"Chúng tôi mong lãnh đạo ở Thủ đô nói là làm, đừng hứa suông!"

13/05/2019 06:09
Vũ Ninh
(GDVN) - Nhiều giáo viên hợp đồng tại Hà Nội vẫn đang ngồi trên đống lửa vì số phận của họ vẫn bị bỏ ngỏ sau những lời hứa của các cấp chính quyền.

Sau gần 2 tháng đấu tranh, nhiều giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vẫn mòn mỏi đợi một câu trả lời chính thức từ Huyện.

Chung tâm trạng với 256 giáo viên hợp đồng tại Sóc Sơn, nhiều thầy giáo, cô giáo hợp đồng tại huyện Đông Anh cũng cảm thấy rất lo lắng và bất an.

"Chúng tôi mong lãnh đạo ở Thủ đô nói là làm, đừng hứa suông!" ảnh 1Lỗi của Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn, sao đổ lên đầu giáo viên hợp đồng?

Theo thông tin từ giáo viên hợp đồng huyện Đông Anh, ngày 23/5/2019 tới đây lãnh đạo Huyện sẽ tổ chức buổi làm việc với các giáo viên hợp đồng trong toàn huyện.

Trước đó ngày 17/4/2019 lãnh đạo huyện Đông Anh cũng tổ chức hội nghị: Triển khai quán triệt một số nội dung liên quan đến việc thi tuyển viên chức khối giáo dục năm 2019.

Một số  lãnh đạo công đoàn các trường tham dự hội nghị ngày hôm đó phản ánh lại: Phông to hoành tráng nhưng không ai được phép ý kiến gì.

Hội nghị diễn ra vỏn vẹn 30 phút, thuyết trình theo kiểu nhắc nhở. Sau đó chuyển sang phần vay vốn (nội dung không hề có trong giấy mời).

Từ đó đến nay, giáo viên hợp đồng huyện Đông Anh nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên các cơ quan chức năng, nhiều lần xuống huyện gặp lãnh đạo nhưng vẫn không nhận được câu trả lời.

Tình trạng trên cũng đang diễn ra tại huyện Sóc Sơn và huyện Mỹ Đức. Mặc dù đã có những phương án thi viên chức được tính đến: Bỏ vòng thi 1 hoặc bỏ phần thi tiếng Anh, tin học trong vòng thi số 1; Xét tuyển đặc cách dành cho những giáo viên hợp đồng đủ điều kiện (bằng cấp, thâm niên, chuyên môn...) nhưng đến nay vẫn chưa có bất cứ một thông báo, chỉ thị, văn bản nào.

Chính vì thế tâm trạng chung của nhiều giáo viên hợp đồng trên địa bàn Hà Nội cảm thấy bất an vì số phận vẫn đang treo lơ lửng.

Ngày 9/5, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đặt câu hỏi về việc: Hà Nội có hơn 2.700 giáo viên hợp đồng lâu năm đứng trước nguy cơ thất nghiệp, có nhiều giáo viên đã dạy học 20 năm.

Vậy Bộ Nội vụ có quan điểm như thế nào về bảo vệ quyền lợi cho những giáo viên dạy lâu năm này?

Trả lời câu hỏi này đại diện Bộ Nội vụ cho biết : "Hiện đã có quy định phân cấp để tuyển dụng đối với viên chức quy định rất rõ thẩm quyền này là thẩm quyền của địa phương.

Chúng tôi qua theo dõi báo chí thì nhận được thông tin khác nhau. Có việc, một số các thầy cô dạy lâu năm có thể không vượt qua kỳ thi".

Do vậy theo ông Long: Ở đây thẩm quyền hoàn toàn của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, có thể lựa chọn giữa việc thi và xét tuyển để thực hiện chế độ chính sách nào đó đối với số giáo viên hợp đồng này.

Đến nay giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn và nhiều huyện khác trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa nhận được một câu trả lời chính thức (Ảnh: Vũ Ninh)
Đến nay giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn và nhiều huyện khác trên địa bàn Hà Nội vẫn chưa nhận được một câu trả lời chính thức (Ảnh: Vũ Ninh)

Trước thông tin trên, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với một số giáo viên hợp đồng tại Hà Nội.

Cô Đào Thị Nga, giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn cho biết:

"Hôm qua chúng tôi cũng đã có xem tin này trên VTV1. Tâm trạng chung của mọi người vẫn rất bất an vì từ ngày chúng tôi kiến nghị đến nay huyện vẫn chưa có bất kỳ một động thái cũng như trả lời nào.

Đến thời điểm này mọi thông tin mà chúng tôi biết đều thông qua báo chí còn Huyện cũng không ra bất kỳ văn bản hay trả lời trực tiếp đối với các giáo viên hợp đồng như chúng tôi".

Theo cô Nga việc giáo viên hợp đồng đấu tranh không chỉ xuất phát từ việc muốn được giữ lại mà còn là đấu tranh vì quyền lợi bị bỏ quên nhiều năm:

"Thời gian đầu khi nhận được tin này chúng tôi rất bức xúc và sốc vì huyện trả lời rằng giáo viên hợp đồng không cần biết 20,27 năm đều sẽ bị cắt hợp đồng sau kỳ thi viên chức.

Tuy nhiên bây giờ mọi người bắt đầu nhận thức đầy đủ hơn về quyền lợi của chúng tôi đã bị làm sai trong nhiều năm.

Hiện nay chúng tôi đấu tranh không phải chỉ vì muốn được giữ lại hợp đồng mà chúng tôi đấu tranh cho quyền lợi của mình đã bị bỏ qua trong nhiều năm".

Một số giáo viên hợp đồng lâu năm tại huyện Sóc Sơn cũng cho biết: Trong trường hợp bị cắt hợp đồng sẽ tiếp tục đấu tranh trên phương diện pháp lý để đòi lại công bằng.

"Chúng tôi mong lãnh đạo ở Thủ đô nói là làm, đừng hứa suông!" ảnh 3Không thể đặc cách giáo viên chỉ là ngụy biện

Dư luận xã hội cũng đặt ra câu hỏi: Tại sao sau rất nhiều năm giáo viên hợp đồng không được xét đặc cách. Liệu năng lực của họ có đủ tốt để vượt qua kỳ thi viên chức?

Cô Đào Thị Nga nói: "Nếu để nói về việc thi viên chức nhiều người đủ năng lực để thi viên chức.

Nhưng xin thưa ai cũng biết giáo dục hiện nay có rất nhiều vấn đề.

Điều chúng tôi lo lắng nhất là tính minh bạch và nghiêm túc của kỳ thi có được đảm bảo hay không? Chứ không phải chúng tôi sợ việc thi không đỗ?

Nhiều giáo viên đạt kỷ niệm chương Vì sự nghiệp giáo dục. Họ thực sự phải là những giáo viên xuất sắc lắm mới được điều này. Như thế đừng nói chuyên môn chúng tôi không tốt và sợ thi. Điều chúng tôi cần là sự công bằng".

Tại huyện Đông Anh, một số giáo viên hợp đồng cho biết họ cảm thấy gần như không còn hy vọng gì mặc dù đã có những phát biểu theo hướng mở của các cấp lãnh đạo.

Thầy N.T.Đ giáo viên hợp đồng tại huyện Đông Anh cho biết: "Đến thời điểm này chúng tôi nhiều người cũng đuối và thực sự cảm thấy mệt mỏi.

Mọi thứ chỉ đang dừng lại ở phát biểu và những lời hứa. Chỉ khi nào có văn bản của thành phố thì chúng tôi mới yên tâm.

Bên cạnh đó chúng tôi cũng mong huyện thấu hiểu tâm tư của giáo viên hợp đồng. Đến thời điểm này huyện vẫn còn làm khó chúng tôi như không gặp giáo viên rồi cho người điều tra xem ai là người xúi giục làm đơn, ai cầm đầu.

Chúng tôi thấy rất vô lý vì đây là quyền lợi của mình tại sao lại phải có người xúi giục, cầm đầu. Chúng tôi đấu tranh vì quyền lợi của mình.

Huyện còn nói vì huyện thương giáo viên nên không cắt hợp đồng mà giữ lại? Huyện nói huyện thương mà để chúng tôi sống mòn bao năm nay.

Năm 2012 - 2013 có đợt xét đặc cách, nếu huyện nói thương thì đã cho chúng tôi biết. Đằng này thì không một giáo viên nào biết có đợt đặc cách năm đấy trừ các cô giáo mầm non.

Nhưng nhiều cô giáo mầm non lại không được xét đặc cách vì không được đóng đủ bảo hiểm".

Liên quan đến hợp đồng của giáo viên huyện Đông Anh, phóng viên đã tham vấn ý kiến của luật sư Quách Thành Lực, đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

Theo tài liệu mà các giáo viên hợp đồng cung cấp: Có những thầy cô được ký hợp đồng lần đầu tiên vào năm 2006 nhưng đến nay hơn 10 năm vẫn chưa được gian hạn hợp đồng.

Thầy cô thắc mắc: Việc Huyện ký hợp đồng 1 năm sau đó không gian hạn hợp đồng, hợp đồng đó có chuyển sang hợp đồng không xác định thời hạn hay không?

Luật sư Quách Thành Lực cho biết:

"Ủy ban Nhân dân huyện  Đông Anh đã sử dụng mẫu Hợp đồng lao động Ban hành kèm theo QĐ 207/LĐ-TBXH-QĐ ngày 2/4/1993 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để ký Hợp đồng lao động lần đầu có thời hạn với người Lao động.

Người sử dụng lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 3  Bộ luật Lao động năm 2012: "là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; nếu là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ".

Đồng thời tại Điều 22 Bộ luật Lao động năm 2012 có nội dung như sau:

"Khi hợp đồng lao động quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; nếu không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng đã giao kết theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này trở thành hợp đồng lao động xác định thời hạn với thời hạn là 24 tháng".

Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 01 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn".

Nước mắt của những giáo viên hợp đồng vẫn chưa ngừng rơi (Ảnh:Tuoitre.vn)
Nước mắt của những giáo viên hợp đồng vẫn chưa ngừng rơi (Ảnh:Tuoitre.vn)

Trở lại câu chuyện xét đặc cách, nhiều giáo viên hợp đồng đưa ra cách giải quyết thấu tình, đạt lý:

"Nếu có xét đặc cách chúng tôi không yêu cầu phải xét đặc cách cho tất cả. Chúng tôi cũng không yêu cầu phải xét đặc cách dựa vào thời gian công tác.

Suy cho cùng mục đích chung của kỳ thi viên chức cũng là để tìm được người đủ đức, đủ tài.

Do vậy nếu có xét đặc cách cho giáo viên hợp đồng thâm niên cũng cần phải có tiêu chuẩn như bằng cấp, năng lực chuyên môn, thành tích trong giảng dạy, phẩm chất đạo đức.

Chúng tôi cũng mong mỏi kỳ thi viên chức sẽ được tổ chức công bằng, nghiêm túc. Nếu được như vậy chúng tôi sẵn sàng thi".

Vũ Ninh