Khoảng cách địa lý có thể là những trở ngại với ai đó nhưng bằng trái tim bao dung thích giúp đỡ người khác thì mọi khoảng cách chỉ là những con số vô nghĩa đối với “Cánh én hồng” cô Ngô Thị Bình - Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội) người đã tổ chức được rất nhiều các hoạt động thiện nguyện ý nghĩa, lan tỏa yêu thương.
“Cánh én hồng” tôn vinh các Tổng phụ trách đội có nhiều cống hiến, người thanh niên mang khăn quàng đỏ trong sự nghiệp trồng người nỗ lực, phấn đấu vươn lên có nhiều đóng góp cho xã hội.
Niềm mong ước của “Cánh én hồng”
“Hãy cho nhau những gì có thể/ Sợ sau này chẳng có mà cho”, cô Ngô Thị Bình nói.
Hơn 20 năm công tác với 14 năm ở vùng cao tỉnh Hòa Bình và gần 10 năm nơi phố thị phồn hoa, cô Bình là người luôn chủ động sắp xếp thời gian, công việc ở trường cũng như ở nhà.
Cô luôn tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần quý giá cùng các tình nguyện viên đi làm các hoạt động thiện nguyện như phát quà, đồ ăn… tại các bệnh viện. Cuộc sống này không phải là một bức tranh màu hồng, bởi ở đâu đó như hải đảo và miền núi cao hiểm trở vẫn còn đó những mảng màu tối cần sự chung tay giúp đỡ hay những sự sẻ chia dù là nhỏ bé nhất nhưng lại vô cùng ý nghĩa.
Trường Lĩnh Nam nổi bật với những thành tích công tác Đội, phong trào thiếu nhi |
Có lẽ những mảng màu tối đó sẽ cần rất nhiều những sự chung tay giúp đỡ hay những chuyến thiện nguyện với những món quà, đồ dùng nhỏ bé đó lại mang một ý nghĩa vô cùng lớn.
Cô Ngô Thị Bình đã có chia sẻ cảm xúc bản thân về những việc làm thiện nguyện ý nghĩa của mình với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam:
“Các chuyến đi làm thiện nguyện của tôi cùng với các thầy cô cũng như các tổ chức xã hội thường là tới những nơi thật xa, đặc biệt khó khăn hay những gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu vùng xa của đất nước.
Sau mỗi chuyến thiện nguyện mặc dù có khó khăn và rất vất vả nhưng nhận lại là trong những lúc khó khăn đó lại là lúc tình cảm miền xuôi và miền ngược, những mảnh đời khó khăn bất hạnh đó lại càng thêm bền chặt và ý nghĩa hơn.
Tôi chỉ mong ước sẽ có thật nhiều những hoạt động thiện nguyện của nhiều tổ chức tới nhiều vùng khác nhau để lan tỏa chung tay cùng những gia đình, cá nhân không may có hoàn cảnh bớt khó khăn”.
Lặng lẽ với những chuyến thiện nguyện lan tỏa yêu thương
Tháng 01/2019, với cương vị là Tổng phụ trách Đội, “Cánh én hồng” cô Ngô Thị Bình đã tổ chức chuyến thiện nguyện cho thầy cô Trường tiểu học Lĩnh Nam và Trường tiểu học Thúy Lĩnh mang Xuân yêu thương đến với xã Thạch Lương - một trong những xã bị trận lũ quét kinh hoàng của huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Không ồn ào như những chương trình thiện nguyện khác, các tình nguyện viên đã dành phần lớn thời gian đi thăm hỏi, động viên và chia sẻ với những gia đình bị nạn từ trận lũ quét, những đứa trẻ mất cha, mất mẹ, những gia đình mất người thân yêu, những cô giáo bị mất người đồng nghiệp sau đợt lũ quét, những cháu bé không may bị tật nguyền…
Chương trình đã đến điểm Trường mầm non Bản Có, xã Thạch Lương tặng các em chăn ấm, thảm trải sàn, những suất quà cho học sinh điểm trường và những hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Ngoài phần quà tặng nhà trường, chương trình thiện nguyện cũng đã quyên góp được 1,2 tấn chăn ấm và quần áo trẻ em để tặng đồng bào trong những ngày giá rét.
Những giọt nước mắt đã rơi, ánh mắt, những nụ cười, cái nắm tay thật chặt của hai miền xuôi ngược...Tất cả đã tạo nên một mùa xuân yêu thương ấm áp.
Cô Bình (người bế cháu bé) cùng thầy cô đoàn thiện nguyện đến vùng cao huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái tặng tận tay các em những xuất quà. Ảnh: NB |
Nói về kỷ niệm nhớ nhất về những chuyến thiện nguyện cô Bình nói:
“Dịp cuối năm 2018 đoàn thiện nguyện có chuyến đi từ chiều ở Hà Nội mà tới 22h đêm mới tới điểm trường vùng đặc biệt khó khăn tại thôn Sáng Nhù, xã Mồ Dề, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái.
Phải nhờ người dân ra đón, địa hình thì một bên là vực sâu thăm thẳm, trời tối như mực một bên là vách núi cao dựng đứng với nhiều khúc cua “tử thần” xe ô tô của đoàn không thể di chuyển tiếp được đoàn lại phải huy động xe công nông của người dân để chuyển đồ và chuyển người.
Nơi làm từ thiện thì người dân không biết nói tiếng kinh lại phải nhờ các thầy cô ở bản dịch giúp.
Điểm dừng nghỉ của đoàn thì khó khăn vô cùng, điện không có, trời thì lạnh hơn dưới xuôi phải mấy người đắp chung một chăn, nằm ngủ chiếu, đồ ăn thì thiếu vì không có chợ, nước sinh hoạt cũng thiếu 5 người chia nhau 1,5 lít nước để rửa mặt…”.
Những hoạt động thiện nguyện đó như mang một thông điệp ý nghĩa và hết sức đặc biệt đối với những hoàn cảnh khó khăn về tinh thần đoàn kết dân tộc, sự yêu thương, chia sẻ giữa người miền xuôi với người miền núi.
Không quản ngại khó khăn, gian nan, vất vả, đường xá xa xôi… cô Bình cùng các giáo viên và các tình nguyện viên của câu lạc bộ Kết nối yêu thương đã mang quà trao tận tay tới nhiều hộ nghèo nơi biên giới như: mỳ tôm, cá khô, muối, dầu ăn cùng nhiều bánh kẹo và các thực phẩm thiết yếu khác…
Không quản ngại giá lạnh hay mưa lũ cô Bình (thứ nhất bên trái) vẫn luôn mong muốn tổ chức nhiều những chuyến thiện nguyện tới nơi khó khăn. Ảnh: NB |
Chia sẻ về dự định tiếp theo cô có chia sẻ: “Chúng tôi đã lên kế hoạch và đang quyên góp từ giáo viên, đội viên và các mạnh thường quân để quyên góp ủng hộ kinh phí thực hiện một chuyến từ thiện 4 đêm 3 ngày vào Quảng Bình nhằm động viên, thăm hỏi và tặng những món quà cho những học sinh không may bị nhiễm chất độc màu da cam”.
Chúc “Cánh én hồng” cô Ngô Thị Bình luôn sẽ có nhiều hơn nữa những hoạt động thiện nguyện ý nghĩa giúp đỡ các gia đình, học sinh có hoàn cảnh éo le, khó khăn để lan tỏa yêu thương chung tay xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn.