Ở Việt Nam, câu chuyện về triết lý giáo dục đã được đặt ra nhiều năm nay, nhưng thực tế, vẫn thiếu những công trình chuyên khảo, chuyên luận và những cuộc tranh luận học thuật nghiêm túc trong không gian thích hợp về vấn đề này.
Cải cách giáo dục vẫn được tiến hành; chương trình, sách giáo khoa vẫn được thay đổi, trong khi tranh luận về triết lý giáo dục chưa ngã ngũ. Vậy chúng ta cần phải nhìn nhận vấn đề như thế nào?
Trước băn khoăn này, chia sẻ với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương – tác giả của cuốn sách “Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam” (xuất bản năm 2017) cho rằng, hiện nay tồn tại rất nhiều quan niệm khác nhau về triết lý giáo dục ở Việt Nam.
Điều đó là dễ hiểu vì trong suốt một thời gian dài chúng ta cả dân chúng và người quản lý, người làm giáo dục không ý thức sâu sắc về việc đó.
Hơn nữa, trong các bộ luật liên quan đến giáo dục, trong chương trình, văn bản chỉ đạo giáo dục cũng không thấy xuất hiện thuật ngữ “triết lý giáo dục” và nhà nước cũng chưa có văn bản chính thức định nghĩa triết lý giáo dục của Việt Nam là gì.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương – tác giả của cuốn sách "Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam" (xuất bản năm 2017), câu chuyện về triết lý giáo dục nói như người Nhật Bản là “hình dáng lý tưởng tận cùng” của giáo dục. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
“Khi tìm kiếm “triết lý giáo dục” là gì, tôi đã tìm thấy sự mô tả về nó trong giáo dục Nhật Bản. Ở từ điển thông thường, người Nhật định nghĩa triết lý giáo dục là “Triết lý giáo dục là hình dáng lý tưởng tận cùng cần đạt tới của giáo dục.
Thứ thể hiện phương hướng cần phải hướng tới cái đó (triết lý giáo dục) là mục đích giáo dục và thứ thể hiện cụ thể hơn nữa là mục tiêu giáo dục”.
Trong Luật giáo dục cơ của Nhật Bản có hẳn chương I có tên “Mục đích và triết lý giáo dục” ở đó ta có thể thấy triết lý giáo dục thể hiện ở hai thành tố.
Một là hình ảnh “con người mơ ước”-con người mà nền giáo dục muốn tạo ra.
Hai là hình ảnh “xã hội mơ ước”- xã hội tương lai được những con người mơ ước nói trên kiến tạo, bảo vệ”, ông Vương chia sẻ.
“Giáo sư quần đùi” Trương Nguyện Thành luận bàn về triết lý giáo dục |
Từ đó, vị này cho rằng, triết lý giáo dục là thứ có màu sắc lý tưởng, là ngôi sao xa dẫn đường cho những người làm giáo dục, cho học sinh và cả xã hội bước theo nhưng cũng là thứ rất khó có thể đạt được ngay và tuyệt đối.
Nghĩa là triết lý giáo dục sẽ chi phối, tác động rất lớn, toàn diện tới các hoạt động giáo dục, tác nhân giáo dục, môi trường giáo dục trên cả nước. Thậm chí tác động tới cả xã hội tương lai vì giáo dục chính là hoạt động phác ra và kiến tạo xã hội tương lai.
Chia sẻ về lý do để nghiên cứu cũng như viết sách về triết lý giáo dục, Thạc sĩ Nguyễn Quốc Vương cho hay: “Ở Nhật - nơi tôi học người ta không còn tranh luận sôi nổi về triết lý giáo dục vì vấn đề cơ bản đã được giải quyết từ 70 năm về trước với những sự đồng thuận cơ bản.
Tôi bắt đầu quan tâm đến nó khi ở Việt Nam dấy lên sự tranh luận từ năm 2005 và chứng kiến các vấn đề bùng nổ ở trường học Việt Nam.
Thời điểm đó tôi đang học cao học ở Nhật nên có điều kiện tra cứu, xem xét trong các văn bản giáo dục, sách về giáo dục Nhật cũng như quan sát để có sự đối chiếu.
Cuốn sách của tôi chỉ là tập hợp các bài viết đã công bố trên báo, blog chưa phải là chuyên khảo. Tuy nhiên tính cấp thiết của vấn đề khiến tôi quyết định công bố các ý tưởng trước để dọn đường cho nghiên cứu sâu hơn về triết lý giáo dục.
Theo tôi, quan niệm về triết lý giáo dục của Nhật Bản khá tường minh và gần gũi, dễ hiểu vì thế tôi muốn giới thiệu đến độc giả Việt Nam như một nguồn thông tin tham khảo”.
Tuy nhiên, trong cuốn sách “Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam”, tác giả Nguyễn Quốc Vương không diễn giải phân tích cụ thể triết lý giáo dục của Việt Nam hiện nay là gì mà chủ yếu phân tích của Nhật Bản và gợi ý tham chiếu với Việt Nam.
Khi tôi hỏi lý do tại sao lại như vậy thì tác giả đưa ra 2 lý do rằng: Thứ nhất, tác giả muốn mọi người cùng suy nghĩ về vấn đề này - một vấn đề rất quan trọng.
Thứ hai là không khó để tìm ra triết lý giáo dục của Việt Nam vì chỉ cần tìm hình ảnh xã hội tương lai và hình ảnh con người mơ ước của nền giáo dục là rõ được triết lý giáo dục.
Tác giả Nguyễn Quốc Vương nêu cụ thể, ở Việt Nam trải theo chiều dài lịch sử đều có sự sửa đổi nhất định trong “hình ảnh xã hội tương lai” và “hình ảnh con người mơ ước”.
Ví dụ như từ con người “vừa hồng vừa chuyên”, “con người xã hội chủ nghĩa” sang một cách diễn đạt uyển chuyển hơn như con người trong “Điều 2” của Luật Giáo dục.
Đó là “con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Tuy nhiên trong các văn bản chính thức kể cả Luật Giáo dục (đã sửa đổi) không hề có sự nhấn mạnh “triết lý giáo dục là…”. Tức là trong khi muốn định hướng nền giáo dục tới mục tiêu thì các văn bản định hướng đó lại không nêu rõ và thẳng thắn triết lý giáo dục một các tường minh.
“Sự không tường minh này trong thực tế vừa tạo ra sự tác động mạnh mẽ và kiểm soát tới toàn bộ quá trình giáo dục trên phạm vi quốc gia khiến tạo ra một kiểu người đồng phục về tư duy vừa gây ra phản lực ngăn cản thực tiễn giáo dục phát triển vì triết lý giáo dục không trở thành điểm quy chiếu quan trọng cho thực tiễn.
Tức là vì không có dấu hiệu chỉ rõ triết lý giáo dục cho nên giáo viên vừa đổi mới vừa lo sợ bị…thổi còi, bị trừng phạt”, ông Nguyễn Quốc Vương chỉ rõ.
Tất cả những điều mà tác giả Nguyễn Quốc Vương vừa nêu cho thấy, triết lý giáo dục có sức ảnh hưởng lớn và chi phối mọi hoạt động, hành vi giáo dục trên phương diện quốc gia vì thế khi giáo dục khủng hoảng liên tục, toàn diện, lâu dài thì tư duy lần tìm lại vấn đề gốc rễ nhất là cần thiết.
Đó là lý do đặt ra vấn đề triết lý giáo dục để toàn dân thảo luận và cần có cuộc thảo luận sâu, rộng về triết lý giáo dục ở nhiều cấp độ, nhiều không gian để đưa triết lý giáo dục vào Luật Giáo dục.
“Câu chuyện về triết lý giáo dục suy cho cùng là câu chuyện về điểm khởi đầu của giáo dục và cũng là đích đến hay nói như người Nhật là “hình dáng lý tưởng tận cùng” của giáo dục”, ông Vương khẳng định.