LTS: Câu chuyện về việc tuyển dụng dôi dư hơn 500 giáo viên ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) khiến nhiều người bức xúc.
Trong bài viết này, thầy giáo Nguyễn Cao cho rằng cần có mức phạt nặng hơn để xử lý những cá nhân chịu trách nhiệm về tình trạng này.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Thời gian qua, báo chí đã nói nhiều về sự việc hơn 500 giáo viên ở huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) bị mất việc.
Nhiều thầy cô đã cố gắng để làm tất cả có thể, thậm chí viết cả tâm thư gửi lên Thủ tướng Chính phủ để hy vọng tiếp tục được đứng lớp nhưng cuối cùng đều đi vào ngõ cụt.
Hơn 500 thầy cô giáo và chừng ấy gia đình rơi vào bế tắc do lãnh đạo huyện Krông Pắk đã kí bừa. Vậy nhưng, hình thức kỷ luật những lãnh đạo chủ chốt trong sai phạm này lại quá nhẹ, khiến dư luận bất bình.
Các giáo viên bị chấm dứt hợp đồng kéo lên Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk để đòi quyền lợi. Ảnh: Báo Nhân Dân |
Ngày 6/11 vừa qua, Ủy ban Kiểm tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết đã quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với ông Trần Đức Lanh, Phó trưởng Ban tổ chức cán bộ (Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đắk Lắk), nguyên Trưởng phòng Nội vụ huyện, nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Krông Pắk.
Việc kỷ luật ông là do thời gian làm Trưởng phòng Nội vụ huyện Krông Pắk (từ tháng 10/2008 đến 4/2015), ông Lanh đã tham mưu Uỷ ban nhân dân huyện cho chủ trương hợp đồng giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục công lập vượt chỉ tiêu được giao được giao.
Cũng liên quan đến sự việc này, những lãnh đạo chủ chốt có liên quan trực tiếp đến việc ký hợp đồng với hơn 500 giáo viên ở huyện Krông Pắk cũng đã từng bị kỷ luật.
Trong đó, kỷ luật cảnh cáo ông Nguyễn Sỹ Kỷ, nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện nhiệm kỳ 2011-2015 (sau đó là Phó ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk, hiện nay đã nghỉ hưu).
Kỷ luật mức khiển trách đối với ông Nguyễn Thành Dũng, Bí thư huyện Krông Pắk vì có liên quan.
Kỷ luật mức Khiển trách đối với ông Y Suôn Byă, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Krông Pắk hiện nay.
Huyện ủy Krông Pắk cũng đã kiểm điểm tập thể Ban Thường vụ huyện ủy; tập thể, lãnh đạo phòng Nội vụ, phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học có giáo viên hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế sai quy định nhà nước.
11 giáo viên đứng đơn tố cáo hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Mỹ sai phạm |
Kể từ khi sự việc huyện Krông Pắk có quyết định cắt hợp đồng với hơn 500 giáo viên ở đây, chúng ta thấy lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk cũng như huyện Krông Pắk cũng đã quyết liệt vào cuộc để giải quyết hậu quả.
Tuy nhiên, với những gì đã và đang xảy ra thì chúng ta thấy rằng cách giải quyết chưa hề ổn thỏa và tương xứng.
Cứ cho rằng giáo viên dư thừa thì việc cắt hợp đồng giáo viên cũng là chuyện bình thường bởi dôi dư hàng trăm giáo viên như vậy thì ngân sách địa phương làm sao kham nổi, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước và khó khăn cho việc bố trí nhân sự ở các trường học.
Tuy nhiên, cách mà huyện giải quyết chế độ cho giáo viên khi thanh lý hợp đồng cũng khiến cho chúng ta thấy nhiều băn khoăn.
Nhiều giáo viên cống hiến cả gần chục năm trời để bây giờ ra đi trong tình trạng tay trắng để làm lại từ đầu.
Tuổi trẻ đã đi qua, cơ hội công việc cũng không còn dễ dàng như thời còn trẻ tuổi nhưng rồi họ phải ngậm ngùi với quyết định của lãnh đạo huyện.
Tuy nhiên, ai là người gây nên hậu quả này, ai là người tham mưu, đặt bút ký hợp đồng với những thầy cô giáo?
Với chức vụ Trưởng phòng Nội vụ, Chủ tịch huyện như ông Lanh, ông Kỷ và ông Byă thì lẽ nào các ông lại không hiểu luật để tham mưu và kí bừa như vậy?
Phía sau những lời tham mưu và chữ ký này chắc chắn còn nhiều nghi vấn, nhiều câu hỏi không khó trả lời.
Từ chỗ sai phạm của một số cá nhân đã để lại hậu quả quá nặng mà các cơ quan đoàn thể đã giải quyết dai dẳng mãi vẫn chưa xong.
Điều quan trọng là niềm tin của nhân dân vào các cấp chính quyền của huyện Krông Pắk liệu có còn nguyên vẹn không?
Công an sẽ giám sát chặt chẽ tuyển viên chức giáo viên ở Krông Pắk |
Vậy mà các lãnh đạo này chỉ bị kỷ luật ở mức “Khiển trách” và “Cảnh cáo” thì có “xứng đáng” với những gì mà các thầy cô giáo phải gánh chịu hay không?
Tại mục 2, điều 8 của Nghị định số 34/2011/NĐ-CP về Quy định xử lý kỷ luật đối với công chức được quy định rõ 6 mức cho các công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, đó là: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc.
Như vậy, các mức kỷ luật đối với các vị lãnh đạo sai phạm trong việc ký hợp đồng giáo viên dư thừa chẳng có hề hấn gì. Chức vụ và quyền lợi không hề bị ảnh hưởng mà sự thực thì các vị ấy đang tại chức hoặc được điều động lên tỉnh nhận chức vụ cao hơn.
Nếu tình trạng sai phạm của lãnh đạo khi tuyển dụng giáo viên như huyện Krông Pắk mà kỷ luật như vậy sẽ tạo nên một tiền lệ cực kỳ nguy hiểm cho đất nước.
Trong khi, Đảng, Chính phủ đang quyết liệt chống tham nhũng, đang kêu gọi nêu gương mà lãnh đạo huyện Krông Pắk lại nêu lên một “tấm gương xấu” như vậy thì đáng buồn vô cùng.
Số phận những thầy cô giáo hợp đồng ở nhiều nơi rơi vào trạng thái bấp bênh hơn bao giờ hết khi mà lãnh đạo cứ “tùy hứng” tuyển dụng rồi lại “tùy hứng” sa thải như một số địa phương đang làm mà chúng ta đang phải chứng kiến.
Lẽ nào một số lãnh đạo địa phương lại đối xử tàn nhẫn với thầy cô giáo đến vậy sao?