Tương lai của giáo viên hợp đồng: Không biết đi về đâu!
"Đã có lúc chúng tôi nhảy cẫng lên vì sung sướng, đã có lúc chúng tôi khóc như một đứa trẻ khi nghĩ rằng việc của mình sẽ được giải quyết đến nơi rồi".
Đó là những tâm sự tận đáy lòng của một giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) – cô Nguyễn Thị Thơm.
Kể từ ngày 256 giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn làm đơn kêu cứu gần 2 tháng qua họ vẫn chưa nhận được một câu trả lời, văn bản chỉ đạo chính thức.
Nghịch lý giáo viên hợp đồng: Lương thấp, làm việc nhiều và ít được coi trọng |
"Đến thời điểm này chúng tôi gần như tuyệt vọng.
Mọi người cũng chỉ biết thông qua báo chí mong các lãnh đạo có cho chúng tôi một câu trả lời để chúng tôi chấm dứt những ngày tháng như thế này".
Những ngày tháng mà theo cô Thơm miêu tả đó là những ngày tháng kinh khủng nhất trong nhiều năm giảng dạy và công tác: Mệt mỏi, chờ đợi, hồi hộp, lo lắng.
Nhiều giáo viên sinh ra trầm cảm, stress. Cô Thơm nói:
"Đồng nghiệp chúng tôi nhiều bạn bị trầm cảm do suy nghĩ nhiều.
Bây giờ đã gần đến tháng 6 – cũng là thời điểm chuẩn bị thi viên chức. Chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ câu trả lời nào.
Bên nọ đánh công văn sang cho bên kia, còn chúng tôi thì cứ chờ đợi không biết đến bao giờ mới giải quyết vấn đề của các giáo viên hợp đồng.
Giá như mà lãnh đạo đừng nói trước. Nhiều khi chúng tôi tưởng được giải quyết đến nơi rồi, ấy thế mà không".
Thầy N.V.T một giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn kể: "Sau khi chúng tôi kêu cứu trên báo đài được vài ngày có một cán bộ bảo rằng: Việc này đáng lẽ ra các anh không nên kêu đến báo chí thành ra bây giờ khó xử lý.
Ý của họ trách do mình kêu cứu lên báo chí nên Huyện bị ảnh hưởng.
Vợ của một lãnh đạo Huyện cũng cho chúng tôi xem một văn bản của Sở Nội vụ trong đó có kiến nghị giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng.
Lúc đó chúng tôi nhảy cẫng lên gần như là phát khóc. Nhưng sau hôm đó cũng không thấy gì. Chúng tôi hụt hẫng lắm!".
Tâm sự với phóng viên, một giáo viên hợp đồng tại huyện Đông Anh chia sẻ: Chúng tôi gần như buông xuôi và bất lực.
Vẫn chưa có phương án chính thức giải quyết vấn đề giáo viên hợp đồng tại Hà Nội (Ảnh: Vũ Ninh) |
Cô H.T.Y chia sẻ: "Đến thời điểm này gần như mọi người đã hết ý chí rồi. Nhiều người chấp nhận và về vườn. Một số thầy cô vẫn sẽ được trường ký hợp đồng.
Tuy nhiên điều chúng tôi buồn nhất đó là thái độ của Huyện. Hôm chúng tôi nộp đơn lên Huyện người nhận đơn hẹn đến ngày 23 tháng 5 sẽ gặp mặt và giải quyết.
Nhưng ngày 24 tháng 5 là ngày tổng kết thì họ có gặp giáo viên hợp đồng hôm đấy cũng chẳng nghĩa lý gì".
Thầy T. nói trong nước mắt: "Nguyện vọng của chúng tôi là được một lần gặp chủ tịch Chung.
Nhưng hôm Chủ tịch về Sóc Sơn chúng tôi có đến nhưng bị đuổi ra ngoài.
Thậm chí lãnh đạo Huyện còn đến động viên: Mọi người cứ về đi rồi gặp Chủ tịch sau. Công an, bảo vệ cũng ra đuổi chúng tôi về.
Nghĩ tủi thân nhiều thầy cô khóc nức nở. Chúng tôi không thể nghĩ được có một ngày cái nghề của mình lại phải đi lạy lục như thế này".
"Tôi sợ rằng chẳng có ai còn tin vào nghề giáo nữa"
Vụ giáo viên hợp đồng tại Hà Nội bắt đầu gây xôn xao dư luận với việc 256 giáo viên hợp đồng huyện Sóc Sơn làm đơn kêu cứu.
Sau đó đến lượt giáo viên hợp đồng các huyện Đông Anh, Mỹ Đức, Ba Vì cũng làm đơn kêu cứu.
Thanh xuân đã qua mất rồi, đường sống nào cho giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn? |
Đến nay,Báo điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã nhận được nhiều đơn thư từ tập thể, cá nhân giáo viên hợp đồng.
Nguyện vọng của hàng trăm giáo viên hợp đồng tại Hà Nội mong muốn thông qua báo chí để lên tiếng phản ánh tình trạng trên.
Cũng thông qua vụ việc này nhiều vấn đề trong việc ký hợp đồng với giáo viên của các Huyện tại Hà Nội cũng được phát hiện.
Chẳng hạn, giáo viên hợp đồng huyện Mỹ Đức chỉ được ký hợp đồng 3 tháng với mức lương rất thấp và không được đóng bảo hiểm.
Tương tự giáo viên hợp đồng tại huyện Ba Vì nhiều người chỉ được nhận 1.300.000 đồng/ 1 tháng.
Đằng sau câu chuyện này nhiều giáo viên hợp đồng cho biết: Thứ mà họ mất nhiều nhất đó chính là niềm tin.
Cô Y. bộc bạch: "Chuyện giáo viên hợp đồng được ký, trả lương thấp hàng chục năm nay không một ai giải quyết.
Chỉ đến khi chúng tôi cầu cứu, báo chí vào cuộc thì xã hội mới biết, mới quan tâm.
Nhiều học trò của tôi, bạn bè, họ hàng mới ngỡ ngàng: Bây giờ em mới biết lương cô thấp như vậy.
Nếu chỉ coi nghề giáo viên là nghề mưu sinh bình thường có lẽ chúng tôi đã không gắn bó với nghề đến ngày hôm nay.
Nhiều giáo viên vẫn đi làm thêm sau giờ dạy để duy trì cuộc sống".
Một số giáo viên hợp đồng cho rằng: Sau vụ việc này niềm tin vào nghề của giáo viên sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.
Thầy T. ấm ức: "Chúng tôi hơn 200 con người trong tổng số hàng nghìn giáo viên hợp đồng tại Hà Nội chưa bao giờ nhận được một câu xin lỗi, một câu nhận trách nhiệm của lãnh đạo.
Chúng tôi bị đẩy ra ngoài đường, mất công việc. Tôi tự hỏi rằng nhiều năm nay vấn đề giáo viên hợp đồng không được giải quyết nhưng họ vẫn ồ ạt tuyển dụng hàng năm.
Vụ việc này lẽ ra phải được giải quyết nhưng họ cứ ngâm thời gian như vậy. Đến thời điểm này liệu chúng tôi kêu cứu có được gì.
Sau vụ này liệu bao nhiêu người có niềm tin về nghề giáo khi nhận ra rằng nghề giáo là nghề lương thấp, lại không được quan tâm".
Nói về kỳ thi viên chức sắp tới, tâm lý chung của nhiều thầy cô là không tin tưởng vào chất lượng cũng như tính nghiêm minh của kỳ thi này.
Những bằng khen, giấy khen, kỷ niệm chương và những giáo viên hợp đồng có thể sẽ bị lãng quên (Ảnh: Vũ Ninh) |
Cô Thơm bộc bạch: "Tôi từng biết nhiều trường hợp thi được điểm gần như tuyệt đối mà vẫn trượt.
Ngược lại có nhiều người thi đỗ viên chức khi về trường dạy chuyên môn còn không bằng chúng tôi.
Thậm chí hiệu trưởng còn phải cắt cử giáo viên hợp đồng kèm cặp cho giáo viên biên chế được nhận vào trường. Thử hỏi như thế thì làm sao chúng tôi tin tưởng và an tâm thi được".
Gần đến thời điểm thi viên chức số phận của hàng trăm giáo viên hợp đồng đang bị bỏ ngỏ.
Nếu thành phố không có phương án xét đặc cách thì chắc chắn họ sẽ bị cắt hợp đồng vì có rất nhiều người không đăng ký thi viên chức.
"Tôi cũng như hàng trăm giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn chỉ mong lãnh đạo có một buổi tiếp xúc với chúng tôi.
Hoặc có văn bản cụ thể chỉ đạo để chúng tôi có thể biết được tương lai đi về đâu.
Còn như bây giờ chúng tôi thấp thỏm không yên vì không biết kết quả cuối cùng như thế nào" – cô Thơm kết thúc câu chuyện.