70 trẻ trong một lớp mầm non, trông cũng không xuể, nói gì đến chăm sóc

30/03/2018 07:19
Lại Cường
(GDVN) - Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về số lượng trẻ em trong lớp tư thục mầm non như vậy là quá lớn không thể đảm bảo chăm sóc tốt cho trẻ

Ngày 26/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 14 của Quy chế tổ chức và hoạt động trường mầm non tư thục ban hành kèm theo Thông tư số 13/2015/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để lấy ý kiến rộng rãi dư luận.

Trong đó, nội dung "số trẻ em trong một nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục có không quá 70 (bảy mươi) trẻ" đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Nhiều chuyên gia chăm sóc và bảo vệ trẻ em đã tỏ ra lo ngại nội dung này sẽ không đảm bảo các điều kiện chăm sóc trẻ.

Theo quy định tại Thông tư số 13/2015/TT-BGDĐT, số trẻ trong một nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục không quá 50 trẻ, nay số lượng trẻ gia tăng lên 70 trẻ khiến nhiều người lo ngại.

Theo ý kiến chuyên gia, trẻ không thể được chăm sóc tốt nếu sĩ số trong lớp quá đông (Ảnh minh họa: Lại Cường)
Theo ý kiến chuyên gia, trẻ không thể được chăm sóc tốt nếu sĩ số trong lớp quá đông (Ảnh minh họa: Lại Cường)

Trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sỹ Tâm lý học Nguyễn Kim Quý (giảng viên trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cố vấn đường dây tư vấn hỗ trợ trẻ em của Cục Bảo vệ Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) bày tỏ lo ngại về việc điều chỉnh sĩ số trẻ em trong một lớp tư thục như vậy là quá đông và không thể đảm bảo các điều kiện chăm sóc trẻ em.

Theo Tiến sĩ  Nguyễn Kim Quý: “Hiện nay, trung bình mỗi lớp học mầm non chỉ có khoảng 2 giáo viên, nếu để đến 70 cháu/lớp như vậy là quá đông, không thể đảm bảo chất lượng.

Trẻ mầm non khác với học sinh tiểu học. Đặc thù của trẻ mầm non là vừa quan tâm dạy dỗ, vừa chăm sóc, vừa vỗ về động viên các con.

Đối với trẻ em mẫu giáo còn rất nhiều đặc thù khác nhau như các con chưa chủ động trong việc vệ sinh cá nhân. Các sinh hoạt hàng ngày của các con chưa thể tự chủ. Nếu bây giờ để cho 2 cô giáo chăm sóc 70 cháu như vậy khó có thể đảm bảo chăm sóc tốt được.

Bên cạnh đó, trẻ nhỏ đang trong thời kỳ hình thành nhân cách, tâm lý, cần sự quan tâm chia sẻ, các cô không thể quan tâm đảm đương hết các cháu cới số lượng lớn như vậy được.

70 trẻ trong một lớp mầm non, trông cũng không xuể, nói gì đến chăm sóc ảnh 2Giáo viên Mầm non - Nghề nguy hiểm

Bên cạnh đó, tiến sĩ Quý cũng chỉ ra rằng nếu tăng sĩ số trẻ mầm non trong lớp học sẽ gia tăng áp lực cho các cô giáo. Việc này sẽ tác động đến tâm lý giáo viên, việc phải phụ trách một lớp học mầm non có sĩ số lớn đến vậy rất dễ bị stress, lúc đó sẽ dẫn đến những chuyện không hay.

Những hình ảnh phản cảm lâu nay xảy ra các trường tư thục cũng một phần nguyên nhân do các cô bị stress nặng nề.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Quý cho rằng việc này Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiên cứu lại. Theo Tiến sĩ Quý, mỗi lớp mầm non chỉ nên quy định tối đa là 30 cháu như thế là hợp lý. Thậm chí nếu tân tiến hơn thì nên để 20 cháu.

Không thể lấy lý do thiếu trường thiếu lớp để rồi quy định đội sĩ số trẻ trong một lớp học như vậy. Theo tiến sĩ Quý, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên huy động xã hội hóa và kêu gọi đầu tư vào giáo dục chứ không nên quy định cho phép tăng sĩ số trẻ mầm non lên.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Trọng An – nguyên Phó Cục trưởng Cục bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) cho rằng việc gia tăng như vậy là khó chấp nhận.

Thậm chí bác sĩ Nguyễn Trọng An còn tỏ ra ngạc nhiên với số lượng học sinh nhiều đến như vậy trong một lớp học.

Bác sĩ An cho biết điều cần thiết hiện nay là gia tăng số lượng giáo viên trên một lớp mầm non chứ không phải gia tăng số lượng các cháu nhỏ trên một lớp.

Bác sĩ An khẳng định số lượng trẻ em lớn đến như vậy thì không thể chăm sóc trẻ tốt được. Bên cạnh đó, Bác sĩ An cho biết:

 “Tổ chức Y tế thế giới đã có khuyến cáo, trẻ em phải được phát triển toàn diện không chỉ là khỏe mạnh về thể chất mà còn khỏe mạnh về cả tinh thần và trí tuệ, được chăm sóc toàn diện về y tế, giáo dục, vui chơi, văn hóa, tinh thần.

Hiện nay, đối với trẻ dưới 36 tháng tuổi ở ta mới quan tâm về chăm sóc sức khỏe thể chất mà chưa chú ý nhiều đến chăm sóc, kích thích phát triển toàn diện tinh thần và trí tuệ của trẻ.

Đối với trẻ em, 3 năm đầu đời là giai đoạn hết sức quan trọng, làm nền tảng cho sự phát triển con người trưởng thành, khỏe mạnh toàn diện sau này. Do đó cần quan tâm chăm sóc đặc biệt.

Với một lớp học lên đến 70 trẻ như vậy mà trung bình chỉ có từ 2 – 3 giáo viên sẽ rất khó đảm bảo”. Bác sĩ An bày tỏ lo ngại.

Lại Cường