GS Nguyễn Thị Doan: GS Trần Hồng Quân - người đặt nền móng cho những đột phá của GDĐH

02/07/2025 06:34
Ngọc Mai
Theo dõi trên Google News

GDVN - Cả một đời tận hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà, đề xuất truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho cố GS Trần Hồng Quân là ghi nhận xứng đáng.

Trong giai đoạn khoảng năm 1982, giáo dục đại học và chuyên nghiệp của Việt Nam đối mặt với muôn vàn khó khăn (quy mô đào tạo giảm, ngân sách hạn chế, cơ chế còn nhiều ràng buộc). Để khắc phục những khó khăn này, cố Giáo sư Trần Hồng Quân khi đó là Bộ trưởng Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề (sau đó là Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã đưa ra nhiều chính sách mang tính bước ngoặt, không chỉ giúp giáo dục đại học từng bước vượt qua khủng hoảng, mà còn đặt nền móng cho quá trình chuyển đổi hệ thống giáo dục từ cơ chế tập trung bao cấp sang cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Khi nhắc đến cố Giáo sư Trần Hồng Quân, Giáo sư Nguyễn Thị Doan - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam và Tiến sĩ Cao Vũ Phan - một trong những cộng sự gần gũi của cố Giáo sư Trần Hồng Quân đều chia sẻ rằng, cố Giáo sư Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam là một tấm gương sáng về đức tính giản dị, khiêm nhường và luôn tận tâm với sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục đại học.

Thực hiện đổi mới giáo dục đại học giúp trường vượt qua khó khăn, bứt phá đi lên

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Doan rất hoan nghênh và đồng tình việc Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho cố Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân.

gdvn-bac-doan.jpg
Giáo sư Nguyễn Thị Doan - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Ngọc Mai

"Người đặt nền móng cho những bước đột phá và đổi mới căn bản của ngành giáo dục, nhất là giáo dục đại học chính là cố Giáo sư Trần Hồng Quân. Cho đến nay, tư tưởng đổi mới mà cố Giáo sư khởi xướng vẫn tiếp tục được ngành giáo dục kế thừa và phát triển, trong đó có Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế".

Đề xuất truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho cố Giáo sư là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện sự ghi nhận xứng đáng trước những cống hiến lớn lao của cố Giáo sư Trần Hồng Quân cho sự nghiệp đổi mới giáo dục nước ta”, Giáo sư Nguyễn Thị Doan chia sẻ.

Sau thành công của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI vào cuối năm 1986, tinh thần đổi mới giáo dục đại học mà cố Giáo sư Trần Hồng Quân khởi xướng từng bước được lan tỏa đến các cơ sở giáo dục trên cả nước. Thành quả có thể làm minh chứng cho tính đúng đắn, cũng như tầm nhìn dài hạn của cố Giáo sư Trần Hồng Quân là trường hợp của Trường Đại học Thương mại - nơi Giáo sư Nguyễn Thị Doan từng giữ cương vị Hiệu trưởng suốt hai nhiệm kỳ, trực tiếp triển khai hiệu quả những chính sách đổi mới từ chỉ đạo của ngành giáo dục lúc bấy giờ.

Từ góc độ là nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Thương mại, Giáo sư Doan chia sẻ rằng, bản thân bà đã chứng kiến ngành giáo dục trải qua một số cuộc cải cách. Tuy nhiên, phải đến khi có định hướng, chủ trương đổi mới giáo dục đại học thời cố Giáo sư Trần Hồng Quân thì mới thực sự tạo được cú huých để Trường Đại học Thương mại vượt qua khó khăn và thậm chí là bứt phá.

"Tập thể nhà trường đã lĩnh hội và triển khai tất cả những tư tưởng chỉ đạo đổi mới giáo dục đại học của cố Giáo sư Trần Hồng Quân. Nhờ đó mà từ một cơ sở giáo dục đại học đang suy giảm quy mô đào tạo, đời sống giảng viên vô cùng khó khăn, Trường Đại học Thương mại đã từng bước vượt qua và có được nền móng phát triển đến ngày nay", Giáo sư Nguyễn Thị Doan chia sẻ.

Sinh viên Trường Đại học Thương mại. Ảnh: website nhà trường.
Sinh viên Trường Đại học Thương mại. Ảnh: website nhà trường.

Với tầm nhìn chiến lược, cố Giáo sư Trần Hồng Quân xác định rằng, giáo dục không thể tiếp tục phục vụ theo cơ chế tập trung bao cấp mà cần chuyển mình theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Và cố Giáo sư lấy đó làm nền tảng cho hàng loạt chính sách đổi mới, trong đó có việc điều chỉnh mục tiêu đào tạo, cải tiến chương trình và phương pháp giảng dạy, tác động trực tiếp đến các trường đại học trên cả nước.

Ấn tượng của Giáo sư Doan khi thực hiện 3 chương trình hành động của ngành giáo dục triển khai trong 3 năm học giai đoạn 1987 - 1990 là Trường Đại học Thương mại đã chủ động viết lại giáo trình cho phù hợp với thực tiễn và định hướng mới. Đồng thời, tận dụng chủ trương hội nhập của ngành, Trường Đại học Thương mại khi đó đã tích cực trao đổi tài liệu và hợp tác với các trường đại học quốc tế, tiếp cận nguồn học liệu nước ngoài để nâng cao chất lượng đào tạo.

"Thời điểm ấy, phần lớn các cơ sở đào tạo trong nước vẫn chưa đủ năng lực để xây dựng giáo trình theo yêu cầu mới của đất nước. Chính vì thế, những giáo trình, tài liệu liên quan đến thị trường, tài chính, marketing,... nhà trường dịch từ tài liệu tiếng nước ngoài, sau đó lấy thực tiễn ở Việt Nam để giảng dạy cho sinh viên", Giáo sư Doan chia sẻ.

Thêm nữa, trong bối cảnh ngân sách nhà nước dành cho giáo dục còn hạn chế, cố Giáo sư Trần Hồng Quân đã chủ trương huy động các nguồn lực xã hội, đồng thời cho phép các nhà trường triển khai các loại hình đào tạo như tại chức, chuyên tu, bán thời gian... Những chính sách này góp phần mở rộng cơ hội học tập, tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục, trong đó có Trường Đại học Thương mại "tuyển sinh được mùa" và chủ động phát triển.

"Những chính sách đổi mới thời cố Giáo sư Trần Hồng Quân là căn cơ nhất để cơ sở giáo dục đại học có thể thu hút được người học. Và đối với Trường Đại học Thương mại, nhờ triển khai chủ trương đổi mới mà quy mô đào tạo tăng lên 25.000 sinh viên chỉ trong vài năm nhiệm kỳ đầu tiên tôi đảm nhiệm vai trò Hiệu trưởng nhà trường.

Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của ngành, nhà trường cũng tiến hành tái cơ cấu các phòng, ban theo mô hình quản trị phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", Giáo sư Nguyễn Thị Doan chia sẻ.

Còn về phương pháp đào tạo, theo Giáo sư Doan, cố Giáo sư Trần Hồng Quân nhấn mạnh yêu cầu chuyển từ truyền thụ kiến thức sang phát triển tư duy và năng lực thực hành của người học. Do đó, Trường Đại học Thương mại cũng nhanh chóng cụ thể hóa tinh thần đổi mới bằng cách triển khai phương pháp giảng dạy tình huống, nơi giảng viên (chủ yếu là giảng viên từng đi học ở nước ngoài về áp dụng vào giảng dạy) đóng vai trò “trọng tài”, hướng dẫn sinh viên phân tích, phản biện và giải quyết vấn đề thực tiễn, thay vì chỉ tiếp nhận kiến thức lý thuyết.

“Tất cả những chủ trương đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam thời cố Giáo sư Trần Hồng Quân đều được cơ sở giáo dục đại học đón nhận, triển khai và tạo bứt phá đi lên từ trong khó khăn”, Giáo sư Nguyễn Thị Doan chia sẻ.

Một trong những đóng góp lớn của cố Giáo sư Trần Hồng Quân phải kể đến là các Quyết định số 2677/GD-ĐT, 2678/GD-ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (năm 1993). Giáo sư Doan nhìn nhận đây là những định hướng chung nhất về chương trình đào tạo đại học theo những quan niệm mới, những quy định đầu tiên, mang tính tổng quát và có hệ thống về cơ cấu nội dung đào tạo đại học ở nước ta.

Với Giáo sư Doan, cố Giáo sư Trần Hồng Quân là một nhà lãnh đạo có tầm nhìn, tư duy đổi mới, một người hiền hậu, nhân văn, và luôn đau đáu với sự nghiệp giáo dục nước nhà. Đây cũng chính là nhân cách mẫu mực mà thế hệ những người làm giáo dục hôm nay cần học tập và noi theo.

Cố Giáo sư Trần Hồng Quân là một người giản dị, nhẹ nhàng trong cách sống nhưng vô cùng cứng cỏi và quyết liệt khi đứng trước yêu cầu đổi mới. Dẫn chứng cho điều này, Giáo sư Nguyễn Thị Doan chia sẻ rằng, khi bản thân cùng làm việc với Giáo sư Trần Hồng Quân vào năm 1996 - thời điểm cả nước đang xây dựng Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai số 02-NQ/HNTW BCHTW Đảng (khóa VIII) về định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000 (ngày 24/12/1996), trong các phiên họp, Giáo sư Trần Hồng Quân đều thể hiện rõ sự kiên định và quyết tâm trước Trung ương khi đề xuất nội dung đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo.

Nhà lãnh đạo tận hiến với sự nghiệp đổi mới giáo dục đại học

Đối với những cộng sự của cố Giáo sư Trần Hồng Quân và những ai đã từng gắn bó với cố Giáo sư đều có ấn tượng sâu sắc về một vị lãnh đạo ngành giáo dục hết lòng vì công cuộc đổi mới, hết sức quan tâm, sát sao đến cơ sở giáo dục đại học.

Tiến sĩ Vũ Cao Phan luôn dành sự kính trọng cho vị lãnh đạo mẫu mực, tận hiến và kiên định với con đường đổi mới giáo dục đại học.

“Anh Quân là người vô cùng giản dị và chưa từng nổi nóng với bất kỳ ai” - Tiến sĩ Vũ Cao Phan nói. Có trường hợp một cán bộ công tác trong ngành giáo dục làm chưa đúng theo yêu cầu, cố Giáo sư Quân đã dành nhiều ngày liền để kiên nhẫn giải thích, thuyết phục, giúp người đó hiểu được bản chất vấn đề.

gs-quan.jpg
Cố Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Quân. Ảnh: NQ

“Cố Giáo sư là người luôn biết lắng nghe. Khi nhận được một đề xuất, dù không đồng tình, anh Quân vẫn lắng nghe đến cùng, rồi phân tích rõ ràng vì sao chưa hợp lý, vì sao không khả thi. Anh Quân không bao giờ bác bỏ một ý kiến chỉ vì ý kiến đó khác với mình”, Tiến sĩ Phan bày tỏ.

Trong giai đoạn khó khăn nhất của ngành giáo dục khi chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế, cố Giáo sư Trần Hồng Quân không tránh né thử thách mà chủ động dấn thân với tâm thế của một người mang tư tưởng đổi mới. Ngay từ Hội nghị Nha Trang năm 1987, cố Giáo sư là người đầu tiên đề xuất những đổi mới sâu rộng đối với giáo dục đại học, những ý tưởng khi ấy có nhiều người xem là quá mới, thậm chí “vượt tầm thời đại”. Dẫu nhiều người nghi ngại nhưng cố Giáo sư vẫn quyết tâm không nhượng bộ với tư tưởng đổi mới giáo dục đại học. Những đề xuất của cố Giáo sư tại hội nghị khi đó trở thành tiền đề, đã giải phóng "sức sản xuất" của ngành.

Một trong những thành quả rõ rệt mà công cuộc đổi mới giáo dục thời cố Giáo sư Trần Hồng Quân để lại ấn tượng mạnh cho Tiến sĩ Vũ Cao Phan là sự ra đời của hệ thống giáo dục ngoài công lập (dân lập, tư thục), khởi đầu bằng việc thành lập Trường Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh.

Cố Giáo sư Trần Hồng Quân cũng chỉ ra sự thiếu bình đẳng cho người học ngay trong chính sách của Nhà nước, giữa trường công lập cho người có điều kiện và ngoài công lập vốn lại thường là học sinh từ nông thôn, kinh tế hạn chế.

Chia sẻ thêm về chủ trương xã hội hóa giáo dục dưới thời cố Giáo sư Trần Hồng Quân, Tiến sĩ Vũ Cao Phan cho rằng, chủ trương này mang tính cấp bách khi các trường đại học, cao đẳng đứng trước nguy cơ đóng cửa vì thiếu nguồn lực phát triển. Còn với những người học ở các điều kiện khác nhau, cố Giáo sư Trần Hồng Quân cho xây dựng hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông cho vùng bão lụt, trường chuẩn cho các vùng khó khăn,... Đặc biệt, cố Giáo sư Trần Hồng Quân không chỉ đạo đổi mới giáo dục bằng khẩu hiệu, mà bằng hành động cụ thể như trực tiếp đi đến cơ sở để xem cơ sở triển khai có đúng yêu cầu đổi mới hay không, đối thoại với cơ sở và theo dõi sát sao việc triển khai.

Cảm phục trước những đóng góp của cố Giáo sư Trần Hồng Quân do vậy trước thông tin Thường trực Hội đồng Thi đua – Khen thưởng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho cố Giáo sư Trần Hồng Quân, Tiến sĩ Phan không khỏi xúc động bày tỏ: "Tôi nghĩ điều đó là hoàn toàn xứng đáng vì anh Quân là một nhà giáo mẫu mực, một nhà quản lý xuất sắc và là người có ảnh hưởng lớn tới tiến trình đổi mới giáo dục của Việt Nam”.

Ngọc Mai