Mới chỉ nghe tiếng nói, nhà tuyển dụng đã...từ chối

06/05/2017 07:26
Bài và ảnh: Phan Tuyết
(GDVN) - "Đi xin việc các nơi, nhà tuyển dụng chỉ nhìn thấy con, khi nghe con nói…họ chẳng cần thử tay nghề đã tìm cách từ chối khéo mất rồi".

Tốt nghiệp trung cấp nghề khoa Công nghệ thông tin trường Kĩ thuật công nghệ thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Ngọc Tuấn Anh đã nỗ lực mang đơn đi tới nhiều nơi để xin việc nhưng nơi nào em cũng chỉ nhận được những ánh nhìn thương cảm và lời hứa hẹn “sẽ xem xét và gọi sau” nhưng thời gian trôi đi mà lời hẹn vẫn bặt vô âm tín. 

Em quyết định về lại quê nhà (khu phố 6, phường Tân An, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) để tìm kiếm vận may nhưng cuộc sống vẫn chưa mỉm cười với chàng trai khuyết tật giàu nghị lực ấy.

Số phận hẩm hiu

Chị Hiên mẹ của Tuấn Anh kể khi mang thai em hơn 6 tháng, chị bị động thai nên sinh em ra đã không được như những đứa trẻ khác. 

Đã thế, 4 tháng sau em bị cơn sốt bại liệt hành hạ và di chứng để lại là giật dây thần kinh 6,7, dây nói bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nên em không thể phát âm bình thường được. 

Mỗi lần nói, các cơ trên mặt đều giật lên, miệng méo và tiếng phát ra không còn rõ chữ. Hai tay của em yếu so với bình thường, việc cầm nắm cũng hết sức vất vả. 

Chàng trai khuyết tật giàu nghị lực Nguyễn Ngọc Tuấn Anh.
Chàng trai khuyết tật giàu nghị lực Nguyễn Ngọc Tuấn Anh.

Dù gia đình chạy vạy khắp nơi dồn sức lực, tài chính để chữa trị cho em nhưng các bác sĩ cũng đành bó tay. 

Do thể trạng yếu nên em thường xuyên phát sốt, mỗi lần như thế, ba mẹ lại thay phiên nhau đưa em đi Sài Gòn cấp cứu. Chị Hiên nói, ngày nhỏ số ngày em nằm viện còn nhiều hơn em ở nhà. 

Em quả thực đã may mắn hơn nhiều người khuyết tật khác khi được sinh ra trong gia đình có mẹ là giáo viên, vừa thấu hiểu tâm sinh lý lứa tuổi, vừa có nhiều phương pháp dạy học, đặc biệt là dạy trẻ khuyết tật. 

Sống trong tình yêu của cha mẹ, trong một môi trường hạnh phúc và được tạo nhiều điều kiện thuận lợi về mặt vật chất mặc dù gia đình em lúc ấy kinh tế cũng rất khó khăn. 

Dẫu thế, mỗi lần nhìn em, cả ba mẹ đều phải giấu, phải ghìm để nén chặt những giọt nước mắt chảy ngược vào trong vì không muốn con buồn, con tủi, con thất vọng. 

Chị Hiên nói “Mỗi lần nhìn con, tôi cứ nghĩ, như nó sau này làm được gì để nuôi thân? Ba mẹ cũng đâu có thể sống đời với nó?”.

Chị nói tim mình như thắt lại khi bé bi bô hỏi: “Sao nhiều người cứ nhìn và chọc con? Sao con nói không giống các bạn khác?” 

Vượt lên số phận

Là cô giáo tiểu học, được sự đồng ý và tạo điều kiện của nhà trường, chị xin xuống dạy lớp 1 và mang con tới lớp của chị cho ngồi chung với học trò. 

Trẻ em bình thường học chữ còn khó khăn, huống hồ như em nói viết rất khó. Ngày trên trường, đêm về hai mẹ con lại đánh vật với từng âm vần, từng con chữ. 

Chị tập cho con cách phát âm, cách cầm viết dẫu con tiếp viết chậm và phát âm khó khăn nhưng không thể buông xuôi. 

Tuấn Anh đã đi xin việc nhiều nơi nhưng đáp lại chỉ là những lời hứa hẹn...
Tuấn Anh đã đi xin việc nhiều nơi nhưng đáp lại chỉ là những lời hứa hẹn...

Sau thời gian, mẹ con cùng vật lộn với gian lao, vất vả, Tuấn Anh cũng dần dần thích nghi với việc học. Những ngày con học không cùng lịch dạy của mẹ, em đã có thể tự đi đến trường với đôi chân tập tễnh. 

Chị Hiên tâm sự: “Tôi phải học cùng con hằng đêm, con lên lớp nào, tôi học cùng lớp đó, tôi vừa là bạn, vừa là thầy để động viên, hướng dẫn và kiểm tra bài cho con trước khi lên lớp.

Có lẽ nhờ thế nên Tuấn Anh học vào diện khá giỏi ở những môn Toán, Lý, Hóa và Anh văn”. 

Bằng sự cố gắng của mình, em dần làm được những việc từ đơn giản tới phức tạp hơn để tự chủ trong mọi sinh hoạt cá nhân. Tới đầu những năm học cấp 2, em đã tự làm tất cả những công việc nhỏ nhất để phục vụ bản thân.

Không chỉ thế, em đã tập đi chợ và phụ mẹ luôn việc cơm nước cho cả nhà. Tôi hỏi em “Ai dạy cho con nấu ăn?”. Em cười “Con nhìn thấy mẹ nấu nên bắt chước. Thấy ba mẹ đi làm về trưa nên con muốn đỡ đần”.

Câu chuyện giữa tôi và em bỗng gián đoạn khi em có người gọi đến, nhờ em tới sửa máy tính.

Tôi quyết định đi theo em, nhìn đôi bàn tay yếu ớt của em lướt trên bàn phím thoăn thoắt, tôi tò mò hỏi “Sao con lại đam mê công việc này?” 

Nụ cười lấp lánh sau ánh mắt, Tuấn Anh khó nhọc bày tỏ “Con nghĩ, con thế này chỉ phù hợp với những công việc trên máy tính thôi nên con ráng học và đam mê luôn. Vả lại, con có nghe về Hiệp sĩ Nguyễn Công Hùng, con sẽ noi gương anh ấy”. 

Rồi em kể: “Con tự học bằng cách tìm trên mạng, thực hành trên máy một cách mò mẫm nên đã phá hỏng máy tính của ba mẹ không biết bao nhiêu lần. 

Mẹ đi sửa về con lại làm hư tiếp, mẹ la, con chỉ cười và cứ thế đến lúc con cũng đã học được rất nhiều, tự sửa được máy, tự đi cài phần mềm cho nhiều người khác".

Phép màu nào cho em?

Bằng tất cả ý chí và nghị lực cùng với khát vọng giúp cho chính số phận thiệt thòi của mình, Tuấn Anh đã quyết định vào học tại Trường trung cấp nghề kĩ thuật công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. 

Mẹ em nói: “Dù bây giờ, nó đã tự nuôi sống được mình nhưng vẫn thiết tha được học nâng cao hơn. Tôi thấy có học ra trường cũng chẳng ai nhận vào làm nên đang lưỡng lự”.

Ngày ngày, em vẫn miệt mài trên máy tính cài phần mềm cho ai đó đặt hàng hay đi sửa máy tính theo yêu cầu của một số thầy cô đồng nghiệp của mẹ. 

Nhiều khi em đi tận Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc nhưng tiền công thì “tùy lòng hảo tâm”. Em nói có người không trả tiền cũng chẳng sao vì giúp được họ và được làm việc là vui rồi. 

Đang hồ hởi, giọng em chùng xuống, ngắt quãng: “Con chỉ ước có một công ăn việc làm ổn định chứ lông bông thế cũng buồn.

Nhưng đi xin việc các nơi, nhà tuyển dụng chỉ nhìn thấy con, khi nghe con nói…họ chẳng cần thử tay nghề đã tìm cách từ chối khéo mất rồi”.

Bất giác, tôi nhìn em và thầm nghĩ “Phép màu nào mang hy vọng đến cho những mảnh đời bất hạnh như em?

Bài và ảnh: Phan Tuyết