Theo bảng xếp hạng 15 tỉnh, thành có số tỷ lệ hộ nghèo cao nhất nước thì Sơn La đứng ở vị trí thứ 5 với 34,44 % hộ nghèo. Nhưng, xét theo số hộ nghèo thì Sơn La đứng ở vị trí thứ 3 với 92.754 hộ.
Nếu tính theo tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 thì Sơn La cũng “lọt vào” danh sách của 3 địa phương có thí sinh gian lận điểm thi với 44 thí sinh.
Nếu xét về Ban Giám đốc Sở Giáo dục cho đến thời điểm này thì Sơn La là địa phương duy nhất có 2/3 thành viên nhúng chàm, 1 thành viên còn lại đang liên quan đến "nghi án" sửa điểm.
Ông Trần Xuân Yến đã bị truy tố, ông Nguyễn Duy Hoàng có con được sửa và nâng 3 điểm, ông Giám đốc Hoàng Tiến Đức được cấp phó tố là đã “gửi gắm” 8 thí sinh để nâng điểm.
Ông Hoàng Tiến Đức (người đứng phát biểu), ảnh: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La. |
Sở dĩ ở đầu bài viết, chúng tôi liệt kê Sơn La đang là một trong những tỉnh đang nằm trong danh sách 5 tỉnh nghèo nhất nước để minh chứng cho một điều là một bộ phận người dân Sơn La còn nghèo lắm.
Với 12 đơn vị hành chính (1 thành phố và 11 huyện) nhưng tỉnh Sơn La có tới 3 huyện (Mường La, Bắc Yên, Sốp Cộp) được xếp vào danh sách những huyện nghèo nhất nước.
Trong khi, chúng ta biết rằng, tiêu chí để xếp hộ nghèo của nước ta hiện nay là có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 700.000 đồng trở xuống.
Chính vì vậy, con số 92.754 hộ nghèo của tỉnh đang phải chạy cái ăn từng bữa thì việc cho con đi học cũng là chuyện khó khăn, nói gì đến bỏ ra 1 tỉ đồng để chạy cho con vào đại học.
Cán bộ, công viên chức nhà nước nếu chỉ hưởng mức lương hiện nay thì nuôi con ăn học cũng đã chật vật, nói gì đến chuyện lo lót, chạy chọt bằng tiền tỉ như lời khai của các bị can?
Điều đó cho thấy những người có tiền chạy điểm cho con phải là những người có nhiều tiền, có quyền lớn ở địa phương mới tạo được mối quan hệ để biết đường mà chạy.
Bây giờ thì danh sách 8 thí sinh được ông Trần Xuân Yến khai rằng Giám đốc Hoàng Tiến Đức “nhờ vả” đang hiện hữu trên khắp các mặt báo những ngày qua.
Đó là: Thí sinh có bố công tác tại Cục Thuế Sơn La, mẹ làm việc tại Văn phòng Tỉnh uỷ Sơn La; thí sinh có bố là Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Mai Sơn, Sơn La; thí sinh có bố là Phó Chánh thanh tra tỉnh Sơn La;
Thí sinh có bố là Chánh thanh tra Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La; thí sinh có bố là Trưởng phòng Giáo dục Trung học của Sở Giáo dục; thí sinh có bố là Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Sơn La; thí sinh này có bố là Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Sơn La...
Trong số những phụ huynh này, có nhiều người đã phủ nhận việc chạy điểm cho con mình khi những thông tin “chạy điểm” được xuất hiện trên các mặt báo.
Xét cho cùng, không dễ gì để các vị lại nhận cái việc đáng xấu hổ như thế này, bởi họ đang là những cán bộ, những người có quyền uy trên nhiều người ở địa phương.
Khi nhiều lãnh đạo ngành giáo dục Sơn La dính lứu vào vụ sửa điểm
Từ lâu, Đảng và Nhà nước ta đang luôn xem “giáo dục là quốc sách hàng đầu”, giáo dục là động lực để phát triển kinh tế đất nước.
Vì thế, với vai trò là những người người đứng đầu ngành giáo dục địa phương thì đáng lẽ ra Ban Giám đốc Sở Giáo dục Sơn La phải tận tâm, tận hiến, xem trọng sự nghiệp “trồng người”.
Họ phải là những người nặng lòng với quê hương của mình bởi quê nhà còn nghèo khó, cần phải chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục của tỉnh.
Nhưng không, Ban Giám đốc Sở, Chánh thanh tra; Trưởng phòng Giáo dục Trung học; lãnh đạo, chuyên viên Phòng Khảo thí đã cùng “đồng tâm, hiệp lực”, lợi dụng quyền hạn của mình làm điều phi pháp!
Họ không chỉ vi phạm luật pháp mà còn là những kẻ phá hoại kỳ thi của quốc gia, làm xói mòn niềm tin của mọi người đối với giáo dục nước nhà. Họ chính là "những con sâu làm rầu ngành giáo dục"!
Một khi mà “ngôi nhà” giáo dục Sơn La đã “dột từ nóc dột xuống” vậy mà người đứng đầu vẫn đang tại vị, đang lãnh đạo ngành giáo dục, lãnh đạo một lĩnh vực của ngành giáo dục tỉnh thì điều gì sẽ xảy ra?
Ông Hoàng Tiến Đức nên từ chức
Dù chỉ còn hơn 1 tháng nữa là ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La về hưu nhưng với những gì đã và đang diễn ra đối với ngành giáo dục tỉnh này thì có lẽ ông Đức nên từ chức.
Từ chức không chỉ là cách thể hiện lòng tự trọng và danh dự cho bản thân ông Đức trong bối cảnh này, mà còn giữ danh dự cho ngành giáo dục tỉnh Sơn La.
Cho dù ông có “gửi gắm” 8 thí sinh để sửa điểm như lời khai của ông Trần Xuân Yến hay không thì chừng ấy sự việc trong chính ngành mà ông đang quản lý cũng đủ để ông làm đơn từ chức.
Ngành giáo dục Sơn La sẽ ra sao khi ông Đức vẫn ngồi ở ghế Giám đốc Sở, khi mà kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019 đang cận kề?
Cho dù ông không tham gia chỉ đạo kỳ thi năm 2019 đi chăng nữa thì “cái bóng” của ông Giám đốc cũng làm cho nhiều người nghi ngại. Ông nghĩ gì về lòng dân Sơn La và dư luận cả nước vào lúc này? Ông Hoàng Tiến Đức nên mạnh dạn nộp đơn từ chức.
Tài liệu tham khảo:
http/infonet.vn/10-dia-phuong-ngheo-nhat-ca-nuoc-co-9-la-cac-tinh-mien-nui-phia-bac-post211096.info&usg