Giang thì để có thể hỗ trợ cho cấp huyện, tỉnh cũng gặp không ít khó khăn."

3 năm trước, sự việc đột ngột cắt hợp đồng của hơn 300 giáo viên huyện Yên Phong, Bắc Ninh đã làm dậy sóng dư luận. Ảnh: VTV.
3 năm trước, sự việc đột ngột cắt hợp đồng của hơn 300 giáo viên huyện Yên Phong, Bắc Ninh đã làm dậy sóng dư luận. Ảnh: VTV.

Tuy nhiên, ở một góc độ khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần chỉ ra hiện tượng hợp đồng kiểu “gửi chân”.  Như tác giả Khánh Văn đã chia sẻ trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 11/7, có nhiều giáo viên hợp đồng được tuyển chỉ để dạy mỗi tuần 4 tiết và mỗi tiết được hưởng 10.000 đồng.

Rõ ràng là những hợp đồng kiểu này chỉ tạo điều kiện để người được tuyển “gửi chân” vào cơ quan nhà nước mà thôi; còn để sống thì người ta phải nhờ vào nghề chính không phải nghề dạy học.

Bộ Giáo dục và Đào tạo cần kiểm soát biên chế và ngân sách giáo dục

Về biên chế, cả Bộ Giáo dục và Đào tạo lẫn Bộ Nội vụ đều có những quy định cụ thể, nhưng sự việc vừa dẫn về giáo dục mầm non ở tỉnh Hậu Giang cho thấy có thể những quy định này không còn phù hợp với thực tiễn.

Nếu đối chiếu với chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sĩ số không quá 35 học sinh một lớp thì ở các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, rất nhiều nơi thiếu giáo viên vì nhiều lớp học sĩ số lên tới 50 - 60 học sinh một lớp.

Lớp học đông như thế thì giáo viên khó có thể tổ chức hoạt động cho học sinh theo phương pháp dạy học mới, khó sâu sát với học sinh, và do đó, khó có thể nói đến chuyện đảm bảo chất lượng dạy, học.

Đã đến lúc Bộ Giáo dục và Đào tạo cần chủ động nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ về biên chế giáo viên cho phù hợp với chuẩn về sĩ số trong lớp học.

Cũng cần nói thêm là chuẩn về sĩ số mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra còn cách xa chuẩn của các nước phát triển: Ở những nước này, mỗi lớp chỉ có từ 20 đến 25 học sinh. 

Có tính toán lại biên chế nhân lực cho ngành giáo dục một cách phù hợp với yêu cầu thực tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo mới hoạch định được việc đào tạo nhân lực cho ngành sư phạm.

Khoảng chục năm trở lại đây các trường đại học mở ra ồ ạt, cử nhân ngành nào cũng thừa, trong khi chất lượng cử nhân ra trường không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, xã hội. 

Các ngành đều phải tính toán lại kế hoạch đào tạo cho phù hợp hơn với nhu cầu của thị trường lao động. Điều này phụ thuộc vào kết quả dự báo sự phát triển của nền kinh tế và nhu cầu của thị trường lao động – một công việc không dễ dàng. 

Nhưng riêng đối với ngành sư phạm thì Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn toàn có thể tính toán và điều chỉnh được dựa trên các số liệu thực tế về số giáo viên, học sinh, trường lớp hiện có, số trẻ sinh ra mỗi năm và số giáo viên, trường lớp cần tăng thêm trong tương lai.

Tất nhiên, việc biên chế đủ số giáo viên cho phù hợp với chuẩn về sĩ số sẽ làm tăng chi phí từ ngân sách nhà nước.

Nhưng theo tôi, ngân sách dù còn eo hẹp, cũng đủ chi, nếu kiểm soát tốt, không để lãng phí, thất thoát vào các công trình hoành tráng đắp chiếu hoặc vào túi cá nhân và nếu các địa phương chi đủ cho giáo dục theo chỉ tiêu được Chính phủ phân bổ.

Hồi tôi còn làm đại biểu Quốc hội, năm 2008, báo cáo bổ sung của Chính phủ về việc phân bổ và sử dụng ngân sách do Bộ trưởng Võ Hồng Phúc thừa ủy quyền của Thủ tướng ký cho biết, cả nước có tới 27 tỉnh thành, trong đó có 5 thành phố trực thuộc trung ương, không chi đủ chỉ tiêu ngân sách mà Thủ tướng Chính phủ đã phân bổ cho ngành giáo dục địa phương. 

Bộ giáo dục đừng làm cô bảo mẫu, mà phải là chuyên gia hoạch định chiến lược ảnh 3

“Cố tiến lên hàng đầu, nhưng hàng đầu rồi không biết đi đâu?"

(GDVN) - GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nhận định, chuyện cử nhân đại học đi lái taxi hay bán hàng là chuyện bình thường trong nền kinh tế thị trường.

Ví dụ, Thành phố Hồ Chí Minh được phân bổ 1.500 tỉ đồng cho giáo dục, nhưng chỉ chi hết khoảng 900 tỉ; Hà Nội được phân bổ 900 tỉ nhưng chỉ tiêu hết khoảng hơn 400 tỉ.

Báo cáo bổ sung của Chính phủ cũng cho biết khoảng 27, 28 tỉnh, thành không chi đủ chỉ tiêu ngân sách đã phân bổ cho khoa học - công nghệ, thậm chí có thành phố trực thuộc trung ương cả năm không chi đồng nào cho lĩnh vực này.

Những khoản ngân sách dành cho giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ (và cả văn hóa nữa) chắc là đã được các địa phương điều chuyển sang phục vụ mục đích cấp bách nhưng sau đó không chịu hoàn lại.

Ở các địa phương, tiếng nói của các sở Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ không mấy “trọng lượng” nên chẳng bao giờ có chuyện đòi lại được số tiền đã mất đi. 

Tiền chi cho giáo dục chiếm tới 20% ngân sách nhà nước, nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ điều hành được khoảng 5%; các địa phương, bộ ngành chi tiêu cho lĩnh vực này thế nào thì cả Bộ Tài chính lẫn Bộ Giáo dục và Đào tạo đều không nắm được. 

Tôi nhớ là đại biểu Quốc hội thời điểm đó đã chất vấn Chính phủ chuyện này; nhưng cả hai bộ đều báo cáo là không nắm được bởi theo Luật Ngân sách nhà nước, tiền ngân sách đã phân bổ cho các địa phương thì Hội đồng nhân dân các địa phương quyết chi, duyệt chi. 

Tôi không rõ hiện nay đã có thay đổi gì trong chuyện quản lý ngân sách chưa; chứ nếu cái quan trọng hàng đầu là tiền mà không nắm được thì dù cho Bộ Giáo dục và Đào tạo có quản lý từ những việc nhỏ nhất như tuyển sinh vào lớp 1, lớp 6 trở đi, Bộ cũng không quản lý được việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Kiểu phân bổ ngân sách nhà nước cho giáo dục địa phương hiện nay cũng không hợp lý vì phân bổ theo dân số. 

Dân số của các tỉnh vùng núi, vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn bao giờ cũng ít hơn các đô thị lớn, do đó ngân sách dành cho giáo dục của các tỉnh này bao giờ cũng ít.

Trong khi họ gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, về đội ngũ giáo viên, không có tư nhân đầu tư mở trường mở lớp, chỉ có trường công lập, mà ngân sách chi cho họ lại ít thì làm sao chất lượng giáo dục các tỉnh này khá lên được, bao giờ các tỉnh này mới đuổi kịp những vùng phát triển được?

Đã đến lúc các vị tân Bộ trưởng Tài chính, Giáo dục và Đào tạo cần lên tiếng tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội giải quyết vấn đề này; nếu cần thì phải kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Ngân sách nhà nước. 

Bộ cần tập trung xây dựng chính sách, quản lý nhà nước, chứ không làm thay cấp dưới

Trong hàng chục năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo luôn đứng ra lo thay cơ sở tổ chức thi cử; in tài liệu hướng dẫn tuyển sinh đại học, cao đẳng; ra quyết định thành lập từng hội đồng chấm luận án tiến sĩ; in và cấp phôi bằng v.v…

Thậm chí, cuối những năm 1990, Bộ còn cử giám thị về coi thi tuyển sinh sau đại học ở từng trường. 

Những việc làm nói trên thể hiện tinh thần trách nhiệm của Bộ trước yêu cầu đảm bảo chất lượng giáo dục. Nhưng tất cả những hoạt động nghiệp vụ đó không phải nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước ở trung ương, mà là của cơ sở. 

Ví dụ, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT là trách nhiệm của các Sở Giáo dục và Đào tạo, còn việc tổ chức tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các trường đại học, cao đẳng.

Các trường này có thể tổ chức xét tuyển hoặc thi tuyển, thi theo cụm hay thi riêng tùy theo điều kiện của mỗi trường.

Bộ giáo dục đừng làm cô bảo mẫu, mà phải là chuyên gia hoạch định chiến lược ảnh 4

Bộ Giáo dục không thể làm trái Nghị quyết của Quốc hội

(GDVN) - GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, việc cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp làm sách giáo khoa sẽ hạn chế quyền của nhà trường và người dân được lựa chọn sách.

Hạn chế có thể xảy ra khi thực hiện phương án trường đại học, cao đẳng tự quyết định việc tuyển sinh là nếu mỗi trường tổ chức thi vào một đợt khác nhau thì những thí sinh có nguyện vọng thi vào nhiều trường sẽ mất nhiều thời gian để tham dự kỳ thi của tất cả những trường đó.

Nhưng mỗi thí sinh sẽ phải tự cân nhắc và quyết định tham dự mấy kỳ thi cho phù hợp với hoàn cảnh của mình. Nếu họ chỉ thi một trường, hoặc nộp hồ sơ vào một trường xét tuyển thì nhàn, nhưng phải chấp nhận cơ hội lựa chọn không nhiều. 

Còn nếu thích có nhiều lựa chọn thì học sinh và phụ huynh phải chấp nhận khó khăn. Bởi vậy dư luận và báo chí cần một cái nhìn bình tĩnh, khách quan và hợp lý; có vậy cơ chế tự chủ và nhiều đổi mới khác trong giáo dục mới có thể trở thành hiện thực.

Còn động một tí là kêu, là chỉ trích thì không ai dám làm và muốn làm.

Chúng ta đang ở trong một nền kinh tế thị trường. Thị trường lao động sẽ quyết định và điều chỉnh sự lựa chọn của mỗi người và hoạt động đào tạo của các trường, chứ không cần một bà bảo mẫu lo lắng, cầm tay chỉ việc từng tí một. 

Bộ Giáo dục và Đào tạo không cần đóng vai bảo mẫu, mà phải tập trung vào việc hoạch định chiến lược giáo dục quốc dân, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật điểu chỉnh các quan hệ trong lĩnh vực giáo dục, chỉ đạo, thanh tra kiểm tra, khen thưởng và xử lý các vi phạm. 

Ví dụ, Bộ không làm thay huyện Vĩnh Lộc hay tỉnh Thanh Hóa trong việc giải quyết vụ sa thải gần 400 giáo viên hợp đồng; nhưng từ vụ việc cụ thể này và những vụ tương tự, Bộ cần đánh giá nguyên nhân và đề ra giải pháp để giải quyết tận gốc.

Gần đây, đọc 8 nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục đào tạo mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi làm việc với Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh đăng trên website của Bộ ngày 8/6 vừa qua, tôi rất mừng.

Mặc dù cá nhân tôi mong muốn hướng đến những nhiệm vụ khái quát hơn, cấp bách hơn và có tính hệ thống hơn, nhưng tôi vẫn thấy qua bài phát biểu ấy bước chuyển mới trong tư duy của lãnh đạo ngành. 

Hy vọng rằng với tư duy mới đó, sắp tới, Bộ Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tập trung vào nhiệm vụ chính, tạo ra sự chuyển biến căn bản và toàn diện của giáo dục nước nhà, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

http://vtv.vn/chuyen-dong-24h/vu-gan-400-gv-o-thanh-hoa-mat-viec-nghi-an-chay-viec-lam-gv-hop-dong-20160712181548367.htm

http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/xa-hoi/tuyen-dung-giao-vien-o-yen-thanh-nghe-an-thuong-bat-chinh-ha-tac-loan.html

http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/173939/bac-ninh-hang-tram-giao-vien-bi-day-ra-duong.html

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Xot-xa-than-phan-giao-vien-hop-dong-post169219.gd

http://vtv.vn/giao-duc/hau-giang-cam-ket-thuc-hien-day-du-quyen-loi-cho-giao-vien-hop-dong-20151222054649145.htm

http://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-bo.aspx?ItemID=3863

http://moet.gov.vn/gioi-thieu/chuc-nang-nhiem-vu/Pages/default.aspx?ItemID=2085

Gs Nguyễn Minh Thuyết