Thầy dùng bạo lực với trò là sai nhưng phụ huynh ứng xử với thầy liệu đã đúng?

01/03/2019 07:17
THANH AN
(GDVN) - . Sự giáo dục hiệu quả bao giờ cũng bắt nguồn từ lòng yêu thương, sự biết chia sẻ và trách nhiệm của người lớn.

Dù xã hội có nhiều thay đổi nhưng chức năng của người thầy ngày nay vẫn là dạy học trò về tri thức và hình thành, uốn nắn nhân cách, đạo đức cho học sinh của mình.

Vì thế, xét ở mọi khía cạnh, người thầy dùng những hành động, lời lẽ bạo lực đối với học trò ngày nay là không phù hợp, sai quy định và dư luận sẽ lên án.

Tuy nhiên, thời gian qua có một số trường hợp thầy cô đánh học trò nên dẫn đến tình trạng phụ huynh gây khó dễ, thậm chí kiện cáo, đòi tiền bồi thường…

Từ đó, tạo nên một hiệu ứng chưa đẹp, chưa tế nhị về cách ứng xử. Bởi, từ cái sai của người thầy nên một số phụ huynh muốn làm lớn chuyện, thậm chí muốn đẩy người thầy đến bước đường cùng để thầy cô giáo đó không còn cơ hội đứng lớp.

Đây đang thực sự là một dấu lặng buồn cho mối quan hệ giữa phụ huynh với giáo viên và nhà trường.

Nếu thầy cô, cha mẹ biết nhường nhịn, tôn trọng nhau sẽ là những tấm gương cho học trò noi theo (Ảnh minh họa: TTXVN)

Nếu thầy cô, cha mẹ  biết nhường nhịn, tôn trọng nhau sẽ là những tấm gương cho học trò noi theo

(Ảnh minh họa: TTXVN)

Sự việc gần đây nhất nhất là trường hợp cô giáo của trường Mầm non Tư thục Tây Thạnh 2, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh đánh học trò và phụ huynh đã yêu cầu giáo viên và nhà trường bồi thường 100 triệu đồng.

Đặc biệt là phụ huynh đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng để kiện nhà trường và giáo viên đánh con mình.

Mấy ngày nay, cũng liên quan đến tình trạng thầy đánh học trò là trường hợp thầy giáo Lê Trường Thọ - giáo viên chủ nhiệm lớp 7A3, trường Trung học cơ sở Long Hòa (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang).

Từ việc đưa ra và áp dụng hình phạt đánh học trò, thầy giáo Thọ đã bị phụ huynh phản ánh là đánh “vẹo cột sống” con em của họ.

Dù cho Ban Giám hiệu, thầy Thọ và các đoàn thể đến gia đình xin lỗi và bồi thường chi phí, thuốc thang nhưng phụ huynh vẫn chưa thông cảm cho sự việc này.

Chúng ta cũng còn nhớ vào tháng 2/ 2016,  sự việc thầy giáo Đoàn Văn Học đánh học sinh Đỗ Lân Anh  - lớp 8A Trường Trung học cơ sở xã Định Hòa (Yên Định, Thanh Hóa) trở thành đề tài xôn xôn trên các trang báo.

Thầy dùng bạo lực với trò là sai nhưng phụ huynh ứng xử với thầy liệu đã đúng? ảnh 2Con là cục cưng của bố mẹ, cô mà đánh con, bố con sẽ đuổi cô ra khỏi trường!

Sự việc bị đẩy lên đỉnh điểm khi gia đình đưa em Lân Anh vào bệnh viện huyện Yên Định thăm khám và được các bác sĩ ở đây chẩn đoán, chụp phim và… bó bột.

Chính vì hành động thiếu kiềm chế và đã vi phạm đạo đức người thầy nên thầy Đoàn Văn Học đã cùng nhà trường đến xin lỗi học trò và phụ huynh.

Người thầy đánh học trò đã xin lỗi, chăm sóc em Lân Anh 4 ngày trong bệnh viện và đưa một số tiền để gia đình chăm sóc học sinh nhưng gia đình đòi thầy học hỗ trợ 200 triệu đồng- một số tiền đã vượt ngoài khả năng của một thầy giáo dạy hợp đồng.

Thế nhưng, dư luận còn bất ngờ hơn khi gia đình muốn đưa em Lân Anh xuống bệnh viện tỉnh Thanh Hóa để chữa trị và chăm sóc.

Khi các cơ quan chức năng vào thì em Lân Anh được…tháo bột khỏi cánh tay và cánh tay này co duỗi một cách bình thường, khác hẳn với hình ảnh của những ngày trước đó thì sự thật mới được …vỡ lẽ.

Hiện nay, trong ngành giáo dục có hơn 1 triệu giáo viên, tất nhiên chừng ấy con người thì đòi hỏi sự hoàn thiện tuyệt đối là điều không thể.

Nhất là giờ đây, khi thầy cô giáo đứng lớp, quản lý học trò mà dùng bạo lực để áp dụng cho các hình phạt đối với học trò là điều đáng lên án vô cùng.

Bởi, đó là điều mà theo quy định của ngành giáo dục không cho phép. Hơn nữa, khi đánh học trò thì người thầy tự làm mất đi hình ảnh của mình trước học trò, trước phụ huynh.

Song, thực tế khi đứng lớp có nhiều tình huống mà giáo viên không lường trước được. Nhiều em nghịch ngợm và quậy phá vô cùng.

Thậm chí còn thách thức cả thầy cô nữa. Vì vậy, một số thầy cô không giữ được bình tĩnh sẽ rất dễ dẫn đến những hành động không kiềm chế. Chính vì những hành động không phù hợp của người thầy đã dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Và, cũng từ đây, chúng ta thấy được mối quan hệ, sự cảm thông, chia sẻ giữa thầy cô giáo và phụ huynh ngày nay không được chú trọng.

Nhiều thầy cô chưa làm hết vai trò, trách nhiệm của mình và một phần cũng rất sợ liên lụy, lép vế trước mọi tình huống xấu xảy ra. Trong khi, một số phụ huynh lại quá đề cao bản ngã của mình.

Khi thấy thầy cô vi phạm là họ làm đến cùng mà nguyên nhân sai phạm đều quy hết cho…người thầy.

Thầy dùng bạo lực với trò là sai nhưng phụ huynh ứng xử với thầy liệu đã đúng? ảnh 3Con bị trầy xước khi đi học, phụ huynh đòi bồi thường 100 triệu đồng

Trong khi, ai cũng biết nếu học sinh ngoan hiền, chịu khó học hành chắc chắn không có thầy cô nào xử phạt làm gì cả.

Thực tế, học trò thời nay có nhiều em rất nghịch và hỗn láo với mọi người xung quanh, nhất là sự vô lễ, thách thức với người thầy đang trực tiếp giảng dạy mình.

Nhiều em ở nhà tỏ ra ngoan hiền nhưng ra ngoài đường là thay đổi hoàn toàn tính nết, đến trường lớp chỉ lo quậy phá thầy cô và bạn bè mình.

Chuyện học hành thì chẳng chú tâm, chẳng nghe thầy cô giảng dạy, cũng chẳng thèm chép bài, làm bài tập. Nhưng, thầy cô đánh học trò là cũng đồng nghĩa sẽ tự rước họa vào thân…!

Tất nhiên, khi gặp trò vi phạm thì vai trò của người thầy cần được đề cao hơn.

Người thầy đã không giữ được bình tĩnh, chưa có biện pháp giáo dục phù hợp để giáo dục học sinh làm ảnh hưởng đến danh dự bản thân, danh dự nhà trường và ảnh hưởng đến uy tín của người thầy nói chung trong ngành.

Mặc dù, ai cũng biết là cha mẹ thì ai cũng thương con mình khi bị bạn bè hay thầy cô đánh. Là giáo viên cũng vậy, không ai muốn học sinh của mình hư hỏng, thầy cô nào cũng dạy dỗ và hướng các em có một nhân cách tốt.

 Vì thế, giáo dục học sinh là sự kết hợp giữa nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố gia đình và nhà trường. Sự giáo dục hiệu quả bao giờ cũng bắt nguồn từ lòng yêu thương, sự biết chia sẻ và trách nhiệm của người lớn.

Những cái sai, cái chưa đúng, chưa tốt, chúng ta cần lên án nhưng nguyên nhân sự việc cũng cần tường tận thấu đáo. Cái sai đến từ đâu, đâu là nguyên nhân từ thầy, đâu là nguyên nhân từ con mình để có những cách hành xử nhân văn hơn.

Một khi, người lớn cứ mải mê bảo vệ điều mà mình cho là đúng, làm đến cùng sự việc…thì người thiệt thòi không chỉ là thầy cô giáo mà ngay cả với các em học sinh nữa.

THANH AN