Thời gian qua, chúng ta đã từng chứng kiến rất nhiều những câu chuyện "vô tình"; "hy hữu" khiến nhiều người thắc mắc, hoài nghi, không biết thực hư như thế nào.
Chuyện con bò, con dê, đàn nhím “đi lạc” vào nhà quan, rồi cả chuyện vợ lãnh đạo "đi lạc" vào sổ hộ khẩu của hộ nghèo.
Và, trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 cũng có một câu chuyện tương đồng là điểm thi đã “đi lạc” vào tên các thí sinh có cha mẹ là cán bộ địa phương và một số gia đình giàu có.
Ảnh minh họa, nguồn: Truyền hình Quốc hội. |
Chuyện “đi lạc” hy hữu này không phải là 1 mà có rất nhiều, con số lên đến hàng trăm gia đình ở một số tỉnh phía Bắc.
Nhiều thí sinh ở Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La "bỗng dưng" có điểm cao chót vót đã góp phần làm phong phú thêm chuyện “đi lạc” ở thời hiện đại.
Nếu như con bò, con dê nó có chân đi lạc thì đã đành. Đằng này, những điểm số vô tri do con người nhập vào máy mà lại “đi lạc” đúng địa chỉ như vậy chắc không phải là một sự vô tình?
Bởi, có em được nâng vài ba điểm, em chục điểm, có em được nâng 26,45 điểm, có em nâng 26,55 điểm/ 3 môn thì việc “lạc điểm” này thật đáng cho chúng ta suy ngẫm về sự đời.
Chúng tôi gọi sự việc sửa và nâng điểm ở đây là chuyện “điểm lạc” vì thời gian qua thì chúng ta đã nghe quá nhiều những lời phụ huynh phàn nàn về chuyện con mình “bị” ai đó tự ý nâng điểm.
Một số phụ huynh cho rằng con mình học hành đàng hoàng nên không biết và cũng không quan tâm chuyện báo chí phản ánh.
Vì thế, điểm thí sinh được sửa và nâng điểm ở đây là “đi lạc” chứ còn gì nữa?
Chúng ta đều biết, trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia bao giờ cũng được tổ chức nghiêm minh, có sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Giáo dục- Đào tạo và địa phương.
Cách xử lý thí sinh gian lận điểm thi năm 2018 chưa có tính răn đe |
Khi thi, có giám thị gác thi, có thanh tra giám sát thi ở vòng trong, có công an giám sát vòng ngoài, thi xong thì bài được niêm phong cẩn thận.
Lúc chấm thi, nhập điểm thì có thanh tra, công an, camera giám sát.
Chúng ta thấy, các khâu đều được thực hiện nghiêm ngặt và đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối như thế mà điểm lại có thể “đi lạc” được mới là chuyện lạ.
"Cái lạ" nữa là phụ huynh nói không biết chuyện nhập điểm của con mình nhưng thử hỏi nếu không có số báo danh, không có tên tuổi, địa chỉ thì sức mấy những cán bộ khảo thí và giáo viên tham gia Hội đồng thi có thể can thiệp được điểm của con mình?
Bởi vì, những người tham gia sửa điểm dù có nịnh bợ một lãnh đạo nào đó thì chỉ có thể biết tên cha mẹ hoặc giỏi lắm biết tên một vài thí sinh chứ làm sao mà biết được nhiều thí sinh đến thế?
Hơn nữa, các thí sinh được sửa điểm sinh sống phân bố ở nhiều địa bàn khác nhau, đâu phải cùng trường hay cùng nơi cư trú với người can thiệp điểm thi.
Vì thế, chuyện “lạc điểm” là có chủ đích và phải có những tác động từ các bậc phụ huynh.
Hoặc, nếu cấp dưới muốn nịnh thì sau khi có điểm cũng phải “báo cáo” với cấp trên để “ghi điểm” chứ đời nào làm một chuyện lớn như vậy mà lại không "báo công" với lãnh đạo của mình.
Trong số 44 thí sinh được nâng điểm ở Sơn La có 2 thí sinh là con của Phó Chủ tịch thành phố Sơn La, 1 thí sinh là con của Phó Chủ tịch huyện Quỳnh Nhai.
Nhưng, cả 3 ông Phó này đều không hay biết con mình “bị” nâng điểm.
Thí sinh con lãnh đạo Sơn La gian lận điểm bị trả về khoe sắp đi... du học |
Báo Lao động dẫn lời ông Q- Phó Chủ tịch thành phố Sơn La như sau:
"Tôi đang làm thủ tục để gửi Sở Giáo dục- Đào tạo Sơn La phúc khảo lại điểm cho con.
Hôm qua, tôi gọi điện hỏi con, con nói rất bức xúc và muốn phúc khảo lại điểm này. Tôi không nhờ vả ai để nâng điểm cho con cả".
Ông Q còn khẳng định: "Tôi khẳng định không có tác động ở đâu, không có chuyện đó".
Và, ông Phó Chủ tịch huyện Quỳnh Nhai cũng không hề hay biết con mình được nâng điểm. Thế nhưng, không hiểu sao điểm thi lại “đi lạc” vào tên của 3 thí sinh là con 3 ông Phó Chủ tịch huyện Quỳnh Nhai và thành phố Sơn La?
Cái lạ là “điểm lạc” này không đến với con em nông dân, con em gia đình khó khăn mà nó lại đến đúng vị trí của một số con quan chức, con nhà giàu.
Nào là con Bí thư tỉnh ủy, con cán bộ Văn phòng tỉnh ủy, con công an, con cán bộ giáo dục, con cán bộ thuế và ít nhất là đến với con của các nhà giàu ở địa phương.
Nghĩ thương cảm có hàng chục cán bộ ngành giáo dục của Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình đã bị truy tố và đang bị giam giữ trong các nhà tạm giam.
Giá như trót lọt thì cũng chẳng ai biết đến mấy vị này là ai bởi tự nhiên lại "gắp điểm bỏ tay người".
Bây giờ, nằm trong phòng tạm giam chịu cực, danh dự đã mất mà lại còn mang tiếng là "nâng khống" điểm cho con người ta nữa chứ. Nghĩ đau thật!