Trưởng phòng giáo dục nêu những điều cần lưu ý khi thực hiện Thông tư 30

21/04/2016 09:00
Trần Thế Sơn
(GDVN) - Thông tư 30 mở ra một hướng đi mới phù hợp với giáo dục tiểu học tuy nhiên cần quán triệt một số vấn đề để hướng tới một nền giáo dục hiện đại và nhân văn.

LTS: Thêm một năm học mà hệ thống giáo dục cả nước áp dụng Thông tư 30 của Bộ GD&ĐT về việc đánh giá học sinh tiểu học sắp qua.

Với tư cách là một Trưởng phòng giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Nghệ An), thầy Trần Thế Sơn cho rằng bên cạnh những thành công đạt được thì vẫn một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình thực hiện Thông tư 30 cần được cải thiện trong năm học tới để hướng tới một nền giáo dục hiện đại và nhân văn hơn. 

Bài viết thể hiện quan điểm, ý kiến riêng của tác giả. Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả. 


Nhằm giúp giáo viên thực hiện tốt Thông tư 30/2014/TT- BGDĐT của Bộ GD&ĐT về đánh giá học sinh tiểu học thì theo tôi cần tiếp tục quán triệt đến cán bộ, giáo viên một số vấn đề sau: 

Thứ nhất, về nhận thức:

Các Phòng GD&ĐT cần tiếp tục chỉ đạo các trường tổ chức sinh hoạt chuyên môn trường, cụm trường để giúp giáo viên nâng cao nhận thức những vấn đề mới của Thông tư 30 như: 

Về mục đích đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30: 


- Đánh giá trước hết để giáo viên điều chỉnh cách dạy, tác động phù hợp với mỗi học sinh: Bằng kỷ luật quan sát hoặc kiểm tra nhanh, giáo viên có thể nắm bắt được tình hình học tập, rèn luyện của mỗi học sinh qua một hoạt động học tập. 

Một số vấn đề lưu ý trong quá trình thực hiện Thông tư 30 (Ảnh: tieuhoc.moet.gov.vn)
Một số vấn đề lưu ý trong quá trình thực hiện Thông tư 30 (Ảnh: tieuhoc.moet.gov.vn)

Từ đó, giáo viên có thể điều chỉnh cách tác động phù hợp với mỗi đối tượng, giúp mọi học sinh có cơ hội hoàn thành được nội dung học tập.

Giáo viên cần khắc phục sai lầm về nhận thức cho rằng: Đánh giá theo Thông tư 30 là chuyển đánh giá bằng điểm sang đánh giá bằng nhận xét. Vì từ đó mà dẫn đến sai lầm trong đánh giá là “quy đổi” điểm số sang nhận xét. 

Ví dụ: Học sinh đạt điểm 9, 10 thì quy thành “Cô khen con” còn ở mức 4,5 điểm thì lại là “Con cần cố gắng hơn”,…

- Trên cơ sở mục đích trên, đánh giá theo quan điểm của Thông tư 30 luôn hướng về sự tiến bộ của học sinh. 

Nếu thực hiện được các mục đích trên thì giáo dục tiểu học sẽ xa dần lối học khoa cử (học để thi, học để lấy điểm) mà tiệm cận dần mục đích nhân bản hơn, đó là: học để phát triển con người và giáo viên sẽ phải từ bỏ thói quen quyền năng trong giáo dục theo lối ban phát: “Cô cho em 10 điểm”. 

Về nội dung đánh giá học sinh

Nếu đánh giá bằng điểm theo cách làm trước đây, học sinh chỉ được đánh giá kết quả học, mục đích giáo dục toàn diện ngoài học tập như thể chất, thẩm mỹ, phẩm chất ít được quan tâm vì không được đánh giá, xếp loại, không liên quan đến thành tích của lớp, của trường. 

Trưởng phòng giáo dục nêu những điều cần lưu ý khi thực hiện Thông tư 30 ảnh 2

Cô thầy làm việc quá tải, nỗi lòng của người trong cuộc

(GDVN) - Trong tâm thức người Việt bao đời nay cho rằng nghề giáo là một nghề nhàn nhã nhưng thực tế không chắc đã vậy, nhất là nhìn vào những năm gần đây...

Theo Thông tư 30, học sinh được đánh giá (được tác động) cả về phẩm chất, năng lực, quá trình và kết quả học tập. Từ đó giúp học sinh được phát triển cả về phẩm chất, trí tuệ, thể chất và thẩm mỹ theo mục tiêu của cấp học.

Về tác động của đánh giá: 


Đánh giá học sinh theo Thông tư 30 sẽ: 

- Giảm thiểu được tác động tiêu cực đối với mọi đối tượng, nhất là với học sinh có kết quả học tập hạn chế. 

- Giúp học sinh hứng thú học tập, hợp tác, tương tác với nhau qua các bài học, hoạt động; 

- Kịp thời sửa chữa những hạn chế qua các nhận xét của giáo viên; 

- Giảm những áp lực về thành tích, điểm số, làm cho các em tự tin, tiến bộ;
 
- Tạo cho các em tâm lý thoải mái trong học tập, vì không bị so sánh, ganh đua về thành tích, không có tâm lý mặc cảm, thất bại; 

- Giúp giáo viên phát hiện và điều chỉnh kịp thời phương pháp dạy học để tác động tích cực, thường xuyên đối với học sinh; 

- Giúp cán bộ quản lý thay đổi cách thức quản lý dạy học và hoạt động giáo dục; 

- Giúp cha mẹ học sinh thay đổi nhận thức về sự học của con em mình từ mục đích học để lấy điểm, để thi thố nay chuyển sang học để phát triển con người.

Thứ hai, về kỹ thuật đánh giá, giáo viên cần nắm chắc kỷ luật đánh giá thường xuyên theo các nhóm kỹ thuật như sau: 

- Nhóm kỹ thuật đánh giá thường xuyên theo tiến trình bài học:

Giáo viên bằng kỹ năng quan sát, phát hiện những khó khăn khó vượt qua của học sinh để đưa ra sự giúp đỡ kịp thời, giúp học sinh hoàn thành bài học hoặc khích lệ những học sinh vượt trội, học sinh có tiến bộ.

Ví dụ, trong tiết học Toán về cộng, trừ có nhớ, giáo viên phát hiện có 2 em còn gặp khó khăn về kỹ năng nhớ trong quá trình thực hiện phép cộng (trừ) nên dẫn đến kết quả sai, giáo viên hướng dẫn nhóm học sinh này cách nhớ để thực hiện phép cộng (trừ) mà không cần giảng chung cho cả lớp.

Trưởng phòng giáo dục nêu những điều cần lưu ý khi thực hiện Thông tư 30 ảnh 3

Cần thay đổi những điều chưa phù hợp trong Thông tư 30

(GDVN) - Mong rằng, Bộ GD&ĐT cần có sự nghiên cứu, những hướng dẫn, chỉ đạo hợp lí nhằm giảm được áp lực cho giáo viên, giảm được những ghi chép không cần thiết.

Trong đánh giá thường xuyên, hoạt động đánh giá theo tiến trình bài dạy là quan trọng nhất vì nó giúp giáo viên đưa ra sự giúp đỡ hay tác động kịp thời đối với cá nhân mỗi học sinh. 

Tuy nhiên, giáo viên cần thận trọng và nhân văn khi đưa ra lời nhận xét hay lời khuyên để không làm tổn thương tới những học sinh có hoàn cánh khó khăn hay những học sinh khó khăn về học.

- Nhóm kĩ thuật đánh giá qua sản phẩm học sinh (bài luyện toán, luyện Tiếng Việt, bài tập thực hành, … ): 

Cần khắc phục thói quen phiên điểm sang nhận xét tạo cho học sinh có cảm giác nhận xét như thế này là tương ứng với điểm 9, 10; nhận xét thế kia là kém. 

Đánh giá trên sản phẩm học tập của học sinh phải sát với kết quả đạt được, đặc biệt phải chỉ ra được điểm chưa hoàn thiện và nguyên nhân để giúp học sinh sửa chữa, khắc phục. 

Đối với những học sinh chưa hoàn thành nội dung học tập, cần có biện pháp giúp đỡ kịp thời, sát đúng để giúp các em vượt qua khó khăn đối với nhiệm vụ học tập cụ thể qua việc thực hiện lại yêu cầu bài tập. 

Ví dụ: Học sinh A hoàn thành 5 bài toán, trong đó, có 1 bài sai kết quả. Đối với 4 bài đúng, giáo viên chỉ cần ghi “đ” hoặc “Tốt”; bài còn sai, giáo viên có thể ghi: “Em làm lại bài 3. Nhớ đặt tính đúng” . 

Đối với học sinh tiểu học, mọi nhận xét đưa ra phải công bằng và giúp các em tiến bộ, tranh những lời nhận xét chung chung hoặc sáo rỗng.

- Nhóm kĩ thuật đánh giá tổng hợp hàng tháng, học kỳ và cuối năm học: 

Giáo viên phải chỉ ra được mặt nào đã tiến bộ hoặc vượt trội, mặt nào cần giúp đỡ để theo dõi sự phát triển của học sinh về các nội dung đánh giá. 

Đánh giá thường xuyên hàng tháng, học kỹ, năm học phải phác hoạ được biểu đồ về sự hình thành và phát triển của mỗi học sinh; đánh giá cuối cùng không phải là phép tính cơ học trung bình cộng của các tháng. 

Các nội dung tổng hợp đánh giá thường xuyên cuối học kỳ, năm học và đánh giá định kỳ (kết quả kiểm tra định kỳ) được sử dụng độc lập với nhau khi xét lên lớp, khen thưởng. 

Cần khắc phục thói quen chỉ căn cứ đánh giá kết quả cuối cùng (kiểm tra định kỳ) để làm căn cứ xét lên lớp, khen thưởng của một bộ phận giáo viên làm giảm ý nghĩa của đánh giá thường xuyên. 

Vấn đề cốt lõi là giáo viên chủ nhiệm, phụ trách lớp phải nắm được quá trình học tập và sự tiến bộ cũng như mức độ đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình lớp học, môn học của mỗi học sinh để đưa ra kết luận chính xác.

Thông tư 30 mở ra một hướng đi mới phù hợp với giáo dục tiểu học, phù hợp với quan điểm tiến bộ trong đánh giá của giáo dục tiên tiến: chuyển từ đánh giá kết quả học sang đánh giá sự học, đánh giá để giúp học sinh tiến bộ, vì sự tiến bộ của học sinh. 

Những khó khăn, vướng mắc ban đầu để thay đổi nhận thức, thay đổi thói quen là hiện hữu. Nhưng nếu cùng hướng tới lợi ích thực của người học, vì một nền giáo dục hiện đại và nhân văn, tôi tin giáo viên chúng ta sẽ vượt qua.

Trần Thế Sơn