Những ngày này, cô Nguyễn Thùy Linh – người sáng lập Trung tâm chuyên biệt Phú An (Long Biên – Hà Nội) - nơi chăm sóc, dạy dỗ trẻ tự kỷ - đang tất bật với các hoạt động kỷ niệm ngày thế giới nhận thức về tự kỷ 1/4.
Trong câu chuyện của cô, mỗi lời nói, tâm nguyện, sự quan tâm cũng đều hướng về các con học sinh. Với cô, mỗi trẻ tự kỷ thực sự là những chiến binh. Bởi mỗi ngày, các con và bố mẹ đều phải cố gắng để hiểu, hỗ trợ và giúp đỡ cùng tiến bộ.
Việc quyết định đăng ký hiến tặng tạng, mô với cô Thùy Linh cũng phần nào muốn là tấm gương, làm việc ý nghĩa để reo cho các con niềm tin vào cô thầy.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thùy Linh tâm sự, từ khi còn là sinh viên khoa Giáo dục đặc biệt trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, cô đã luôn thần tượng thủ lĩnh Trần Lập của nhóm nhạc Bức Tường.
Những quan điểm sống của thần tượng Trần Lập đã định hướng cho cô phải sống mạnh mẽ, vững tin vào cuộc sống và sẻ chia nhân ái đến mọi người.
Cô giáo Nguyễn Thùy Linh tâm niệm: "Nếu như vì một lý do nào đó không còn trên cuộc đời này mà tôi có thể làm một điều gì đó cho những người đang cần để sống tiếp thì không có lý do gì chúng ta không làm cả". Ảnh: NVCC |
Và cô giáo Thùy Linh đang sống đúng như quan điểm của thần tượng mình là: “Ai rồi cũng sẽ vậy nhưng sống ngày nào là ngày đấy phải đẹp”.
Không chỉ nỗ lực mỗi ngày cùng các con tại trung tâm, cô Thùy Linh còn đi tham gia rất nhiều các chương trình tình nguyện.
Như chương trình “Tôi đã hiểu! Còn bạn?” - một chương trình nâng cao nhận thức về tự kỷ tại cộng đồng - do chủ nhiệm, ca sĩ Thái Thùy Linh và nhóm tình nguyện Tim hồng tổ chức.
Cô đã gặp rất nhiều hoàn cảnh, số phận và người có tâm thật sự. Họ giúp cô hiểu hơn về ý nghĩa của cuộc sống, về sự cho đi, sự lan tỏa của những hành động ý nghĩa.
Đặc biệt, ở vai trò là một cô giáo dạy trẻ đặc biệt, hơn ai hết, cô biết mình phải nỗ lực không ngừng để có thể hoàn thiện bản thân, sống là tấm gương tốt, mang một tinh thần mạnh mẽ nhất đến với các “chiến binh” và bố mẹ của các con. Tất cả cùng cố gắng trên con đường đồng hành cùng các con.
Trong quá trình làm việc, cô Thùy Linh biết đến Câu lạc bộ Sự sống Hà Nội, trong nhóm có rất nhiều người đã tự nguyện đăng ký hiến tạng.
“Bản thân tôi thấy đây là một hoạt động ý nghĩa, rất nhân văn đúng với những suy nghĩ của mình bao lâu.
Tôi đã nói chuyện với bố mẹ mình về suy nghĩ là sẽ đăng ký hiến tạng.
Lúc đầu bố mẹ tôi có chút băn khoăn. Nhưng sau đó, bố mẹ hoàn toàn tin vào quyết định của tôi khi được chia sẻ câu chuyện về bé Hải An.
Một cô bé mới chỉ 7 tuổi qua đời vì căn bệnh u thần kinh đệm cầu não lan tỏa - một căn bệnh hiếm ở trẻ em và điều trị vô cùng khó khăn.
Mẹ bé và gia đình đã quyết hiến tặng giác mạc của bé để trao ánh sáng cho những người khác. Nghĩa cử cao đẹp của bé Hải An và gia đình đã khiến tôi vô cùng xúc động”, cô Thùy Linh kể lại.
Thẻ đăng ký ghi nhận hiến tặng mô, tạng. Ảnh NVCC |
Và vào đúng ngày sinh nhật 16/2/2019, cô Thùy Linh đã quyết định đi làm đơn xác nhận đăng ký hiến tạng.
Cô Thùy Linh coi đó như là một việc làm ý nghĩa đánh dấu một dấu mốc trong cuộc đời.
“Tôi chỉ có một suy nghĩ đơn giản khi quyết định đăng ký hiến tạng.
Nếu như vì một lý do nào đó không còn trên cuộc đời này mà tôi có thể làm một điều gì đó cho những người đang cần để sống tiếp. Không có lý do gì chúng ta không làm cả. Bởi cho đi là còn mãi”, cô Thùy Linh chia sẻ.
Tất cả mọi nỗ lực sẽ luôn được đền đáp xứng. Bạn quyết định cách sống như thế nào chính là quyết định cuộc đời bạn như vậy.
Chính tâm niệm đó thôi thúc cô Thùy Linh từng ngày, từng ngày cố gắng thật nhiều để làm được thêm nhiều việc ý nghĩa.
Đối với cuộc sống hiện tại, cô Thùy Linh mong mỏi mỗi người trong xã hội biết yêu thương, sẻ chia hơn.
Là một cô giáo dạy trẻ tự kỷ, cô mong muốn những chiến binh của cô cũng như tất cả những chiến binh trên Việt Nam này sẽ được hiểu, được yêu thương và sẻ chia nhiều hơn.
Cô mong muốn những đồng nghiệp, thầy cô đang dạy các con hãy đến và yêu thương các con bằng cái tâm của mình, truyền cho các con sự mạnh mẽ. Bố mẹ của các con cũng vậy, hãy kiên định, vững vàng trên con đường đồng hành cùng các con.
"Tôi rất mong bố mẹ của trẻ tự kỷ tìm đến nguồn thông tin đáng tin cậy như A365, mạng lưới tự kỷ Việt Nam để biết và hiểu các con của mình nhiều hơn", cô Linh nói.