LTS: Thẳng thắn cho rằng, sách bài tập cấp tiểu học là nguyên nhân chính dẫn đến học thêm, thầy Nguyễn Cao đã có bài viết chia sẻ cùng độc giả.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Những ngày qua, dư luận đang nói nhiều về chuyện khan hiếm sách giáo khoa đầu năm, nói nhiều đến chuyện mỗi bộ sách giáo khoa cấp tiểu học lại phải kèm theo sách bài tập khiến cho phụ huynh học sinh đã khổ lại càng khổ hơn.
Tại sao có sách giáo khoa lại kèm theo sách bài tập, vì sao sách bài tập không yêu cầu bắt buộc phụ huynh phải mua nhưng nhà trường, thầy cô giáo chủ nhiệm cấp tiểu học vẫn yêu cầu phụ huynh phải mua?
Đi kèm phải mua sách cũng đồng nghĩa nhiều phụ huynh học sinh còn được thầy cô “gợi ý” đi học thêm bởi bài tập quá nhiều.
Vô tình, sách bài tập không chỉ đem lại lợi nhuận cho Nhà xuất bản Giáo mục mà đang đẩy học sinh đến vòng xoáy học thêm triền miên.
Sách bài tập cấp tiểu học là nguyên nhân chính dẫn đến học thêm (Ảnh: giaoduc.net.vn). |
Nếu phụ huynh học sinh cấp tiểu học để ý sẽ thấy kiến thức cấp học này đang rất nặng với gần chục môn học.
Chẳng hạn như học sinh lớp 5 hiện nay đang có số tiết học rất lớn. Mỗi tuần, các em lớp 5 đang phải học 29 tiết/5 buổi học. Trong 5 buổi học đó, chỉ có 1 buổi các em học 5 tiết, 4 buổi còn lại các em đều phải học 6 tiết/buổi học. Với 6 tiết học/ buổi nên học sinh thường kết thúc buổi học vào lúc 11 giờ 25 phút.
Phải nói rằng, tan học vào thời điểm này quả là sự quá tải đối với những em học sinh mới bước vào độ tuổi 10-11.
Sự mệt mỏi, căng cứng sau mỗi buổi học đều thể hiện rõ trên mỗi gương mặt của các em khi tan trường.
Ấy vậy mà, nhiều em học sinh vẫn được một số nhà trường, thầy cô giáo tổ chức học thêm vào trái buổi thử hỏi các em còn đâu thời gian để vui chơi, nghỉ ngơi, các em còn đâu tuổi thơ của mình.
Thực tế, việc học thêm ở cấp tiểu học thì giáo viên sẽ dạy gì nếu không phải là hướng dẫn, yêu cầu học sinh làm những bài tập mà nhà trường đã “định hướng” các phụ huynh đã mua trước đó. Kiến thức, bài tập trong sách giáo khoa chính khóa thì đã học ở buổi chính khóa rồi.
Vì thế, mỗi buổi học thêm thì thầy cô chỉ dạy và hướng dẫn trên sách bài tập để học sinh có thể “làm quen” và thành thành thạo các dạng bài tập khác nhau.
Sự tréo ngoe của sách bài tập này dẫn đến tình trạng học sinh tiểu học hiện nay có vở bài tập ở lớp và có cả vở bài tập ở nhà/môn học.
Vở bài tập ở lớp là vở để làm những bài tập trong sách giáo khoa học chính khóa, vở bài tập ở nhà là các em làm bài tập trên sách bài tập đã mua đầu năm.
Chính vì có quá nhiều loại sách, bài tập như vậy nên trên ba lô của mỗi học sinh tiểu học luôn nặng chịch, nhiều em lên xuống cầu thang đi xiêu vẹo, phải vịn cầu thang để lên xuống.
Nhiều bậc cha mẹ thương con phải mang cặp sách lên tận lớp, khi tan trường phải vội vàng đỡ những chiếc cặp, ba lô chất đầy sách vở.
Điều chúng tôi thấy băn khoăn là gần như tất cả tác giả sách giáo khoa cấp tiểu học lại cũng là tác giả của các sách bài tập. Nội dung sách bài tập là những bài cùng dạng tương tự như sách giáo khoa chính khóa.
Trong khi, Bộ Giáo dục từ lâu đã chỉ đạo giảm tải cho học sinh thì cớ gì lại cho ra đời những quyển sách bài tập để “tăng tải” thêm cho các em.
Nếu Bộ thực sự muốn giảm tải thì chỉ cần cho học sinh làm hết bài tập trên sách giáo khoa là đã đủ chứ sao lại sinh ra sách bài tập để yêu cầu học sinh “làm ở nhà”?
Chính vì có sách bài tập như vậy nên nhiều thầy cô dạy tiểu học phải giao cho các em về nhà làm các bài tập trong sách bài tập. Tuy nhiên, vì lượng bài tập nhiều nên nhiều phụ huynh khó có khả năng kèm cặp các em làm.
Thành thử, mới sinh ra việc học thêm “chính đáng” ở nhà trường và nhà thầy cô mà phụ huynh cũng khó có bề thắc mắc.
Cái vòng rích rắc tiêu cực của chuyện học thêm cũng bắt nguồn từ việc quá tải của học trò.
Điều mà dư luận bất bình nữa chính là sách bài tập được thiết kế chỉ sử dụng một lần phải bỏ đi. Bởi trong sách bài tập được các chuyên gia sách giáo khoa thiết kế sẵn để học sinh viết và điền vào trực tiếp.
Sự oái oăm đó khiến cho mỗi năm phụ huynh phải bỏ ra một số tiền lớn hơn nhiều lần tiền mua sách giáo khoa.
Điều này cũng đồng nghĩa mỗi năm hàng chục tỉ đồng của xã hội phải bỏ đi một cách lãng phí.
Cái lợi chỉ thuộc về những người phát hành sách, kinh doanh sách và một số nhà trường, thầy cô dạy thêm nhưng cái hại là các bậc phụ huynh phải gánh hết.
Ai cũng biết, cấp tiểu học hiện nay đang thực hiện việc đánh giá, xếp loại học sinh theo Thông tư 20 của Bộ Giáo dục là chỉ kiểm tra lấy điểm vào cuối mỗi kì học.
Cả cấp học không có cuộc thi văn hóa nào và cũng không được thi chuyển cấp. Điều này cũng đồng nghĩa áp lực thi cử không có.
Vậy nhưng, học sinh nhiều trường vẫn phải học thêm. Vì sao có tình trạng này? Thiết nghĩ câu trả lời không khó nhưng rất khó tìm được người có trách nhiệm trả lời.